MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Bita's: Còn quá nhiều rào cản đối với doanh nhân khởi nghiệp

10-10-2016 - 10:12 AM | Doanh nghiệp

Nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10, BiZLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita’s - đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Quản trị và khởi nghiệp về câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam.

LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng tôi đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân, các chuyên gia để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt.

Ông nghĩ gì về phong trào “Quốc gia khởi nghiệp” mà Chính phủ phát động?

Vài năm trở lại đây, việc thúc đẩy chương trình khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu sôi nổi. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tính đến thời điểm 2015 mới có khoảng trên dưới 500.000 doanh nghiệp nhưng thực sự cũng chỉ hơn 375.000 doanh nghiệp là có hoạt động. Như thế là quá ít và không xứng tầm với dân số một quốc gia sắp sửa là 100 triệu dân.

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ đã có những động thái thể hiện ủng hộ lớp doanh nhân mới khởi nghiệp mạnh mẽ bằng việc đầu năm 2016 đã có cuộc gặp gỡ và đối thoại với doanh nhân tại TP.HCM, đưa chủ đề doanh nghiệp vào các phiên thảo luận của Chính phủ; cho phép các doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng đi công cán, xúc tiến thương mại nhiều nhất…; quan tâm, theo dõi, động viên các doanh nghiệp nhỏ, xem xét đánh giá hạn chế giảm quy mô các doanh nghiệp sở hữu nhà nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề ra chỉ tiêu từ nay đến năm 2020, thành phố phải có thêm 500.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tất cả những việc làm này của Chính phủ mới có tác động nhất định đến tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, để có kết quả tốt cho việc khởi nghiệp, còn đòi hỏi phải làm nhiều việc và cần phối hợp đồng bộ hơn nữa của hơn 20 bộ ngành của Chính phủ, của cấp lãnh đạo tỉnh, thành, quận huyện…

Theo ông, nước nào có mô hình quốc gia khởi nghiệp thành công?

Theo tôi, nên nghiên cứu Mỹ và Israel. Để khởi nghiệp được thành công và trở thành một động lực thật sự cho toàn bộ các doanh nghiệp thì việc tổ chức, xây dựng quy trình, đánh giá các bước cần và đủ để thực hiện là quan trọng.

Nếu như ở Mỹ những năm đầu 1975 - 1985 trọng tâm sáng tạo không chỉ của nước Mỹ mà là của cả thế giới là Silicon Valley, nơi đã đột phá các sáng tạo trong công nghệ điện tử và sau này là thông tin, nơi thu hút hơn 2 triệu việc làm với số lao động của hơn 30 quốc gia. Làn sóng học sinh, sinh viên hướng tới học hành và đến làm việc tại Silicon Valley lên đến cao trào, họ mơ trở thành Bill Gates!

Năm 2008, khi có dịp sang làm việc tại Israel về một dự án xử lý nước thải cho khu công nghiệp Bita’s, tôi đã rất ngạc nhiên là với một đất nước diện tích chỉ có hơn 22.000 km2 và dân số chỉ khoảng 7,6 triệu người nhưng họ đã có chương trình khởi nghiệp quốc gia từ những năm cuối 1980, đến đầu 1990 thì phát triển mạnh mẽ.

Ở mọi góc phố, con đường đều thấy bàn thảo, tổ chức vườn ươm để cho mọi người dân tham gia vào hoạt động khởi nghiệp. Khi làm việc với ủy ban quản lý nguồn nước Thủ đô Tel - Aviv, họ thông tin là nếu không có những sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp của cả một đất nước nhỏ bé, không có lợi thế địa lý, luôn bị bao vây của nhiều kẻ thù thì chỉ nói tới nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cũng sẽ không bao giờ có đủ chu cấp cho dân chúng.

Như vậy động lực của Israel là tinh thần quốc gia cần tồn tại; một ý chí vượt thách thức và rộng đường du nhập các sức mạnh khoa học kỹ thuật bên ngoài vào rồi nghiên cứu, điều chỉnh, trở thành “đặc trưng” có một không hai của Israel… Nhờ hai điều kiện sau đây mà họ thành công:

1. Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến cao độ và duy trì liên tục bằng nhiều biện pháp cho thấy sức mạnh tiềm ẩn ở quốc gia này là vì sự trường tồn, họ chấp nhận thách thức, họ xây dựng con người và đội ngũ mang tên Israel, động viên kêu gọi nhiều nguồn lực từ những người Israel lưu lạc khắp thế giới. Họ tạo ra nhiều cơ chế thích hợp và người đứng đầu quốc gia là thủ lĩnh của toàn bộ chương trình khởi nghiệp quốc gia.

