MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh ra ở Mỹ, nhiều bạn trẻ gốc Việt hướng quê hương như thiên đường khởi nghiệp

27-10-2016 - 13:16 PM | Tài chính quốc tế

Những điều kiện thuận lợi và lý tưởng cho khởi nghiệp giúp quê hương trở thành thiên đường cho những Startup trẻ gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ - những người mang trong mình khát khao tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân và phát triển kinh doanh.

Kiên quyết trở về cố hương

“Chúng ta đã từ bỏ tất cả để tới được Mỹ và giờ con muốn trở về hay sao”, mẹ Esther Nguyen không kìm nén nổi xúc động khi nghe con gái nói về kế hoạch hồi hương để lập nghiệp. Dù được sinh ra trên đất Mỹ, Nguyen vẫn hướng về quê hương như thiên đường khởi nghiệp, nơi những người như cô được chào đón để thúc đẩy kinh tế phát triển, Nikkei đưa tin.

Nguyen được sinh ra trong một gia đình gốc Việt sau khi gia đình cô rời quê hương vì chiến tranh. Những người như Nguyen nhìn quê hương như một vùng đất đầy cơ hội cho sự nghiệp kinh doanh của bản thân. Ngoài ra, với kiến thức từ nền giáo dục ở Mỹ, những Việt kiều như cô trở thành cầu nối quan trọng cho các công ty nước ngoài muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam.


Esther Nguyen, nhà sáng lập và CEO của Pops Worldwide.

Esther Nguyen, nhà sáng lập và CEO của Pops Worldwide.

Esther Nguyen là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Pops Worldwide, một công ty hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng làm việc của Pops Worldwide được thiết kế theo phong cách hiện đại, nhiều ánh sáng. Nhân viên trong công ty có đặc điểm chung là rất trẻ với những bộ trang phục giản dị.

Esther Nguyen sinh ra tại Michigan. Cha mẹ cô sang Mỹ năm 1975 và mở một cây xăng và siêu thị nhỏ tại nhà. Tốt nghiệp đại học Southern California năm 1998, Nguyen bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh thông qua bán hàng trực tuyến. Sau đó, cô chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực công nghệ xanh nhưng cả hai đều không mang lại thành công.

Sau hai lần khởi nghiệp bất thành, Nguyen chuyển sang học luật của trường Golden Gate. Tuy nhiên, năm 2007, máu kinh doanh trong người khiến cô quyết định quay trở lại Việt Nam để lập nghiệp. Trong quá trình làm việc cho một công ty công nghệ, Nguyen thường xuyên làm việc tại Hà Nội và nhận thấy cơ hội khởi nghiệp tuyệt vời nơi cố hương.

Bất chấp sự phản đối của mẹ, Nguyen quyết định về Việt Nam và mở một công ty hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Vào thời điểm đó, vấn đề bản quyền cho các sản phẩm âm nhạc và giải trí ở Việt Nam chưa thực sự chặt chẽ. Ban đầu, công ty của Nguyen gặp nhiều khó khăn nhưng sự bùng nổ điện thoại thông minh đã tạo ra cơ hội lớn về các sản phẩm video và giải trí.

Pops Worldwide ngay lập tức nắm bắt cơ hội và gặt hái được những thành công đáng mơ ước. Hiện tại, công ty của Esther Nguyen đang sở hữu khoảng 90% nội dung âm nhạc ở Việt Nam với lượt xem hàng tháng lên tới 1,2 tỷ người.

Chia sẻ về môi trường làm việc nơi cố hương, Esther Nguyen chỉ rõ sự khác biệt: “Tôi đến từ Thung lũng Silicon, nơi mọi thứ diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam không giống vậy. Mọi thứ đều cần nhiều, thậm chí là cần rất nhiều thời gian. Kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam cũng khác biệt so với ở Mỹ”.

Một chặng đường dài

Giống với Esther Nguyen, Eddie Thai cũng trở về Việt Nam lập nghiệp sau khi tốt nghiệp trường Harvard và làm tư vấn viên cho một công ty ở Mỹ. Dù nhận mức lương được coi là hậu hĩnh nhưng Eddie Thai vẫn cảm thấy thiếu đó và quyết định nghỉ việc tư vấn viên.

Kể về chuyến đi tới Việt Nam năm 2001, khi còn là một thiếu niên, Thai cho biết anh rất ấn tượng về quê hương dù Việt Nam còn phải đi một chặng đường dài để cải thiện về mức sống cũng như triển vọng kinh tế. Ngay từ thời điểm đó, Thai đã ấp ủ kế hoạch trở về nơi cha mẹ anh ra đi nhiều năm trước.


Chàng Việt kiều Eddie Thai.

Chàng Việt kiều Eddie Thai.

Không thỏa mãn với công việc ở Mỹ, Thai quyết định trở lại Việt Nam để tìm câu trả lời cho những khát vọng của bản thân. Trải qua thời gian làm việc, Thai hiện đang là quản lý 500 Startups Việt Nam - một quỹ đầu tư trị giá 10 triệu USD. Hiện tại, chàng trai gốc Việt đang xem xét đầu tư vào 100 công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử….

Giống như nhiều startup gốc Việt khác, Thai mang trong mình sợi dây liên kết giữa Việt Nam với Mỹ và mở ra cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Mỹ với các công ty Việt Nam. Bản thân Thai cũng thừa nhận những lợi thế mà mình có được giúp anh dễ dàng xây dựng niềm tin với các đối tác cả trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đều đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những startup gốc Việt sẽ ngày càng đóng vai trò to lớn hơn trong quan hệ kinh tế 2 quốc gia. Việc tạo điều kiện để lôi kéo người gốc Việt hồi hương làm việc cũng cho thấy chính phủ nhận thức rõ vai trò và khả năng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong tiến trình phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối mà các Việt Kiều gửi về nước trong năm 2015 đạt 13,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Chỉ có thời gian mới trả lời được Việt Kiều sẽ góp phần như thế nào cho nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam nhưng rõ ràng, những người như Esther Nguyen và Eddie Thai nhìn thấy cơ hội lớn ở cố hương, Nikkei nhận định.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên