Sẽ kiểm toán một số quỹ tài chính lớn trong năm 2020?
Sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước được xem như một trong những giải pháp để cùng khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Ngày 21/10, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, ý kiến về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Tại đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã lưu ý một số vấn đề cụ thể tại một số lĩnh vực.
Trong đó, về kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến giảm số lượng đầu mối kiểm toán so với năm 2019 (16/25 nội dung, giảm 36% so với năm 2019).
Có ý kiến tại Ủy ban cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần cân nhắc thận trọng việc giảm mạnh đầu mối các đơn vị, nội dung được kiểm toán vì có thể ảnh hưởng đến tính toàn diện, đầy đủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước.
Đáng chú ý, bản ý kiến trên đề nghị cần cân nhắc, bổ sung nhiệm vụ kiểm toán một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách lớn như Quỹ bình ổn giá xăng dầu để khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu vừa qua.
Cụ thể, về quỹ này, tháng 8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018.
Khi đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Lý do, đoàn giám sát nhận định, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.
Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng bình ổn giá trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của họ hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nói rõ “việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng”…
Và Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là một trong 48 quỹ hiện có (gồm 28 quỹ ở trung ương và 20 quỹ ở địa phương), theo con số thống kê từ Bộ Tài chính đưa ra hồi tháng 8 vừa qua.
Bên cạnh lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, dự kiến kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư cũng còn gây băn khoăn.
Có ý kiến đề nghị Kiểm toán Nhà nước rà soát, cân nhắc việc dự kiến kiểm toán dự án thành phần đầu tư xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trong tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vì một số dự án hiện nay chưa triển khai thực hiện. Trong trường hợp dự kiến kiểm toán, cần làm rõ các nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán,… đồng thời rà soát lại danh mục các nội dung đề xuất kiểm toán để bảo đảm tính khả thi của các đề xuất.
BizLive