MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau dầu giá rẻ, Nga lại tung “thép đại hạ giá” khiến thị trường thép châu Á chao đảo

20-07-2022 - 12:39 PM | Thị trường

Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Thị trường thép châu Á vốn đang bị chao đảo do vấn đề về nhu cầu suy giảm thì đến nay áp lực lại tiếp tục đè nặng bởi dòng chảy của kim loại giá rẻ của Nga.

Thép giá rẻ từ Nga 

Sau khi bẻ dòng chảy dầu sang châu Á với giá rẻ và kiếm bộn tiền, Nga tiếp tục đẩy mạnh thép đến thị trường châu Á với giá ưu đãi. Dòng chảy bất thường của các sản phẩm giá rẻ từ Nga đang làm chao đảo thị trường thép ở châu Á, đè nặng lên giá cả và khiến các nhà sản xuất chủ chốt trong khu vực phải cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra.

Theo các nhà sản xuất thép châu Á khi theo dõi các hoạt động thương mại trong khu vực này, Nga đang cố gắng gửi thêm thép sang thị trường phía Đông sau khi các lệnh trừng phạt được thực thi khiến phương Tây quay lưng lại với hàng hóa của Nga và làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen. Khi khối lượng thép của Nga tăng lên tại khu vực này có thể gây áp lực lên các thị trường vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như sụt giảm nhu cầu.

Mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều so với những mặt hàng khác, tuy nhiên sự thay đổi trong thương mại ngành thép mang theo tiếng vang của nhiều mặt hàng từ than đá sang dầu thô, với việc Nga đang tìm kiếm những khách hàng mới khi đang phải đối mặt với những lệnh trừng phạt từ châu Âu và làn sóng tẩy chay trên toàn cầu. Phần lớn thép thặng dư của Nga, đặc biệt là sản phẩm sơ chế (phôi thép) đã chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó các nhà máy thép của Nga hiện cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu thép đến những điểm đến châu Á với giá ưu đãi.

Đối với Tokyo Steel - Công ty sản xuất hợp kim từ kim loại phế liệu, sự xuất hiện của các sản phẩm của Nga đang tác động mạnh lên giá phế liệu tại khu vực.

Các nhà sản xuất phôi thép trên khắp Đông Nam Á đang cắt giảm sản lượng trong thời gian gần đây. Điều đó có nghĩa là họ đang mua ít nguyên liệu phế liệu hơn kể cả từ Nhật Bản để cung cấp nhiều hơn cho Tokyo Steel.

Những sản phẩm thép của Nga được đánh giá là một nhân tố hoàn toàn mới chưa từng có trong tiền lệ trên thị trường thép phế liệu. Ông Soichiro Tsuda, Giám đốc điều hành thu mua tại Tokyo Steel đã đánh giá như vậy vào tuần trước trong một cuộc phỏng vấn. Giá thép phế liệu của Nhật Bản đã giảm hơn ¼ kể từ mức đỉnh vào hồi tháng 4 vừa qua.

"Giá cả có thể sẽ giảm hơn nữa, hoặc tốt nhất sẽ là ở mức như hiện tại", ông cho biết thêm.

Một nhà sản xuất thép khác tại châu Á có quy mô tương tự như U.S. Steel Corp. - cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ dòng tiền từ các sản phẩm thép cán nóng của Nga trong bối cảnh báo cáo về việc Nga giảm giá.

"Các nhà máy thép của Nga đang mong muốn chuyển sang thị trường châu Á để bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường quốc tế nhằm loại bỏ các sản phẩm thép dư thừa", công ty này cho biết trong một thông báo mới đây.

"Những thông tin về việc bán các sản phẩm thép giá rẻ của Nga trên quy mô lớn đang sôi sục, làm xáo trộn nghiêm trọng đến trật tự của thị trường thép trong khu vực".

Sau dầu giá rẻ, Nga tiếp tục tung đòn “thép giá rẻ” khiến thị trường thép châu Á chao đảo - Ảnh 1.

Phôi thép giá rẻ của Nga đe dọa giảm giá phế liệu. Nguồn: Hiệp hội hợp tác xã Kanto Tetsugen. Đồ họa: Bloomberg

Thị trường Ấn Độ

Sau dầu mỏ và than đá, thép từ Nga đã đổ bộ vào các bờ biển Ấn Độ khiến các nhà sản xuất thép trong nước cảm thấy lo lắng khi Nga dùng cách bán hàng tồn kho ngày càng tăng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo các thương nhân tại quốc gia này, đã có 2 hoặc 3 chuyến hàng thép của Nga đã cập cảng Ấn Độ.

Thép cuộn cán nóng (HRC) tiêu chuẩn của Nga có sẵn với mức chiết khấu khoảng 3.000 Rs/tấn so với giá trong nước. Theo dữ liệu từ SteelMint, kể từ tháng 6 khách hàng Ấn Độ đã đặt khoảng 150.000 tấn HRC của Nga. Con số này so với mức tiêu thụ hàng tháng là 9-10 triệu tấn ở thị trường nội địa. Số lượng này gần gấp ba lần tổng lượng thép nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga vào năm 2021, vào khoảng 56.000 tấn.

Hầu hết thép từ Nga đến từ các nhà sản xuất thép hàng đầu là Severstal và NLMK. Người mua bao gồm các thương nhân địa phương và một số nhà sản xuất thép ống. Các giao dịch đã được thanh toán chủ yếu bằng đồng ruble. Điều này xảy ra vào thời điểm các nhà sản xuất thép Ấn Độ đang gặp khó khăn trên thị trường xuất khẩu do mức thuế xuất khẩu mới 15% được áp vào hồi tháng Năm.

Xuất khẩu thép của Ấn Độ đã giảm kể từ đó và nhu cầu trong nước cũng đi xuống, khiến các nhà sản xuất thép Ấn Độ lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường nội địa. Giám đốc điều hành của một công ty thép hàng đầu giấu tên cho biết: "Thép Nga là một vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt trước của những khách hàng Ấn Độ vẫn chưa đủ lớn để gióng lên hồi chuông cảnh báo".

Một giám đốc điều hành hàng đầu của một nhà sản xuất thép trong nước khác tự tin rằng việc nhập khẩu thép của Nga sẽ sớm cạn kiệt do đồng rupee suy yếu trong khi đồng ruble giữ giá so với đồng USD. Điều này sẽ phủ nhận sự chênh lệch giá mà các nhà sản xuất thép Nga có thể cung cấp cho khách hàng Ấn Độ so với giá trong nước. Hơn nữa, các nhà sản xuất thép Ấn Độ có những điều chỉnh theo ý của họ để thu hẹp thêm sự chênh lệch giá, theo báo cáo của SteelMint.

Tham khảo: Bloomberg, ET

https://cafef.vn/sau-dau-gia-re-nga-lai-tung-thep-dai-ha-gia-khien-thi-truong-thep-chau-a-chao-dao-20220720110126473.chn

Như Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên