Sau hơn nửa năm ở nhà 2 con trai, tôi tự nguyện vào viện dưỡng lão: Lợi cả cho mình, cả cho con
Kể từ khi vào viện dưỡng lão, dì Lữ (Trung Quốc) cảm thấy bản thân khoẻ mạnh hơn nhiều. Con cái cũng không còn phải bận tâm lo lắng quá nhiều.
- 16-08-2023Một công việc không đòi hỏi bằng cấp, trả lương lên đến gần 6 triệu đồng/giờ, nhu cầu tăng bất chấp sự có mặt của AI
- 14-08-2023Một tối trải nghiệm tại tổ hợp ăn chơi đang được các tín đồ du lịch đua nhau check-in trên bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam
- 14-08-2023Bất chấp tháng 7 Âm lịch, 4 con giáp này vẫn được hưởng lộc trời ban, tụ tài tụ lộc, làm chơi ăn thật
Bài viết dưới đây là dòng tâm sự của dì Lữ (Bắc Kinh, Trung Quốc) được đăng tải trên nền tảng Toutiao.
Ở tuổi 75, trong khi nhiều người sống cùng con cháu, tôi lại chủ động vào viện dưỡng lão. Nhìn qua nhiều người tưởng tôi bị con cái hắt hủi nên mới phải vào đây. Song thực tế đây lại là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời của tôi.
Các con tranh nhau chăm sóc mẹ
Khi ông xã còn sống, cuộc sống của tôi vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, kể từ khi ông ấy qua đời, không còn người chia sẻ, tôi như thấy mình bị rơi xuống thung lũng sâu, khó có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Thấy mẹ lủi thủi một mình, 2 con trai luôn dẫn vợ và các cháu về chơi vào cuối tuần. Nhiều lần các con ngỏ ý muốn đón mẹ lên thành phố ở cùng. Tuy nhiên, tôi luôn từ chối. Bởi khoảng cách thế hệ khó có thể chung sống hoà hợp trong một gia đình.
Năm 2017, trong lúc đi hái rau ngoài vườn, không may, tôi bị trượt chân ngã. Nhờ sự giúp đỡ của những người hàng xóm, tôi được cấp cứu kịp thời. Để tiện cho việc chăm sóc mẹ, các con thống nhất đưa tôi lên thành phố sống cùng. Cũng không còn lựa chọn nào khác nên tôi buộc lòng phải đồng ý.
May mắn, các con đều biết thương mẹ nên chúng tranh nhau đón tôi về nhà. Vì không muốn mất lòng con cả cũng như con út. Tôi quyết định sẽ dành 6 tháng đầu ở nhà con cả, 6 tháng tiếp theo ở nhà con út.
Sống ở nhà con cả 6 tháng đầu, tôi được đối xử rất tốt, không như những gì bản thân tưởng tượng. Tuy nhiên, chúng quá nghiện công việc. Ở chung nhà nhưng thậm chí đến 2-3 ngày tôi mới gặp mặt con. Bởi các con về nhà khi tôi đã ngủ và lại xách cặp đi làm từ sáng sớm. Hơn nữa, ở chung cư, hàng xóm ít khi trò chuyện. Tôi luôn cảm thấy cô đơn và muốn quay trở về quê.
Sau 6 tháng ở nhà con cả, tôi lại dọn đồ đạc sang nhà con út. Tưởng rằng cuộc sống sẽ khá hơn nhưng mọi thứ vẫn vậy. Không quen đường xá, tôi cũng chẳng biết đi đâu. Các con cũng chỉ rảnh thời gian cuối tuần để đưa mẹ đi chơi. Tuy nhiên, 5 ngày trong tuần, tôi đa phần lủi thủi ở nhà cùng cô bé giúp việc.
Biết mẹ ở nhà buồn, các con thường ngỏ ý đặt tour cho tôi đi du lịch. Tuy nhiên, không có bạn đồng hành, tôi vẫn thường từ chối.
