SARS-CoV-2 dạy tôi những bài học thấm thía: Giờ tôi thèm những điều quá đỗi bình dị, thèm xuống phố đi chơi, thèm một bữa cơm không hoảng hốt...
Khi đề cập đến chuyện yêu đương, chúng ta hay lên lớp nhau rằng "chỉ thấy quý trọng những gì đã mất". Nay việc đó đúng tuyệt đối cả với những điều bình dị.
- 01-04-2020Trải qua dịch bệnh đầy khó khăn, tôi học được điều sâu sắc cho tương lai: THÍCH ỨNG là kỹ năng thời nào cũng cần phải có
- 01-04-2020Virus không phải "thế lực siêu nhiên": Tại sao phát triển vaccine chống COVID-19 lại khó đến vậy?
- 01-04-2020Tự cách ly phòng dịch Covid-19 và câu chuyện "sống chậm lại, nghĩ khác đi, học hỏi nhiều hơn" đáng suy ngẫm của nữ CEO
- 20-03-2020Có My MobiFone trong “lòng bàn tay”, ở nhà tránh covid, giao dịch thả ga
Dưới đây là bài chia sẻ của diễn giả, blogger Nguyễn Ngọc Long là nhà sáng lập Truyền Thông Trăng Đen:
VIRUS CORONA DẠY TÔI NHỮNG BÀI HỌC GÌ?
Trong cuốn 3 Người Thầy Vĩ Đại, có một quan điểm mà tôi tâm đắc: Bất kể việc gì xảy ra, tức là nó phải xảy ra; con người chúng ta vốn dĩ đều chưa hoàn hảo, nên cuộc sống này cần những biến cố để mang đến những bài học giúp chúng ta lớn khôn hơn.
Vậy chiếu theo quan điểm đó, đợt dịch bệnh này đã dạy tôi những bài học giá trị thế nào?
1. Yêu thương người già
Không cần đợi đến khi Thủ tướng đưa chỉ thị cách ly toàn xã hội, gia đình tôi đã tự cách ly được gần 3 tuần, dù không hoàn toàn tuyệt đối.
Tôi tự biết mình vô cùng may mắn và hạnh phúc khi được ở trong một căn nhà rộng rãi, có ban công, sân thượng, có mảnh vườn nhỏ để có thể thoải mái ngắm đường phố, tập thể dục, lao động và hít thở khí trời.
Tôi cũng làm việc online và gần như hạn chế tụ tập bạn bè 4-5 năm nay. Thế nhưng, việc "ít khi tụ tập" sẽ rất khác với việc "hạn chế tối đa bước chân ra ngoài phố".
Nhiều lúc, đứng trên sân thượng lồng lộng gió trời, ngắm hoàng hôn thật đẹp vẫn thấy vô cùng ngột ngạt. Những lúc ấy, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là bà nội tôi, và những bà nội bà ngoại khác.
Tôi ước chừng khoảng 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng nữa dịch bệnh sẽ qua đi. Nhưng những người già - như bà tôi, và ông bà các bạn - thì việc còn dịch hay hết dịch cũng không khác nhau nhiều lắm.
Không gian sống và vòng tròn kết nối của họ cứ nằm im một chỗ, rồi thu hẹp dần theo năm tháng. Niềm vui gói lại bằng việc ban sáng đếm "hoa quỳnh có 11 bông", ban chiều đếm "cây ớt hôm nay ra thêm 15 cái nụ".
2. Trân quý sự tự do
Khi đề cập đến chuyện yêu đương, chúng ta hay lên lớp nhau rằng "chỉ thấy quý trọng những gì đã mất". Nay việc đó đúng tuyệt đối cả với những điều bình dị.
Tôi thèm được đi chơi, thèm được đi lại thoải mái ngoài đường mà không phải đề phòng người đối diện hắt hơi sổ mũi. Tôi thèm được ăn một bữa cơm mà không phải hốt hoảng hỏi nhau đã rửa tay chưa, kể cả sau đó dính tiêu chảy một tuần tôi hứa vẫn cười vui sướng.
Tôi không muốn đau lòng khi thấy người yêu mình phải "tập nhảy" ở trong phòng, chị gái mình phải đi bộ vòng quanh nhà chỉ vì không thể ra ngoài đi thể dục.
Nhìn hẹp là sự tự do của cá nhân, của người bạn bè, của người thân yêu... Nhìn rộng ra là sự tự do của một quốc gia, dân tộc, thực sự là điều mà chúng ta bây giờ thấm thía.
Blogger Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: FBNV.
3. Thấu hiểu sự giận dữ
Khi xảy ra sự cố của em Nhung-17 (bệnh nhân số 17 - PV), tôi tức giận, lo lắng và mất ngủ. Tôi cảm thấy công việc của mình sắp bị ảnh hưởng nặng nề vì sự ích kỷ của người này.
Tôi đổ lỗi toàn bộ mọi việc cho Nhung-17.
Rồi cảm giác đó nhạt dần. Đến khi xảy ra trường hợp của cô doanh nhân (mà giờ tôi quên luôn cả số thự tự) ở Bình Thuận, tôi gần như thờ ơ. Không phải là vô trách nhiệm với tình hình dịch bệnh của đất nước, mà tôi không còn suy nghĩ đổ lỗi hay tức giận.
Tôi mất luôn cảm giác lo lắng khi sau mỗi bữa cơm lại chăm chú xem thời sự hay đọc báo để "xem nhảy số".
