MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Hoàng Nam Tiến: "Đừng nói một ngày làm bao nhiêu tiếng, nếu bạn làm startup hoặc trót làm lãnh đạo"

05-04-2024 - 19:01 PM | Sống

Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT gợi ý hãy chăm chỉ một cách thông minh và thông minh một cách chăm chỉ.

Làm việc bao nhiêu là đủ?

Sếp Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT là một nhân vật có nhiều sức ảnh hưởng đến người trẻ. Bằng những trải nghiệm phong phú trên hành trình đã qua, ông thường chia sẻ nhiều lời khuyên chân thành với cách truyền tải gần gũi, dễ hiểu đến với mọi người.

Trong một video được đăng tải trên kênh Tiktok ngày 21/3, ông Hoàng Nam Tiến đã bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ. Chủ đề này nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. 

Sếp Tiến cho biết, ông đã gặp rất nhiều người nói rằng 'em sẽ cố gắng làm việc thông minh hơn chứ không phải làm việc vất vả hơn'. "Các bạn nói rất đúng", ông bày tỏ. Theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, chúng ta phải chăm chỉ hơn người khác nhưng phải là "chăm chỉ một cách thông minh và thông minh một cách chăm chỉ".

Sếp Hoàng Nam Tiến:

Ảnh cắt từ clip

Ông cho rằng không có tiêu chuẩn nào nói rằng một ngày phải làm việc bao nhiêu tiếng. Trong công việc, sẽ có những lúc chúng ta không có một ngày nghỉ nào, cũng không có giới hạn thời gian mà chỉ có mục tiêu duy nhất là "deadline (hạn chót cần hoàn thành của một công việc) phải thực hiện".

Do đó, ông cho rằng "đừng nói với tôi một ngày các bạn làm việc bao nhiêu tiếng, nếu các bạn đã làm startup hoặc trót làm lãnh đạo của một nhóm/đơn vị/tổ chức/doanh nghiệp. Tôi nói thật, không có cách nào cân bằng được công việc và cuộc sống. Đã làm lãnh đạo thì phải chấp nhận sự cô đơn, mệt mỏi, sức ép. Và các bạn hãy thật vui mừng khi chúng ta có một hậu phương vững chắc. Hậu phương đó có thể là người vợ, người chồng, người bạn, người yêu và đặc biệt là gia đình - những người luôn bao dung, yêu thương các bạn vô điều kiện".

Mỗi người đều có quyền lựa chọn của riêng mình

Câu hỏi "Chúng ta nên làm việc bao nhiêu tiếng/ngày để đạt được thành quả cao trong công việc?" luôn được đặt ra. Năm 2022, xuất hiện trong 1 talkshow TED FPT University HCMC 2022 với chủ đề ''Chim Lạc'' để chia sẻ, truyền cảm hứng tới các bạn sinh viên về thành công, giá trị của hạnh phúc và đồng tiền, sếp Hoàng Nam Tiến, đã có đưa ra nhiều lời khuyên. Trong buổi diễn thuyết, sếp Hoàng Nam Tiến chia sẻ rằng, muốn thực hiện đam mê, đạt được thành công trong công việc, trước tiên phải hành động, cụ thể là chăm chỉ làm việc. Ông từng làm việc 16 giờ/ngày xuyên suốt nhiều năm nhưng ông vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp nhiều bạn trẻ làm việc đến 20 giờ/ngày.

Sếp Hoàng Nam Tiến cũng từng tiết lộ, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc sau 15 tháng vào làm việc tại tập đoàn FPT. Và một trong những điều khiến ông tự hào nhất trên hành trình sự nghiệp của mình, đó chính là sự chăm chỉ. Thời điểm ban đầu, sếp Tiến làm việc từ 14-18 tiếng/ngày và gần như không nghỉ thứ 7, chủ nhật.

Sếp Hoàng Nam Tiến:

Ảnh: Trang tin nội bộ tập đoàn FPT

Câu chuyện "làm việc từ 12 - 16 giờ/ngày" của ông Hoàng Nam Tiến từng gây ra nhiều tranh cãi. Trả lời trên VTC, ông Tiến nêu quan điểm: "Chúng ta cần cân bằng cuộc sống gia đình, cá nhân và cả xã hội. Ai cũng biết sức khỏe là rất quý. Chúng ta làm việc quần quật như vậy có thể đạt được một số thành công, nhưng sức khỏe rồi hạnh phúc gia đình có thể không được đảm bảo. Thế nhưng chúng ta cũng đều biết rằng cuộc sống không dễ dàng".

"Nếu chúng ta quyết định sẽ làm việc một cách bình thường, đúng trách nhiệm, 8 tiếng, thậm chí có rất nhiều bạn tự tin rằng mình thông minh, có thể chỉ làm 4 tiếng vẫn đạt được hiệu quả. Nhưng trên bình diện lớn, thực sự tôi suy nghĩ: Đất nước ta còn nghèo, có rất ít nguồn lực để so sánh với các nước khác về tài nguyên, tiền bạc, nền tảng công nghiệp, các nguồn lực về khoa học công nghệ..."

"Một trong những lựa chọn ấy là phải làm việc chăm chỉ hơn. Còn tất nhiên, mỗi người ở vị trí của mình sẽ có những lựa chọn rất khác nhau", Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT nói.

Tổng hợp

Theo Thùy Anh

Đời sống & pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên