Số công ty vỡ nợ tăng gấp đôi cùng kỳ, làn sóng phá sản vì lãi suất cao dâng lên ở Mỹ
Theo số liệu của Moody’s Investors Service, từ đầu năm đến nay, Mỹ có tới 41 vụ vỡ nợ, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
- 27-06-2023Morgan Stanley: Đây có thể sẽ là mức lãi suất sau cuộc họp tháng 7 tới của FED
- 23-06-2023Tiền tệ quốc tế biến động mạnh sau khi Anh và Thụy Sỹ nối dài làn sóng tăng lãi suất
- 22-06-2023Chủ tịch Powell dội “gáo nước lạnh” vào kỳ vọng dừng tăng lãi suất: Cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn chặng đường dài phía trước
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang dự định sẽ tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Theo CNBC nhận định, điều này đồng nghĩa trong những tháng tới số lượng các doanh nghiệp vỡ nợ sẽ tăng lên.
Thực tế thì trong tháng trước, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ vỡ nợ đã tăng mạnh do triển vọng kinh tế bấp bênh và lãi suất tăng khiến chi phí tái tài trợ các khoản nợ tăng vọt.
Theo số liệu của Moody’s Investors Service, từ đầu năm đến nay, Mỹ có tới 41 vụ vỡ nợ, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia phân tích nhận định lãi suất tăng chính là “thủ phạm” lớn nhất khiến các doanh nghiệp đối mặt căng thẳng tài chính. Các công ty cần thêm thanh khoản hay đang có gánh nặng nợ và cần phải đảo nợ đều phải đối mặt với lãi suất cao.
“Hiện nguồn vốn đang trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều”, Mohsin Meghji, nhà sáng lập M3 Partners nói. “Suốt 15 năm qua, trung bình chi phí đi vay rơi vào khoảng 4-6%, nhưng giờ thì con số lên đến 9-13%”.
Meghji cho biết kể từ quý IV năm ngoái, công ty chuyên tư vấn tái cấu trúc nợ của ông đặc biệt bận rộn với lượng khách hàng tăng đột biến đến từ nhiều ngành nghề. Mặc dù gần đây những công ty có vấn đề nhất đều đã bị ảnh hưởng, ông dự đoán trong thời gian tới cả những công ty có tình hình tài chính khỏe mạnh hơn cũng sẽ gặp khó khăn vì lãi suất cao.
Theo số liệu của S&P Global Market Intelligence, từ đầu năm đến hết ngày 22/6, đã có 324 doanh nghiệp Mỹ nộp đơn phá sản, gần bằng mức 374 của cả năm 2022. Trong đó riêng 4 tháng đầu năm ghi nhận 230 vụ, mức cao nhất kể từ 2010.
Envision Healthcare, nhà cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, là vụ phá sản lớn nhất trong tháng 5. Khi nộp đơn xin phá sản, công ty này đang nợ hơn 7 tỷ USD.
Một số vụ phá sản lớn kể từ đầu năm đến nay có thể kể đến công ty thiết bị an ninh Monitronics International, ngân hàng SVB, chuỗi bán lẻ Bed Bath & Beyond và chuỗi thể thao Diamond Sports.
Moody’s dự báo đến cuối năm nay tỷ lệ vỡ nợ trên toàn cầu sẽ tăng lên 4,6%, cao hơn mức trung bình dài hạn là 4,1%. Đến tháng 4/2024, con số sẽ đạt đỉnh ở mức 5% trước khi làn sóng vỡ nợ bắt đầu lắng xuống.
Cho đến gần đây, các doanh nghiệp Mỹ vẫn ở trong môi trường mà tín dụng được cấp một cách “siêu dễ dãi”. Các công ty có thể tiếp cận thị trường nợ mà không gặp bất cứ trở ngại hay giới hạn nào. Đó cũng là lý do khiến làn sóng vỡ nợ xảy ra trên diện rộng, bao trùm nhiều ngành.
Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô đang có nhiều điểm bất lợi. Nền kinh tế tăng trưởng yếu trong khi lạm phát cao khiến mọi người cắt giảm chi tiêu.
Tham khảo CNBC
Nhịp sống thị trường