SHB đã thoái xong 50% vốn tại SHBFinance, thu về khoản lãi lớn
Báo cáo tài chính quý 2 của SHB cũng không còn ghi nhận SHBFinance là công ty con và đã thực hiện các bút toán điều chỉnh giảm tài sản và nguồn vốn liên quan đến việc thoái vốn tại công ty tài chính này.
- 23-07-2023Vietcombank và SHB sẽ chốt quyền nhận cổ tức vào đầu tuần tới
- 19-07-2023KBSV: Thương vụ bán vốn tại SHB, Thaco, VRE kỳ vọng mang về lượng lớn ngoại tệ, giúp ổn định tỷ giá
- 18-07-2023Cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường: SHB lên mức cao nhất hơn 1 năm, TPB ghi nhận thanh khoản cao kỷ lục
Báo cáo tài chính quý 2 chưa kiểm toán của SHB cho thấy ngân hàng này ghi nhận khoản thu đột biến hơn 675 tỷ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện SHB đã thực nhận hơn 675 tỷ đồng tiền thu cổ tức và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn.
SHB không thuyết minh chi tiết về khoản thu nhập đột biến từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần song trong tháng 5 vừa qua, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri. Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.
Thực tế, trên báo cáo tài chính của SHB cũng không còn ghi nhận SHBFinance là công ty con và đã thực hiện các bút toán điều chỉnh giảm tài sản và nguồn vốn liên quan đến việc thoái vốn tại công ty tài chính này. Theo đó, SHBFinance được SHB đề cập đến với vai trò là công ty liên kết do ngân hàng sở hữu 50% vốn, thay vì mức 100% vốn hồi cuối quý I.
Theo ông Đỗ Quang Vinh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB, giao dịch bán vốn tại SHBFinance sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để Ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm. Đặc biệt, SHB sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho SHB tại khu vực.
Thực tế, nguồn thu đột biến từ thoái vốn SHBFinance là một trong những động lực quan trọng giúp SHB duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của SHB tăng 21% so với cùng kỳ lên mức 11.311 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và khoản thu đột biến từ việc thoái vốn SHBFinance.
Sau khi trừ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của SHB đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, SHB đã vươn lên vị trí thứ 7 về lợi nhuận trong số các ngân hàng trên sàn chứng khoán trong bối cảnh nhiều “ông lớn” trong ngành sụt giảm mạnh.
Tính đến hết quý II/2023, tổng tài sản SHB đạt 585 nghìn tỷ đồng, tăng 6,21% so với đầu năm, vốn tự có đạt 66 nghìn tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng của SHB đạt tăng trưởng 13,3% so với đầu năm, đạt hơn 409,6 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,7% lên 407,6 nghìn tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, nợ xấu nội bảng của SHB giảm so với hồi đầu năm, xuống còn 10.481 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 2,81% xuống còn 2,57%. Với kết quả này, SHB là một trong những ngân hàng hiếm hoi giảm được quy mô nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu trong nửa đầu năm, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng từ mức 65% lên 69%.
Nhịp sống Thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Các ngân hàng có hơn 91 nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
- Những ngân hàng nào có tiền gửi ngoại tệ nhiều nhất?
- Vì sao lãi suất giảm nhưng tiền vẫn ồ ạt đổ vào hệ thống ngân hàng?
- Ngân hàng nào dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên vốn chủ?
- Toàn cảnh ngành ngân hàng quý II: NIM mỏng hơn, nợ xấu tăng mạnh tại nhóm tư nhân