Sau làn sóng cắt giảm lương và nhân sự vì Covid-19, các ngân hàng lớn trên thế giới có kế hoạch cắt giảm cả văn phòng làm việc
HSBC có kế hoạch cắt giảm 40% không gian làm việc trên toàn cầu trong vài năm tới (ảnh minh họa)
Ba trong số các ngân hàng lớn nhất của Anh mới đây đã công bố kế hoạch giảm bớt các văn phòng làm việc với chi phí đắt đỏ...
Tờ CNN đưa tin, mới đây, HSBC cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 40% không gian làm việc trên toàn cầu trong vài năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm chi phí và chuyển hướng kinh doanh sang châu Á của nhà băng này.
Cùng lúc, ngân hàng lớn thứ hai về tổng tài sản ở Anh - Lloyds Bank cũng đặt mục tiêu giảm diện tích văn phòng khoảng 20% vào năm 2023, trong khi Standard Chartered xác nhận trong hôm 25/2 rằng họ dự kiến giảm quy mô khoảng 1/3 trong vòng 3 đến 4 năm tới.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh hàng triệu nhân viên trên toàn cầu của các ngân hàng này đã được yêu cầu làm việc tại nhà trong gần một năm trở lại đây. Việc chăm sóc con cái và thời gian làm việc dài tại các văn phòng là một thách thức kể từ khi đại dịch bùng phát, tuy nhiên, các ngân hàng đều tin rằng họ đã vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu và không còn coi môi trường làm việc là một trong những mối quan tâm chính.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 của mình, HSBC cho biết: "Chúng tôi biết rằng nhân viên của chúng tôi có thể làm việc hiệu quả ở nhà như ở văn phòng". Ngân hàng sẽ quyết định có giữ lại các văn phòng làm việc hay không khi hết hợp đồng thuê, nhưng việc cắt giảm sẽ không ảnh hưởng đến các chi nhánh hoặc trụ sở chính ở Canary Wharf, London - nơi có nhiều tổ chức tài chính hàng đầu.
"Canary Wharf vẫn sẽ là trụ sở chính của HSBC nhưng bản chất làm việc tại văn phòng sẽ thay đổi", CEO Noel Quinn cho biết trong cuộc phỏng vấn mới đây. Ông hy vọng HSBC sẽ áp dụng một mô hình làm việc kết hợp trong những năm tới.
Standard Chartered, cũng giống như HSBC có trụ sở tại London nhưng tập trung phát triển tại châu Á, đã thông báo vào tháng 11 năm ngoái rằng họ có kế hoạch cung cấp các kế hoạch làm việc linh hoạt cho 90% nhân viên toàn cầu đến năm 2023.
Tuy nhiên một số giám đốc điều hành ngân hàng vẫn đang hoài nghi về những thay đổi do đại dịch sẽ diễn ra trong thời gian tới. Hôm 24/2 vừa qua, Giám đốc điều hành của Goldman Sachs - David Solomon cho biết ông xem làm việc tại nhà chỉ là một biện pháp "tạm thời".
"Tôi nghĩ đối với một doanh nghiệp như chúng tôi, với một nền văn hóa hợp tác, sáng tạo thì điều này không hề lý tưởng và đây không phải là một sự bình thường mới", Solomon nói tại một hội nghị trong ngành. "Đó là một sai lệch mà chúng tôi sẽ khắc phục càng nhanh càng tốt."
Bất kỳ sự chuyển đổi nào sang làm việc từ xa trong dài hạn đều có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế ở các trung tâm đô thị mà vốn từ lâu phải dựa vào những người di chuyển xa đến chỗ làm để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và dịch vụ vận tải.
Trung tâm London và Canary Wharf chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế của London trong năm 2017 và hơn 1/10 sản lượng của Vương quốc Anh nói chung. Các nhà kinh tế ước tính rằng trung tâm London đã mất 1,9 tỷ bảng Anh (2,7 tỷ USD) chi tiêu từ những người di chuyển xa đến chỗ làm vào năm 2020.
Tham khảo: CNN