Sau 'cơn bão' Việt Á, y tế chao đảo
Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí cho rằng, do luật pháp sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên “xà xẻo, chấm mút, chia chác” và “cơn bão Việt Á đã nổi”.
- 06-06-2022Bạc Liêu khởi tố vụ án vi phạm quy định đấu thầu liên quan Công ty Việt Á
- 01-06-2022Một trưởng khoa dược nghi tự tử tại nhà riêng "liên quan Công ty Việt Á"
- 27-05-2022NÓNG: Khởi tố Giám đốc CDC Đắk Lắk và 4 thuộc cấp liên quan việc mua kit test Công ty Việt Á
Xà xẻo, chấm mút, chia chác…
Sáng 13/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói rằng, trong 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật, quy định pháp lý y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. Theo ông, cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ 18.600 đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt y tế cơ sở đã xin thôi việc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long. Ảnh: Như Ý
Ông Trí cũng cho rằng, do luật pháp sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên “xà xẻo, chấm mút, chia chác” và “cơn bão Việt Á đã nổi”. “Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch COVID-19 trong hoạt động bảo vệ nhân dân nay đang bải hoải đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định tan vỡ, tạm nghỉ”, ông Trí nói. Ông đề nghị QH, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành y tế như về nhân lực, nhân sự; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành Y tế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý về ngành Y tế.
"Những ai còn vấn vương về quyền hạn hoặc những lợi ích từ chiếc ghế giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh".
ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai)
Trước tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là pháp luật không rõ ràng. Việc sửa đổi luật lần này cần giải quyết được những bất cập lâu nay trong hệ thống y tế. Đề cập mô hình kiêm nhiệm, ông Long cho rằng “câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn tiếp tục”, điển hình như một giáo sư, bác sĩ từ chối chức vụ giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị để chuyên tâm cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Và ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số những lợi ích, cơ man mối quan hệ chằng chịt”, ông Long nói. Ông cho rằng, nếu không thắng nổi những cám dỗ, không xử lý được hết mối quan hệ đó thì “chuyện vào tù là sớm hay muộn”. Theo ông Long, “những ai còn vấn vương về quyền hạn hoặc những lợi ích từ chiếc ghế giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh”.
Nhiều lỗ hổng bị lợi dụng, cấu kết nhóm lợi ích
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), xã hội hoá liên doanh, liên kết là chủ trương rất đúng đắn, góp phần bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho ngành Y tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Đặc biệt, qua theo dõi các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, bà Thuỷ nhận thấy, việc “thổi giá” không chỉ xảy ra trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mà còn được phát hiện qua việc triển khai các đề án liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám chữa bệnh tại một số bệnh viện. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng đặt rô bốt hỗ trợ kỹ thuật với giá gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ hơn 7,4 tỷ lên 39 tỷ đồng, làm lợi cho một nhóm người, gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân sử dụng máy này.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro, nhất là dễ bị lợi dụng, câu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và cho Nhà nước. “Xã hội hoá y tế hiện nay gần như đã tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gần như đã đóng băng, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng ngày càng cao, các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ vào việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà Quốc hội đang thảo luận”, bà Thủy nói. Bà kiến nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo luật nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, Điều 90 của dự thảo quy định các nội dung còn chung chung, chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, chưa cụ thể được các chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân. Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung nhằm đồng bộ, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
“Là một bác sĩ khi chọn ngành y, chúng tôi nhớ và giữ vững niềm tin với ngành nghề của mình. Tôi mong các cấp lãnh đạo, các đại biểu QH và nhân dân chia sẻ, đồng hành với ngành Y tế, vượt qua những khó khăn trong đại dịch vừa qua, sớm tạo hành lang pháp lý an toàn cho chúng tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ tương xứng với sứ mệnh của ngành, góp phần khẳng định việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”, đại biểu Thu bày tỏ.
Đại diện Chính phủ phát biểu giải trình, tiếp thu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết cần có các giải pháp đột phá. Mặc dù đã có bước chuyển rất lớn, nhưng đến nay mới có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn, song vấn đề này liên quan nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ.
Tiền Phong