MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Seal iPhone 13 bán tràn lan tại Việt Nam với giá 20.000 đồng, người dùng lo sập bẫy "gian thương"

01-10-2021 - 14:34 PM | Thị trường

Apple đã sử dụng loại seal giấy cho iPhone mới để bảo vệ môi trường. Loại seal này nhanh chóng xuất hiện ở thị trường Việt Nam với mức giá từ 20.000 đồng.

iPhone 13 là mẫu iPhone đầu tiên được Apple dùng loại seal giấy ở phần hộp máy thay vì dạng nilon như các phiên bản trước đó. Khoảng 1 tuần sau khi iPhone 13 ra mắt, seal giả của máy đã được chào bán trên trang thương mại điện tử AliExpress với giá 30 USD cho 100 bộ seal. Đồng nghĩa, mỗi bộ seal chỉ có giá 0.3 USD, tương đương khoảng 7.000 đồng.

Hiện tại, seal giả của iPhone 13 đã xuất hiện và được bán tràn lan tại Việt Nam. Một người dùng ở Hà Nội cho biết đã mua được seal giả của iPhone 13 với giá 20.000 đồng/seal. Tuy nhiên, điều kiện là phải mua kèm 100 seal.

Seal iPhone 13 bán tràn lan tại Việt Nam với giá 20.000 đồng, người dùng lo sập bẫy gian thương - Ảnh 1.
Seal iPhone 13 bán tràn lan tại Việt Nam với giá 20.000 đồng, người dùng lo sập bẫy gian thương - Ảnh 2.
Seal iPhone 13 bán tràn lan tại Việt Nam với giá 20.000 đồng, người dùng lo sập bẫy gian thương - Ảnh 3.

Seal iPhone 13 được bán tràn lan.

Theo ông Nguyễn Đạt, trưởng phòng kỹ thuật hệ thống CellphoneS, hiện tượng seal iPhone giả bán tràn lan ngoài thị trường không có gì bất ngờ và đã diễn ra từ lâu với các loại seal nilon cũ. Loại seal này bày bán rất nhiều ở các chợ dân sinh với giá bán rẻ từ 1.000 - 2.000 đồng/chiếc.

Nếu nhìn qua thì rất giống loại túi nilon hoặc bao bì thường gặp nên người tiêu dùng không thể biết được đây là cách mà các thương lái sử dụng để phù phép các sản phẩm cũ, đã khui hộp thành hình thức nguyên seal như mới.

“Năm nay Apple ra mắt loại seal giấy có in chữ và màu sắc riêng nên người dùng có sự chú ý cao hơn. Theo dân trong nghề lâu năm thì có thể dùng, cảm nhận bên ngoài khi nhìn (màu seal, độ hoàn thiện... ) hoặc sờ (độ mịn của seal) để phân biệt seal giả hay thật với độ chính xác 90%. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trường hợp máy được dán lại seal rất khéo léo, rất khó nhận ra”, ông Đạt nói.

Theo chia sẻ từ các hệ thống bán lẻ, để tránh “tiền mất tật mang”, khi mua một chiếc iPhone được quảng cáo là "mới nguyên seal", người dùng nên bóc seal trực tiếp tại chỗ trước sự quan sát của nhân viên cửa hàng (thay vì mang về nhà rồi mới bóc seal).

Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra một số chi tiết như ngoại hình, tình trạng kích hoạt, thời gian bảo hành, số lần sạc để đảm bảo mình nhận được máy đúng theo yêu cầu. Trong trường hợp người dùng mua máy qua mạng, việc quay video quá trình mở hộp là hết sức cần thiết.

Và cuối cùng, người dùng nên tìm mua máy tại các hệ thống uy tin, tránh xa các lời rao bán máy nguyên seal mới giá rẻ bất thường hoặc các cửa tiệm nhỏ không đảm bảo chất lượng.

Như Thủy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên