Sẽ mở rộng đến 8 làn xe cho tuyến cao tốc “già” nhất Việt Nam
Có đoạn được đưa vào sử dụng từ năm 2010.
- 10-12-2024Tiếp 18 doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam, loạt dự án lớn được Thủ tướng "gọi tên"
- 09-12-2024Dự án cao tốc 121km được Thủ tướng đến thăm 3 lần báo tin vui: Hầm xuyên núi được Liên danh Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ 2 tháng
- 18-11-2024Sân bay của Bộ Công an tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam, cách Hồ Gươm 40km tạo nên kỳ tích chưa từng có
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, chiều dài khoảng 91km. Trong đó, đoạn TP HCM - Trung Lương được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước ứng trước, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2010 với chiều dài 40km, quy mô 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 8 làn xe.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP, đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2022 với chiều dài 51km, quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng 6 làn xe.
Do chưa thể cân đối vốn ngân sách đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương đề xuất phương án PPP trên toàn tuyến. Theo đó, đoạn TP HCM - Trung Lương sẽ mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe , Trung Lương - Mỹ Thuận từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, đây là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây đi TP HCM và sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất; chưa kể, khi tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 của TPHCM đang được đầu tư, vì vậy, các đơn vị được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần đánh giá rõ lưu lượng kết nối từ tuyến cao tốc tỏa ra các khu vực, các tỉnh Đông Nam Bộ.
"Cùng với phương án hiện hữu, Bộ GTVT nên bổ sung phương án sử dụng thêm nguồn ngân sách nhà nước để hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến đồng thời với mở rộng tuyến cao tốc", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng kiến nghị Bộ GTVT và các ban quản lý dự án tiếp tục hoàn thiện các đoạn đường gom trên toàn tuyến cao tốc để bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân trong quá trình mở rộng dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường thống nhất mở rộng đoạn TP HCM - Trung Lương 8 làn xe, bao gồm nút giao Chợ Đệm. Tuy nhiên, theo quy hoạch sẽ tăng quy mô lên 10-12 làn xe, do đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất Trung ương cân đối nguồn ngân sách để giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch.
Đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT báo cáo đầy đủ quá trình triển khai dự án mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thời gian qua; xem xét, hướng dẫn các địa phương lựa chọn nhà đầu tư theo quy định mới về đầu tư công từ ngày 1/1/2025; phương án hoàn trả tài sản hình thành từ nguồn vốn đầu tư công để xây dựng tuyến cao tốc…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT khẩn trương đề xuất chủ trương, nhu cầu kinh phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo quy hoạch, giao cho địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý mặt bằng đã giải phóng.
Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương là đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông nối TP HCM với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, dài 41 km. Đây cũng là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam.
Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương có điểm đầu tuyến là nút giao Chợ Đệm thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM và điểm cuối là nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang, kết nối với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Với tuyến đường cao tốc này, thời gian từ TP HCM đi Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước đó.
Tuyến đường cao tốc này được khởi công vào tháng 12/2004.
Hồi tháng 8 năm nay, theo tờ trình Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cục Đường bộ, tổng số tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tăng từ 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km lên thành 43 tuyến.
Tổng chiều dài quy hoạch các tuyến đường bộ cao tốc đến năm 2050 ước đạt khoảng 9.234km, tăng thêm khoảng 220 km so với quy hoạch trước đó. Trong đó, các tuyến được đầu tư trước năm 2030 dự kiến đạt khoảng 6.754 km, tăng thêm khoảng 633 km; còn các tuyến đầu tư sau năm 2030 ước tính khoảng 2.480 km.
Nhịp sống thị trường