Sắp thành lập “siêu Ủy ban” 5 triệu tỷ đồng, DNNN sẽ phải tách khỏi Bộ chủ quản
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.
- 11-06-2016Những điều cần biết đằng sau việc thành lập siêu ủy ban 5 triệu tỷ
- 31-05-2016Siêu ủy ban 5 triệu tỷ: Không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia
- 28-05-2016'Siêu ủy ban' 5 triệu tỷ, lương sếp không giới hạn?
Việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, ngăn chặn các trường hợp nhiều doanh nghiệp nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ…
Siêu Ủy ban sẽ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý Nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Ủy ban không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả, hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đồng thời, chịu sự giám sát, đánh giá của Chính phủ, Quốc hội, cơ quan liên quan, nhân dân và báo chí, truyền thông…
Nhiệm vụ của Ủy ban này sẽ là thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN; cơ cấu vốn nhà nước đầu tư; xây dựng danh mục đầu tư…
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương-CIEM) là cơ quan đã xây dựng dự thảo nghị định liên quan đến việc thành lập Ủy ban.
Khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quan và chuyển sang cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, vị này e ngại rằng việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ quản lý ngành hiện nay là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn.
Tuy nhiên, việc thành lập Ủy ban là nhằm thực hiện theo chủ trương được đưa ra từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với mục tiêu sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Mặc dù nhiều ý kiến lo ngại một Ủy ban được thành lập có thể làm tăng thêm cơ quan quản lý mà lại không hiệu quả do Bộ chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn, song ông Tú Anh cho rằng mô hình này ở thế giới đã triển khai và thành công. Do vậy, việc thành lập một Ủy ban quản lý vốn và tài sản các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là có thể thực hiện được, song đòi hỏi quyết tâm rất lớn.
Được biết, siêu Ủy ban trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước sẽ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty được đưa ra trong phụ lục của Dự thảo Nghị định này. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng giữ vai trò quản lý.
Số liệu công bố trước đó của CIEM cho biết, gần 800 DN mà Nhà nước năm 100% vốn, tổng tài sản của DN này lên tới 3 triệu tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì con số này lên đến 5 triệu tỷ đồng.