Không muốn dựa dẫm vào con cái
Chưa đầy 6 tháng ở nhà con trai út, sức khoẻ cũng đã bình phục, tôi quyết định trở về quê. Ban đầu, các con không đồng ý bởi về quê sẽ không có ai chăm sóc. Tuy nhiên, cuộc sống quanh quẩn trong 4 bức tường ở thành phố khiến tôi càng trở nên mệt mỏi nên không thể tiếp tục mãi như vậy.
Tôi đã có ý định thuê bảo mẫu để hỗ trợ. Tuy nhiên, mức lương hưu ít ỏi khoảng 3.000 NDT của tôi là không đủ. Vì cũng không muốn trở thành gánh nặng của con cái nên tôi thường nói khó rằng không quen sống chung với người lạ.
Ngày được trở về căn nhà của mình ở quê, tôi như được sống một cuộc đời mới. Không khí trong lành, gặp lại những người hàng xóm sau khi xa cách hơn nửa năm khiến tôi khoẻ ra.
Từ khi trở về quê sống 1 mình, tối nào gia đình tôi cũng gọi video để nói chuyện cùng nhau. Các con không quên khuyên tôi quay trở lại thành phố. Bởi chúng không yên tâm khi tôi ở một mình.
Không chỉ vậy, cuối tuần nào, cả 2 con trai cũng đưa vợ con về chơi với tôi để mẹ bớt buồn. Chúng không quên bày tỏ lòng mong mỏi muốn thuê giúp việc hoặc đón tôi lên thành phố nhằm yên tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn nhất quyết từ chối.
Để các con bớt lo nghĩ, trong suốt thời gian ở nhà, tôi đã chủ động tìm hiểu về viện dưỡng lão trong vùng. Ban đầu, nhìn vào, tôi luôn nghĩ rằng những người sống trong đây đa phần bị con cái hắt hủi. Tuy nhiên, trong lúc hỏi chuyện một số cụ già, tôi khá bất ngờ rằng việc vào viện dưỡng lão là quyết định tự nguyện của họ. Con cái vẫn thường xuyên đến thăm các cụ mỗi tuần chứ không bỏ mặc như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhận thấy mức lương hưu phù hợp với chi phí sống ở viện dưỡng lão, không suy nghĩ nhiều tôi quyết định đặt cọc tiền. Tôi cũng chỉ thông báo với các con về quyết định này trước 1 ngày vào ở.
Khá sửng sốt, các con tôi đều phản ứng mạnh với quyết định này của tôi. Bởi chúng sợ bị mọi người nói rằng 2 con trai không nuôi nổi 1 mẹ. Tuy nhiên, tôi đã giải thích cụ thể rằng đây là lựa chọn của mình nên sẽ không để ảnh hưởng đến các con.
Ngày tôi dọn vào trong viện dưỡng lão không phải cuối tuần nhưng con trai cả vẫn quyết xin nghỉ để đưa mẹ đi.
Là người hoà đồng, tôi nhanh chóng làm quen được mọi người. Cuộc sống trong đây khiến tôi vui hơn vì luôn có người trò chuyện, lại được các y tá chăm sóc tận tình khi ốm đau.
Sáng nào chúng tôi cũng ra sân tập thể dục và sinh hoạt điều độ. Nhiều người nói rằng kể từ vào viện dưỡng lão da dẻ tôi hồng hào hơn. Bản thân tôi cũng thấy khoẻ hơn bởi được giao lưu với những người cùng tuổi. Trong này, tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động. Vào dịp lễ Tết, các nhân viên trong viện dưỡng lão thường tổ chức tiệc để mọi người không cảm thấy tách biệt với cuộc sống ngoài kia.
Không phải vì viện dưỡng lão mà quên mẹ, 2 lần/tháng các con vẫn vào đây thăm tôi. Tối nào các con cũng gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khoẻ và cuộc sống của tôi trong này.
Đã hơn 1 năm sống trong viện dưỡng lão, tôi thấy đây có lẽ là quyết định đúng đắn của mình khi về già. Thay vì sống cùng các con dễ xảy ra xích mích, cuộc sống trong viện dưỡng lão vẫn đủ đầy. Tôi vẫn đón nhận được tình cảm của các con, lại có thêm những người bạn già vơi bớt nỗi buồn.
Phụ nữ số