2. Tính chủ động của các doanh nghiệp là mấu chốt cho thành công khởi nghiệp. Họ ít trông chờ vào chính phủ, họ có đường lối, kế hoạch lập nghiệp, họ tính toán các bước đi cho sự nghiệp của mình thật là chi li hay đúng hơn là họ không phải chỉ xem xét con số hàng triệu mà cả từng xu…

Những công nghệ y học, sinh học ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, vũ trụ của Israel đang đứng hàng đầu trên thế giới, nên có thể thấy rõ là không phải cứ quốc gia có tài nguyên hùng mạnh thì khởi nghiệp thành công mà kể cả các quốc gia có những khắc nghiệt về địa hình, tài nguyên, con người cũng có thể khởi nghiệp thành công.

Theo ông, Việt Nam phải vượt qua rào cản nào để tạo động lực thực sự cho người khởi nghiệp?

Việt Nam đang tổ chức chiến dịch phát động khởi nghiệp trong giới trẻ… đang có những dấu hiệu tích cực của cả nước khi mà hiện nay địa phương nào cũng sôi nổi bàn về khởi nghiệp, vậy khởi nghiệp tại Việt Nam có giống như các quốc gia khác không? Đâu là thành công và thất bại “khởi nghiệp” của các doanh nghiệp Việt Nam?

Dù rằng bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi tinh thần này được đưa vào chính sách điều hành của Chính phủ, sự quán triệt của khởi nghiệp đã đến được hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của khởi nghiệp tại Việt Nam còn non kém; còn hình thức, hoạt động mang tính hô hào theo phong trào là chính.

Con số đăng ký thành lập mới theo Tổng cục Thống kê năm 2015 là hơn 93.000 doanh nghiệp thì con số tạm dừng hoạt động cũng hơn 70.000 doanh nghiệp, điều này cho thấy “khởi nghiệp chết yểu” vẫn còn nhiều, đa phần các doanh nghiệp mới không thể tự khơi tinh thần kiên trì, chịu đựng canh tranh và cũng không giải được bài toán lập nghiệp với mức độ thành công bao nhiêu? Thất bại bao nhiêu?

Con người, nguồn lực, thị trường, thị phần và có một yếu tố vô cùng quan trọng đó là: bản lĩnh lập nghiệp, khả năng chống chọi, vượt khó khăn… Tôi có nhớ tỷ phú Lý Gia Thành của Hồng Kông khi bắt đầu sự nghiệp làm hoa nhựa ông đã tuyên bố: Nếu thất bại thì phải đi đến cùng của thất bại để rút ra bài học tại sao thất bại và chắc có lẽ sự chịu đựng của ông đã giúp ông từ thất bại đi đến thành công sau đó.

Khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu bền vững, ít thành công còn có nhiều nguyên nhân khác nữa là từ thủ tục hành chính “hành xác”, “bóp chết” ngay các doanh nghiệp khi bắt đầu; nói theo giới trẻ làm xong thủ tục thì già mất! Nhiều nơi cán bộ Nhà nước vẫn còn gây khó khăn, hoạnh họe doanh nhân.

Hiện có rất nhiều thanh niên đi sang Singapore, Thái Lan lập doanh nghiệp với chi phí thấp, thủ tục nhanh, hoạt động không bị cấm vì thủ tục giấy phép không cấm… và nhìn chung cho rằng doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp thành công thì vẫn còn nhiều áp lực khác như: hệ thống thuế, phí quá cao. Và còn một điều doanh nhân lo sợ là chính sách thay đổi đột ngột các luật thay đổi không hướng tới lợi nhiều cho doanh nghiệp được quan tâm, yên ổn hoạt động.

Do đó, Chính phủ và người đứng đầu là Thủ tướng phải luôn luôn cầm cân nẩy mực để cho các doanh nghiệp có được bầu không khí dễ thở khi khởi nghiệp… tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn, giúp họ khởi nghiệp an toàn, làm động lực tăng trưởng chung cho nền kinh tế quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trường Kỳ

BizLIVE

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên