MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp có “sóng thần” từ chức của sếp ngân hàng ở doanh nghiệp

23-11-2017 - 08:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng loạt chủ tịch/tổng giám đốc của ngân hàng như HDBank, TPBank, Sacombank, VIB, Bac A Bank, SHB, Techcombank, SeABank; ABBank…đang đồng thời là chủ tịch/tổng giám đốc/thành viên HĐQT của doanh nghiệp.

Ngày 20/11 vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội chính thức thông qua.

Bên cạnh những điểm riêng biệt lần đầu tiên được đề cập như cho phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt như là 1 trong 5 phương án để tái cơ cấu với nhóm này, thì một điểm nữa cũng thu hút sự quan tâm của dư luận nói chung và giới ngân hàng nói riêng, đó là quy định về chức danh của lãnh đạo ngân hàng.

Theo quy định mới nhất có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Luật TCTD được bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34 như sau:

“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Điểm mới này của Luật các TCTD sửa đổi sẽ khiến cho một làn sóng “từ chức” bắt buộc rất lớn đối với nhóm lãnh đạo ngân hàng đang đứng tên ở doanh nghiệp.

Theo thống kê hiện nay của chúng tôi, có nhiều sếp ngân hàng đang đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT hoặc Tổng giám đốc, phó Tổng giám đốc ở các doanh nghiệp.

Trong đó điển hình phải kể đến những cái tên như Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS...; Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh là Chủ tịch của CTCP Him Lam; Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT của Doji Group; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group; Chủ tịch VIB ông Đặng Khắc Vỹ là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings; Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch của BRG Group, đồng thời là chủ tịch/thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam

Chưa hết, chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền cũng đang là chủ tịch Geleximco; Chủ tịch Kiên Long Bank Võ Quốc Thắng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group; Bà Thái Hương Tổng giám đốc Bac A Bank đang là chủ tịch của CTCP Sữa TH trong khi Chủ tịch của HDBank là bà Lê Thị Băng Tâm đang là chủ tịch của Vinamilk...

Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, việc lựa chọn phải là lãnh đạo ngân hàng hay doanh nghiệp là quy định bắt buộc nên họ chẳng có cách nào khác mà phải tuân theo. Một số người nói rằng sẽ chọn ngân hàng để tuân thủ, nhưng một số ý kiến khác thì băn khoăn và cho biết phải chờ tới mùa đại hội cổ đông sắp tới mới ngã ngũ.

Một chuyên gia tài chính đang công tác tại ngân hàng ở Mỹ thì cho biết, ở bên Mỹ và các nước, khi đã là chủ tịch ngân hàng thì họ sẽ không quản lý sát sao hoạt động kinh doanh ở doanh nghiệp, hoặc là phải nghỉ hẳn ở doanh nghiệp.

"Quy định mới của Luật TCTD là phù hợp với thông lệ quốc tế trong phòng ngừa rủi ro. Việc một cá nhân đồng thời nắm quyền chi phối tại cả tổ chức tín dụng và đối tượng cho vay nhiều khả năng sẽ gây xung đột lợi ích lớn. Chuyện này là rất hiếm xảy ra nếu không muốn nói là hoàn toàn không có tại các thị trường phát triển" - ông nói.

Trả lời câu hỏi theo ông liệu các lãnh đạo ngân hàng sẽ chọn ngân hàng hay doanh nghiệp, vị chuyên gia nói, "Chuyện lựa chọn giữ lại chức danh nào còn tùy vào tính toán chiến lược của từng tổ chức. Nhưng tôi sẽ nhường lại chức vụ tại tổ chức nào mình dễ kiểm soát và điều hành hơn. Xin phép cho tôi nói thẳng, nếu nhìn vào kết quả hoạt động của những ngân hàng được nêu tên, có lẽ chúng ta đều hiểu bên nào phải lo nghĩ nhiều hơn."

Trước khi Quốc hội thông qua Luật TCTD sửa đổi, có ý kiến đại biểu đề nghị rằng trong Luật cần quy định cụ thể về người có liên quan hoặc giao Chính phủ quy định, tuy nhiên, giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các trường hợp quy định về người có liên quan có thể xác định cụ thể đã được quy định trong Luật Các TCTD năm 2010, dự thảo Luật chỉ bổ sung quy định về đối tượng là pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của TCTD.

"Những đối tượng này rất khó định danh, chỉ rõ ngay trong Luật hoặc Nghị định mà chỉ có thể xác định thông qua giao dịch thực tế của các TCTD hoặc thông qua hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Quy định mà Luật đưa ra là nhằm phát hiện và cảnh báo từ sớm, ngăn ngừa việc thực hiện các hành vi có thể gây rủi ro cho chính TCTD và hệ thống" - báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên