Siết chặt quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa để chặn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Trên địa bàn Thành phố vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
- 16-08-2019Triệu hồi gần 900 xe BMW Series 3 E90/E93 do lỗi quạt gió máy lạnh
- 16-08-2019Sạc qua đêm làm điện thoại nguy hiểm cháy nổ? Có đúng, có sai tuỳ vào 2 trường hợp này
- 15-08-2019Thu giữ hơn 6.000 bánh, kẹo các loại không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu nhập lậu từ Trung Quốc
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, hỗ trợ chế biến thực phẩm... không rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại.
Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề sản xuất các mặt hàng rượu, sản phẩm chế biến bột và tinh bột; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng, không tem, nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, kinh doanh trái phép các hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi; tiêm thuốc kích thích, chất cấm để tăng trọng lượng sản phẩm nhằm mục đích kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hàng kém chất lượng, vi phạm về ATTP thường là các mặt hàng: xăng dầu, mũ bảo hiểm, thực phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389/TP đã đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Ngành nông nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thủ đô, cụ thể: sử dụng hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, hành vi sửa thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc đối với các loại thực phẩm động vật, sản phẩm động vật, thủy hải sản, hành vi vi phạm về sản xuất kinh, doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…
Sở Y tế tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở sản xuất kinh doanh nước đóng chai, ăn uống và bể bơi… Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, phẩm màu, hóa chất bảo quản, chế biến thực phẩm; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng khác trong việc xác minh, điều tra làm rõ nguồn gốc các chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm.
Tuyên truyền về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành y tế đã thanh tra, kiểm tra 710 lượt cơ sở; xử lý 519 cơ sở với số tiền phạt: 8 tỷ 898 triệu đồng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát của BCĐ 389/TP trong năm 2018 có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn như mặt hàng thuốc lá, xì gà nhập lậu, vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm trong kinh doanh thuốc, rượu, mỹ phẩm, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật...; không để xảy ra các vấn đề nhạy cảm, điểm nóng gây bức xúc dư luận, đặc biệt là các dịp lễ Tết, mùa Lễ hội,... tạo sự ổn định và phát triển của thị trường, bình ổn giá cả, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Thời gian tới, BCĐ 389 Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: một mặt biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; mặt khác thông qua các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
BCĐ 389 TP. Hà Nội cũng kiến nghị BCĐ 389 quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện tốt chủ trương của Bộ chính trị "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để nâng cao vị trí hàng Việt Nam cũng như vai trò Doanh nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế. Các cấp, các ngành hỗ trợ các Doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Nhịp sống kinh tế