Sầu riêng "vua" mất vị thế?
Giá sầu riêng Musang King giảm sâu, khiến nhiều nhà vườn đã chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc giống khác
- 16-07-2024Đổi đời nhờ… sầu riêng
- 15-07-2024Sầu riêng Musang King rớt giá thê thảm
- 14-07-2024Một huyện của Đắk Lắk dự kiến thu gần 7.000 tỷ đồng từ sầu riêng
- 14-07-2024Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk lên tiếng về phiên livestream “gây tranh cãi” của Hằng Du mục
Khoảng 1 tuần gần đây, nhiều vựa thu mua sầu riêng thông báo giá thu mua sầu riêng Musang King (được mệnh danh sầu riêng "vua") thấp hơn sầu riêng Monthong (Dona) đã gây sốc cho nhiều nhà vườn.
Giá bán lao dốc
Cụ thể, ngày 16-7, Công ty L.P.H (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) báo giá sầu riêng Dona loại A là 101.000 - 103.000 đồng/kg, loại B khoảng 81.000 - 83.000 đồng/kg trong khi sầu riêng Musang King chỉ 90.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Còn tại kho H.L (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), sầu riêng Musang King được mua với giá 65.000 đồng/kg (loại B) và 85.000 đồng (loại A), thấp hơn sầu riêng Dona đến 15.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người trồng và kinh doanh sầu riêng Musang King xôn xao. Có nhà vườn than thở còn 10 tấn sầu riêng Musang King nhưng chưa bán được.
Nhiều người xôn xao vì không ngờ sầu riêng "vua" nhưng lại rớt giá thê thảm đến vậy. Bởi mới 1-2 năm trước, giá loại sầu riêng này từng được bán tại vườn 200.000 - 300.000 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Chi (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho hay đang trồng thêm 3 ha sầu riêng nhưng chỉ chọn giống Ri 6 và Dona chứ không dám trồng sầu riêng Musang King. Theo anh Chi, trước đây nhiều nhà vườn đua nhau trồng sầu riêng Musang King vì thấy giá bán cao gấp 2 - 3 lần sầu riêng thường. "Thế nhưng, sau 4 - 5 năm, giống này cho thu hoạch với năng suất thấp, chỉ bằng 50% so với giống Dona, quả nhỏ (chỉ 1,5 - 2 kg/quả), giá bán không cao hơn sầu riêng Dona nên một số hộ đã chặt bỏ" - anh Chi chia sẻ.
Một nhà vườn đang trồng 1 ha sầu riêng Musang King và Black Thorn cho hay do đang mùa mưa, cơm sầu riêng Musang King bị nhão và sượng nước nên thương lái không mua, ngay cả khi giá dưới 50.000 đồng/kg. "Chỉ những vườn được kỹ thuật viên quản lý chặt, phủ bạt vào gốc để chặn mưa hoặc đợi trời nắng thì họ mới dám mua. Điều này khiến chi phí trồng sầu riêng Musang King cao hơn Ri 6 và Dona khoảng 50%" - chủ vườn này chia sẻ.
Ông La Trấn Vỉnh, Giám đốc HTX Vĩnh Khang (Tiền Giang), cho biết HTX đang thu mua sầu riêng Musang King tại Tây Nguyên với giá bằng với sầu riêng Dona (khoảng 80.000 đồng/kg). "Giống này phải cắt già thì chín mới ngon. Nếu lỡ cắt dưới 8 tuổi (trong khi sầu riêng Ri 6 hay Dona chỉ cần 7,5 tuổi) thì cơm sẽ bị nhạt. Khi đem về phân loại, hàng tuyển có giá rất cao, trong khi hàng dạt lại rất thấp, chênh lệch rất lớn" - ông Vỉnh nói.
Cũng theo ông Vỉnh, hiện sầu riêng Musang King chủ yếu bán trong nước, phân khúc thị trường hẹp nên khi nhiều vườn cùng lúc thu hoạch sẽ không tiêu thụ hết, buộc phải giảm giá. "Với giống sầu riêng này, nông dân nên hạn chế trồng thêm" - ông Vỉnh khuyến cáo.
Phải nâng chất lượng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Ân, Giám đốc điều hành Công ty An Thịnh Phát Agri - người nổi tiếng trong cộng đồng sản xuất, kinh doanh và phân phối sầu riêng Musang King, xác nhận có tình trạng nông dân chặt bỏ sầu riêng Musang King nhưng ông nói "đó là quyền của họ".
Theo ông Ân, vì nông dân trồng sầu riêng Musang King tự phát, không liên kết đầu ra nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, sầu riêng Musang King thu hoạch tốt nhất từ năm thứ 8 - 9 trở đi trong khi tại Việt Nam cây trồng chủ yếu dưới 6 năm nên chất lượng chưa ổn định, đồng đều, giá bán thấp là điều dễ hiểu. "Sầu riêng Musang King đang về mức giá thực khi nguồn cung nhiều lên, không thể cao mãi như lúc còn khan hiếm. Khi trở thành hàng đại trà, nông dân cần xem xét giá thành sản xuất, giá bán, nếu có hiệu quả tốt mới nên gắn bó. Thực tế tại Malaysia, giá sầu riêng Musang King loại 1 tại vườn vẫn ở mức rất cao, 350.000 đồng/kg" - ông Ân nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay ông đã đến vùng trồng Musang King ở Malaysia và thấy giống sầu riêng này chỉ thu hoạch khi chín rụng. "Khắp vườn của họ được giăng lưới để hứng sầu riêng rụng, sau đó đem tách múi cấp đông. Khi đó, sầu riêng có chất lượng ngon nhất. Thật sự mà nói, chất lượng sầu riêng Musang King trồng tại Việt Nam vẫn chưa bằng của họ nên cần phải cải thiện hơn nữa" - ông Nguyên bày tỏ.
Cũng theo ông Nguyên, Malaysia đã "mở được cửa" cho sầu riêng tươi sang Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có lô hàng nào được xuất khẩu. "Có thể họ cần thời gian nghiên cứu công nghệ để vận chuyển được sầu riêng tươi sang Trung Quốc dài ngày mà vẫn bảo đảm chất lượng. Các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần theo dõi thông tin này để học hỏi và chuẩn bị cho sầu riêng Musang King trồng tại Việt Nam" - ông Nguyên nói.
Được biết, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia mới đạt 420 triệu USD, bằng khoảng 20% của Việt Nam nên không phải là đối thủ đáng ngại. Ngược lại, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế hiện có để tham gia cung cấp sầu riêng Musang King ra thế giới trong lúc nguồn cung tại Malaysia còn hạn chế.
Chưa khuyến cáo trồng
Theo Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ, Việt Nam chủ yếu trồng các giống sầu riêng Dona, Ri 6, Chín Hóa (gần 90%), còn lại là các giống khác. Còn sầu riêng Musang King và Black Thorn, đơn vị này chưa khuyến cáo trồng. Musang King là sầu riêng có nguồn gốc Malaysia được Viện Cây ăn quả miền Nam thu thập từ năm 2001 và ghép trên gốc sầu riêng 3 năm tuổi tại tỉnh Bến Tre. Cây cho quả bói sau khi ghép 30 tháng. Hoa dễ đậu quả nhưng cần thụ phấn bổ sung và khống chế đọt non. Khuyết điểm của giống Musang King là quả bị nứt 2-3 ngày sau khi chín, thường gặp hiện tượng thịt quả không phủ hết hạt.
Người Lao Động