Sếp công ty công nghệ bật mí về hệ thống chấm "điểm cầu tiến" đổi ra ngày phép, phần thưởng... cho nhân viên
Trước bài toán quản trị nhân sự, Rikkeisoft xác định giá trị lớn nhất có thể trao cho nhân viên là cơ hội, nên đã xây dựng hệ thống chấm điểm phát triển cá nhân, đồng thời đặt mục tiêu 10.000 nhân sự vào năm 2025 dù con số hiện nay mới đạt 1.600.
- 08-11-2022Lộ diện những ''cận thần'' của Elon Musk ở Twitter
- 06-11-2022Người Việt chuộng thanh toán điện tử
Tại sự kiện HR Tech Conference 2022 do TopCV tổ chức đầu tháng 11, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn lực và văn hóa của Rikkeisoft Nguyễn Viết Lâm nhắc tới khái niệm EVP (Employee Value Proposition), hiểu đơn giản là những điểm đặc trưng giúp một doanh nghiệp thu hút được người lao động.
Ông Lâm cho biết Rikkeisoft xuất phát điểm “coi như bằng không”, chỉ có 6 người trẻ ra khởi nghiệp. Do cần tập trung vào đầu tư để tăng trưởng liên tục, nguồn lực tài chính để làm EVP của Rikkeisoft không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, công ty công nghệ 10 năm tuổi này quyết định tìm lối đi riêng. Họ xác định giá trị lớn nhất có thể đem lại cho nhân viên là tinh thần học tập và cơ hội.
“ Rikkeisoft có hai thứ chắc chắn đủ cạnh tranh. Một là cơ hội, bởi Rikkeisoft phát triển rất nhanh. Nhiều bạn chỉ cần vào hơn 6 tháng đã lên làm quản lý. Rất ít doanh nghiệp lớn có thể làm được như vậy. Keyword (từ khóa) đầu tiên của chúng tôi là 'tạo cơ hội'. Keyword thứ hai là 'tinh thần học tập và cầu tiến'. Đây là hai giá trị cốt lõi trong EVP của Rikkeisoft ”, ông Lâm giải thích.
Hệ thống chấm điểm phát triển cá nhân, có thể đổi ra ngày phép
Dựa vào hai keyword trên và lợi thế sẵn có về công nghệ, Rikkeisoft đã xây dựng một hệ thống đo lường được mức độ cầu tiến có tên GPS (Grow People System). Đại diện cho hệ thống GPS là chỉ số G Point (điểm phát triển cá nhân). Tất cả nhân viên Rikkeisoft đều có điểm G Point này.
“ Để chứng minh được sự cầu tiến và tiến bộ về tư duy, tất cả những hoạt động hàng ngày liên quan đến học tập, đào tạo, làm nhiệm vụ mới của mọi người đều được tính vào điểm đ ó”.
“ Số điểm sẽ được ban lãnh đạo quy chiếu khi thực hiện công tác sắp xếp nhân sự thăng tiến, nâng bậc level, đồng thời trở thành đơn vị đo lường để tạo ra tính thanh khoản, tạo ra giao dịch và tương tác. Các bạn được lấy điểm đổi ra những khóa học, các phần quà, thậm chí ngày phép ”, ông Lâm cho biết.
Phó Tổng giám đốc Rikkeisoft Nguyễn Viết Lâm (thứ hai từ trái) phát biểu tại sự kiện HR Tech Conference 2022.
Những chia sẻ của Phó Tổng giám đốc Rikkeisoft được đưa ra trong bối cảnh ngành nhân sự đang đối mặt nhiều biến động lớn. Covid-19 dường như khiến người lao động suy nghĩ nhiều hơn về việc dành thêm thời gian cho những thứ khác ngoài công việc. Nhiều niềm tin, giá trị không còn như trước, lương thưởng không còn đủ sức níu chân nhân tài. Bên cạnh đó là khoảng cách thế hệ quá lớn trong đội ngũ nhân viên, đặc biệt tại các công ty quy mô lớn.