Tôi không biết dịch bệnh còn kéo dài bao lâu nữa nhưng tôi chắc chắn một điều sau giai đoạn khó khăn này 5 năm, 10 năm, 15 năm nữa... tôi sẽ trở thành một người mạnh mẽ hơn, bao dung hơn và bình thản hơn khi (không may) phải đối mặt với một vài biến cố.
4. Ý thức vai trò của mình với môi trường
Một tuần trở lại đây, tôi bỗng thấy Sài Gòn của mình khác quá. Đẹp một cách thanh bình, đẹp dung dị mà vẫn đầy quyến rũ.
Cây cối như xanh hơn, gió mát hơn, không khí trong trẻo hơn, giữa trưa nắng 36-37 độ C mà vẫn thấy thật dịu dàng.
Dường như mẹ trái đất đang cố gắng gửi đến chúng ta một thông điệp rất rõ ràng, rằng ai mới là chủ nhân thực sự của hành tinh này. Rằng tham vọng "chế ngự thiên nhiên" của chúng ta sẽ mãi chỉ là ảo vọng.
Tôi xem trên internet thấy ở nước ngoài cảnh dê đi lại ngoài đường phố, chuột kiếm ăn giữa lòng đường; vì không có du khách và tàu thuyền hoạt động trên hệ thống kênh đào thành phố Venice (Italy), nguồn nước tại đây đã trong xanh trở lại, bớt ô nhiễm và cá tung tăng bơi lội.
Tôi cũng liên tưởng đến câu chuyện hồi sinh kì diệu ở vùng đất chết ngập ngụa phóng xạ Chernobyl chỉ vì thiếu vắng dấu chân người.
Bài học rút ra ở đây là chúng ta - đại diện của loài người, là kẻ phá hoại thiên nhiên tàn khốc nhất. Nhưng thiên nhiên có thể giành lại vai trò thống trị bất cứ lúc nào.
5. Gia tăng sự cảm thông
Bất cứ khi nào phải ra đường mua nhu yếu phẩm, tôi thường nhìn những người lao động nghèo và tự hỏi, những ngày tới đây, cuộc sống của họ sẽ ra sao?
Họ giặt khẩu trang và phơi chúng ở đâu? Một ngày họ rửa tay bao nhiêu bận?
Khi số lượng người ra đường ngày một ít đi, thì số tiền những cô chú bán hàng rong kiếm được mỗi ngày có đủ mua một bữa ăn không?
Hầu hết những câu hỏi ấy đều có chung một câu trả lời, chung một đích đến: đó là sự bất lực và cố gắng... không nghĩ nữa.
Tôi tự huyễn hoặc bản thân rằng mình chỉ cần sống tốt, lo lắng bảo bọc cho những người thân yêu gần mình nhất là đã "tốt lắm rồi".
Nhưng tôi biết điều đó là không đúng, tôi nghĩ mình đang tự lừa dối bản thân.
Ảnh minh hoạ.
6. Trân trọng gia đình
Nếu không có dịch xảy ra, chắc bố mẹ sẽ vẫn từ Long An lên Sài Gòn thăm chúng tôi. Nhưng sẽ không phải vội vội vàng vàng quay xe về nhà gấp với lý do "ở nhà còn bao nhiêu việc".
Nếu không có dịch xảy ra, tôi cũng sẽ không phải trang bị cho hai vợ chồng tầng tầng lớp lớp khẩu trang, áo khoác, gel rửa tay khô, mũ che mặt... để chạy mấy chục km về quê cho vợ gặp mẹ vợ vài phút cho đỡ nhớ với cam kết "không tháo khẩu trang", "không ăn cơm không uống nước chung".
Ngày thường, tôi khuyên vợ đừng ăn bánh kẹo hay dùng nước ngọt. Hôm nay ra đường mua nhu yếu phẩm, tôi tự nguyện mua thêm 5 chai sting, và 1 chiếc bánh bao. Vì nếu phải lựa chọn giữa nụ cười vui và một vài ngày ăn uống chưa khoa học lắm, tôi chọn được nhìn thấy nụ cười vui của vợ. Điều đó với tôi, lúc này là quan trọng hơn tất thảy.
Nếu không có dịch xảy ra, tôi cũng chẳng phải ngại ngùng đến mức lóng ngóng khi cân nhắc tới lui, cuối cùng buộc phải hỏi chị gái mình có cần mua băng vệ sinh không khi nhìn thấy trong danh sách đồ cần mua ở siêu thị thiếu sản phẩm thiết yếu này. Vì tôi hiểu mục đích giữ an toàn cho những thành viên dễ tổn thương trong gia đình quan trọng hơn sự khó xử bản thân.
Hai chữ Gia Đình luôn là tài sản quý giá nhất mà mỗi người chúng ta cần trân quý. Nhưng giữa khó khăn của mùa covid, điều đó cảm nhận dễ dàng hơn tất cả.
***
Ngày mai, cả nước vào giai đoạn cách ly toàn xã hội trong một khoảng thời gian cực ngắn. Chỉ có 14 ngày thôi, tôi mong chúng ta cùng đồng lòng cố gắng. Tôi sẽ ổn, gia đình tôi sẽ ổn và tất cả các bạn đều sẽ ổn. Chúng ta học được nhiều điều và may mắn vì được sinh ra, được sống trong những ngày tháng cả nước căng mình cho một cuộc chiến không tiếng súng.
Hãy giữ vững tinh thần lạc quan. Hãy chung sức chiến đấu. Và hãy luôn mạnh khỏe.