MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau giai đoạn tăng nóng theo "sóng đầu tư công", nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ trong quý 3 do sức tiêu thụ giảm mạnh

24-10-2021 - 09:33 AM | Doanh nghiệp

Sau giai đoạn tăng nóng theo "sóng đầu tư công", nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ trong quý 3 do sức tiêu thụ giảm mạnh

Triển vọng quý 4 của các doanh nghiệp xi măng cũng kém khả quan khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, bên cạnh đó mùa mưa bão đã đến.

Mới đây Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021.

Theo đó nhiều doanh nghiệp thành viên của Vicem đã bị tác động tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay.

Vicem cho biết tiêu thụ sụt giảm đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 toàn Vicem chỉ đạt 3% kế hoạch quý, bằng 2,4% so cùng kỳ, trong đó lợi nhuận công ty mẹ giảm 62% so với cùng kỳ, lợi nhuận các công ty sản xuất xi măng lỗ gần 80 tỷ đồng giảm 391 tỷ đồng so cùng kỳ 2020.

Trên sàn niêm yết các doanh nghiệp xi măng cũng đã đồng loạt công bố BCTC quý 3/2021 với KQKD sụt giảm thậm chí là thua lỗ so với cùng kỳ.

Sau giai đoạn tăng nóng theo sóng đầu tư công, nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ trong quý 3 do sức tiêu thụ giảm mạnh - Ảnh 1.

Đầu tiên phải kể đến khoản lỗ của ông lớn Hà Tiên 1. Do TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 9/7/2021 và đến 19/7/2021 các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đến cuối tháng 9. Quý 3 doanh thu của HT1 giảm mạnh, LNST âm gần 20 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên thua lỗ của Hà Tiên 1 trong vòng 7 năm qua.

Đối với Vicem Bút Sơn (BTS), do các thị trường cốt lõi đều nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là Hà Nội, từ ngày 24/7/2021 đến 21/9/2021 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nên các công trình xây dựng phải ngừng thi công.

Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tại các địa bàn lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh…cũng giảm do khó khăn trong vận chuyển xi măng, ảnh hưởng bởi việc kiểm soát phương tiện vận tải. Kết quả BTS báo lỗ 7,6 tỷ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng vẫn có lãi 25 tỷ đồng tuy nhiên giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau giai đoạn tăng nóng theo sóng đầu tư công, nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ trong quý 3 do sức tiêu thụ giảm mạnh - Ảnh 2.

Tương tự Vicem Hải Vân (HVX) cũng lỗ 1,2 tỷ đồng trong quý 3 khiến 9 tháng lãi chỉ đạt 404 tỷ đồng giảm 90% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đồng thời ảnh hưởng của đại dịch làm cho nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh.

Vicem Thạch cao Xi măng (TXM) báo lỗ sau thuế quý 3 xấp xỉ 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 1 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ gần 3 tỷ đồng.

Cá biệt có trường hợp của Xi măng La Hiên (CLH), doanh nghiệp này duy trì lãi tăng trưởng trong quý 3 và 9 tháng đầu năm nhờ tiết kiệm chi phí. Riêng quý 3 lãi 11 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng LNST đạt 33 tỷ đồng tăng gần 27% so với 9 tháng đầu năm 2020.

Các doanh nghiệp xi măng Hải Phòng, Xi Măng Quán Triều mặc dù không lỗ nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm mạnh.

Triển vọng quý 4 của các doanh nghiệp xi măng còn nhiều khó khăn khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, bên cạnh đó mùa mưa bão đã đến...tiếp tục là trở ngại cho tiêu thụ xi măng trong thời gian tới.

Trần Dũng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên