Siêu cẩu hiện diện, 1.500 tỷ đồng và lối thoát cho “thảm hoạ kinh tế" ở Baltimore
Chiếc cần cẩu nổi được mô tả là lớn nhất khu vực bờ đông nước Mỹ đã xuất hiện gần hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key không lâu sau khi 60 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) được duyệt chi để giải toả lối vào cảng Baltimore - một trong những cảng huyết mạch của Mỹ.
- 29-03-2024Mỹ chi 60 triệu USD để xây lại cầu ở Baltimore
- 29-03-2024Tràn ngập tin đồn thổi về vụ sập cầu Baltimore
- 29-03-2024Thảm hoạ Baltimore có thể trở thành vụ đền bù bảo hiểm lớn nhất lịch sử hàng hải
- 28-03-2024Từ vụ sập cầu ở Baltimore: Điểm lại các vụ sập cầu thảm khốc nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua, vụ gần nhất khiến gần 140 người thiệt mạng
Hoạt động dọn dẹp hiện trường vụ tầu container đâm sập cầu Francis Scott Key đang dần được triển khai, mở ra hy vọng giải quyết sự cố mà Thống đốc bang Maryland Wes Moore mô tả là “thảm hoạ kinh tế”. Cây cầu Francis Scott Key đổ sập, chặn lối vào cảng Baltimore, cảng quan trọng nhất trong vận chuyển ô tô ở Mỹ.
“Những gì chúng ta đang nói hôm nay không chỉ là vấn đề kinh tế của bang Maryland mà là cả nước Mỹ. Cảng Baltimore là nơi xuất nhập nhiều ô tô và thiết bị nông nghiệp nhất nước Mỹ”, thống đốc Mooore cho biết.
Lãnh đạo bang Maryland đã thị sát hiện trường hôm 29/3 và chứng kiến hiện trường thảm khốc. Những mảnh cầu gẫy nặng tới 4.000 tấn sẽ buộc các đội cứu hộ phải cắt nhỏ trước khi siêu cẩu có khả năng nâng 1.000 tấn và các thiết bị nâng khác di chuyển chúng khỏi tuyết hàng hải huyết mạch. Một chiếc cần cẩu khổng lồ khác với khả năng nâng 400 tấn cũng đã tới hiện trường.
Hiện tại, có 7 cần cẩu nổi, 10 tàu kéo, 9 sà lan, 8 tàu cứu hộ và 5 tàu cảnh sát biển đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Phần lớn các thiết bị ở đây được Hải quân Mỹ đưa tới.
“Có mặt ở đó và nhìn cận cảnh, các bạn sẽ thấy đây là nhiệm vụ khó khăn tới mức độ nào. Các bạn sẽ hình dung ra nhiệm vụ mà chúng tôi cần thực hiện phức tạp ra sao. Chính bởi sự khó khăn và nan giải đó, chúng ta cần kế hoạch cụ thể cho từng thời điểm”, Thị trưởng Moore nói.
Ở thời điểm hiện tại, điều kiện tự nhiên ngăn cản thợ lặn xuống sông. Ngay khi điều kiện trở nên thuận lợi hơn, lực lượng cứu hộ sẽ cố gắng tìm kiếm các công nhân xây dựng, những người gặp nạn khi con tàu container khổng lồ đâm sập cây cầu.
Hiện tại, lực lượng cảnh sát biển đang tập trung vào loại bỏ con tàu và những phần cầu gãy để sớm khai thông tuyến hàng hải huyết mạch. Các kỹ sư từ lực lượng công binh, hải quân và cảnh sát biển Mỹ cùng với các chuyên gia tư nhân đang đánh giá cách cắt phá thân cầu thành những mảnh có kích thước phù hợp để các cần cẩu có thể nâng chúng lên khỏi mặt nước và di chuyển sang chỗ khác.
Song song với đó, quan chức phụ trách giao thông vận tải của Maryland đã tập trung vào việc xây một cây cầu mới và xem xét các phương pháp thiết kế, kỹ thuật và xây dựng sáng tạo để nhanh chóng có một cây cầu mới nhằm đảm bảo lưu thông.
Hiện tại, 60 triệu USD từ quỹ ứng phó khẩn cấp liên bang đã được phê duyệt để giải quyết hậu quả vụ tai nạn.
Nguồn: AP & Politico
Nhịp sống Thị trường