Sẽ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép
Ngân hàng Nhà nước trả lời kiến nghị của cử tri về nâng mức bảo hiểm tiền gửi...
- 19-01-2018Bảo hiểm tiền gửi còn hơn 38 nghìn tỷ tiền nhàn rỗi tạm thời
- 22-11-2017Nhà băng nào đang chi bảo hiểm tiền gửi nhiều nhất?
- 20-11-2017Ngân hàng phá sản, chi bảo hiểm tiền gửi vượt mức tuỳ vào độ tác động
Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trình Thủ tướng điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước trả lời kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực phụ trách.
Tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, cử tri các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Long, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn về quy định "số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng.
Cử tri cho rằng mức chi trả tối đa nói trên là còn thấp đối với những khoản tiền gửi có giá trị lên đến vài tỷ đồng, đề nghị xem xét nâng mức tiền bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp thực tế.
Trả lời kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ mức 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng được xem xét trên cơ sở: năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền), nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).
Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giải thích.
Cơ quan trả lời cử tri khẳng định, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế.
Về kiến nghị nâng nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên 75 triệu đồng, văn bản trả lời nêu rõ, để làm được điều đó thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống tổ chức tín dụng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép", cơ quan trả lời kiến nghị "hứa" với cử tri.
Cơ quan nhận kiến nghị của cử tri cũng nói thêm rằng, ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, khi phá sản người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 điều 101 Luật phá sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, nhà nước là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.
Vneconomy