“ Tôi tin rằng tất cả những người làm nhân sự luôn trăn trở: Làm thế nào để tuyển được người về cho công ty? Làm thế nào để xây dựng những chính sách giúp nhân sự cảm thấy hạnh phúc, gắn bó một cách tốt nhất trong khoảng thời gian tối ưu nhất, kể cả rời đi vẫn có tình cảm với doanh nghiệp? ”, ông Lâm phát biểu.
Lãnh đạo Rikkeisoft chỉ ra rằng công nghệ sẽ lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Hệ thống GPS là một ví dụ về ứng dụng công nghệ số trong quản trị nhân sự, mở ra một phương hướng cho bài toán nhân sự nan giải hiện nay.
“ Khi chúng ta đưa được hệ thống công nghệ vào, có số để nhìn, thì sẽ truyền được cho anh em niềm tin rằng nếu tất cả cùng cộng hưởng sẽ tạo ra phong trào. Không có công nghệ, chúng ta chỉ nhìn rời rạc góc này góc kia, không thấy được bức tranh, không tạo ra được sự thi đua và cộng hưởng ”, ông Lâm nói.
Từ 1.600 nhân viên hiện tại lên 10.000 nhân viên vào năm 2025
Rikkeisoft là công ty công nghệ trẻ được thành lập hồi năm 2012, quy mô hiện ở mức 1.600 nhân sự, hoạt động chính tại Nhật Bản và trụ sở chính ở Việt Nam. Trên các trang tuyển dụng, Rikkeisoft đề ra mục tiêu cán mốc 10.000 nhân sự vào năm 2025.
Theo ông Lâm, có hai yếu tố để Rikkeisoft hình thành con số này. Đầu tiên là nhìn vào cơ hội từ thị trường, bởi công ty hoạt động tại các thị trường nước ngoài đang tiếp tục tăng trưởng. Thứ hai chính là niềm tin.
“ Rikkeisoft từ 6 người lên 100 người mất 3 năm, từ 100 lên 1.000 mất 4 năm. Vì vậy, chúng tôi đặt một cơ sở niềm tin là từ 1.000 lên 10.000 mất 5 năm. Đơn giản thế thôi, nhưng đằng sau đó đương nhiên là có phân tích ”, ông Lâm trả lời chúng tôi.
Để lên được con số 10.000 nhân sự, Rikkeisoft dự định sẽ “đi bằng nhiều chân”, đầu tiên vẫn là tuyển dụng. Thứ hai là tự đào tạo. Trên cương vị CEO của Học viện Đào tạo Công nghệ Rikkei Academy, ông Lâm đặt mục tiêu tuyển dụng số lượng lớn học viên từ hệ giáo dục của công ty, đồng thời hướng đến nỗ lực thành lập trường đại học. Cuối cùng, ông cho biết khi công ty tăng trưởng đến mức đủ tiềm lực, cơ hội thị trường đến thì có thể tiến hành M&A (mua bán & sáp nhập).
“ Khi có nguồn lực, mình sẽ không suy nghĩ tuyến tính theo kiểu đi tuyển để lên được 10.000 người, mà là đón bắt các cơ hội kinh doanh để tăng trưởng. Đội ngũ ở Rikkeisoft thực ra còn rất trẻ. Có những bộ phận build-up trong vòng một năm lên khoảng 200 người là bình thường ”, ông Lâm nói thêm.
Cũng trong sự kiện HR Tech Conference 2022, ông Lâm chia sẻ rằng không còn nghĩ quá nhiều đến chuyện “giữ chân” nhân viên. Thay vào đó, người làm nhân sự cần tư duy về cách thu hút nhân lực phù hợp và làm thế nào để tạo ra “đòn bẩy”, giúp nhân sự được trưởng thành, thành công và có thành tựu.
“ Đó là vấn đề trăn trở nhất, chi phối tất cả những hoạt động, chính sách khác ”, ông cho biết.
Nhịp sống thị trường