Sau 3 quý thua lỗ liên tiếp, PVD Drilling báo lãi 53 tỷ đồng trong quý 4/2022
Luỹ kế cả năm 2022, PVD Drilling vẫn chịu lỗ 151 tỷ đồng và không thể hoàn thành mục tiêu có lãi.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã CK: PVD) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Cụ thể, riêng quý 4, doanh thu thuần đạt 1.458 tỷ đồng – tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán chỉ tương đương cùng kỳ nên lãi gộp đạt gần 261 tỷ đồng, tăng 92% so với quý 4/2021. Biên lãi gộp cải thiện đáng kể từ 10% lên 18%.
Trong kỳ, PVD Drilling thu về 35 tỷ đồng doanh thu tài chính – tăng 25% so với cùng kỳ nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ 43 tỷ đồng lên hơn 87 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng cao. Chi phí QLDN cũng tăng gấp đôi lên hơn 178 tỷ đồng.
Chịu thêm khoản lỗ khác 11,5 tỷ đồng khiến PVD lãi trước thuế hơn 36 tỷ đồng giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ chi phí thuế TNDN hoãn lại tăng cao nên LNST đạt hơn 53 tỷ đồng tăng nhẹ 6% so với quý 4/2021. Được biết trong cả 3 quý kinh doanh trước đó của năm 2022 PVD đều đã báo lỗ.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của PVD đạt 5.431 tỷ đồng – tăng 36% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí LNST âm gần 151 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu 98,5 tỷ đồng, trong khi năm ngoái LNST công ty mẹ đạt 19,5 tỷ đồng - Đây cũng là năm đầu tiên PVD kinh doanh thua lỗ kể từ năm 2006.
Được biết PV Drilling đã lên kế hoạch doanh thu đạt 4.700 tỷ đồng và nỗ lực có lợi nhuận trong năm 2022. Như vậy mặc dù hoàn thành vượt kế hoạch về doanh thu nhưng PVD đã không thể có lãi trong năm 2022. Trước đó, PV Drilling cho biết do chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến động tình hình tài chính thế giới dẫn đến tăng tỷ giá, tăng lãi suất, nên kết quả lợi nhuận năm 2022 dự kiến không đạt được như kỳ vọng.
Sang năm 2023, dự báo giá dầu đạt mức trung bình trên 92 USD/thùng (theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA). Cùng với xu hướng tăng của giá dầu, nhu cầu giàn khoan cũng sẽ tăng dần.
Ban lãnh đạo của PVD nhận định, năm 2023 - 2025 sẽ là giai đoạn các công ty dầu khí đầu tư mạnh cho lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khoan phát triển để chuẩn bị đón đầu chu kỳ tăng trưởng nhu cầu năng lượng sắp tới.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của PVD đạt 20.681 tỷ đồng, giảm 80 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó hơn 1.965 tỷ đồng là khoản tiền và tương đương tiền tăng gần 74% so với đầu năm.
Nợ phải trả đạt hơn 6.598 tỷ đồng trong đó nợ vay chiếm hơn 3.835 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn. Tại thời điểm cuối quý 4, PVD còn hơn 440 tỷ đồng LNST chưa phân phối.
Nhịp sống thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KQKD Quý 4/2022
Xem tất cả >>- Kiếm đậm từ bán vé, phí gửi đồ và fastfood cũng thêm vài chục tỷ, Công viên nước Đầm Sen lần đầu báo lãi trăm tỷ đồng
- Doanh nghiệp BĐS: Mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng chục tỷ tiền lãi, riêng Novaland có chi phí lãi vay thấp "kỳ lạ"
- Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh cả nghìn tỷ chi phí lãi vay, những DN này vẫn ung dung khi gần như không phải trả đồng nào
- Hải An (HAH) báo lãi hơn 1.000 tỷ năm 2022, sự cố va chạm của tàu Hải An City ước tính tổn thất 200 tỷ, được bồi thường 150 tỷ đồng
- Sau một năm thăng hoa nhờ Covid, doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất trên sàn chứng khoán rơi mất 30% doanh thu, lãi giảm một nửa