MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số giao dịch đất nền miền Nam “áp đảo” miền Bắc và miền Trung

22-11-2021 - 09:29 AM | Bất động sản

Số giao dịch đất nền miền Nam “áp đảo” miền Bắc  và miền Trung

Trong tổng số giao dịch đất nền là 107.167 giao dịch thành, thì khu vực miền nam có 65.366 giao dịch, trong khi tại miền Bắc chỉ có 10.421 giao dịch và miền Trung là 31.380 giao dịch.

Báo cáo thị trường BĐS quý 3/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc đất nền, số lượng giao dịch bất động sản nhà ở cao cấp giảm hơn so với quý trước.

Cụ thể, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 11.615 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Hưng Yên), tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 39% so với quý 2/2021. Cụ thể, tại miền Bắc có 6.226 giao dịch, tại miền Trung có 2.792 giao dịch, tại miền Nam có 2.597 giao dịch; riêng tại tại Hà Nội có 1.745 giao dịch thành công, tại Tp.HCM có 352 giao dịch thành công.

Lượng giao dịch đất nền là 107.167 giao dịch thành, cụ thể, tại miền Bắc có 10.421 giao dịch, tại miền Trung có 31.380 giao dịch, tại miền Nam có 65.366 giao dịch.

Về giá, nhìn chung, giá đất nền cơ bản không thay đổi so với quý trước. Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý 2. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại Tp.hcm và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh).

Cụ thể, giá rao bán trung bình đất nền tại một số địa phương: Tại Hà Nội, đất dự án tại khu đô thị mới Đại Kim – Định Công có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh có giá khoảng 34 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow Twin Parks có giá khoảng 94 triệu đồng/m2, khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.

Số giao dịch đất nền miền Nam “áp đảo” miền Bắc  và miền Trung - Ảnh 1.

Tại Tp.HCM, giá đất nền tại khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2 có giá khoảng 114 triệu đồng/m2, dự án An Phú – An Khánh tại quận 2 có giá khoảng 211 triệu đồng/m2, dự án Huy Hoàng tại quận 2 có giá khoảng 212 triệu đồng/m2, dự án The Everich III tại quận 7 có giá khoảng 110 triệu đồng/m2, khu dân cư Sở Văn hóa thông tin tại quận 9 có giá khoảng 72 triệu đồng/m2.

Tại Đà Nẵng, dự án Làng Châu Âu (Euro Village) tại quận Sơn Trà có giá khoảng 84 triệu đồng/m2, dự án One River tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 52 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 43 triệu đồng/m2.

Tại Hải Phòng, dự án ICC Quán Mau tại quận Lê Chân có giá khoảng 61 triệu đồng/m2, dự án Him Lam Hùng Vương tại quận Hồng Bàng có giá khoảng 29 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Bắc Sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên có giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị mới Cựu Viên tại quận Kiến An có giá khoảng 22 triệu đồng/m2.

Đối với nhà ở riêng lẻ, theo Bộ xây dưng, giá rao bán nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương cơ bản giữ mức giá xác lập trong quý trước, hoặc một số dự án có tăng nhưng không nhiều, khoảng 1-2%. Tại Hà Nội, Tp.HCM hầu như không có dự án mở bán và giao dịch. Một số dự án tại trung tâm các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh có giá dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2. Giá bán tại hầu hết các tỉnh thành không biến động so với quý trước.

Theo đơn vị này, do quý 3/2021, tình hình giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã tác động tiêu cực đến quá trình giao dịch bất động sản trên địa bàn. Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các giao dịch bất động sản thứ cấp hầu như không có. Một số giao dịch mới chỉ dừng lại ở việc chuyển tiền đặt cọc rồi chờ đến khi hết giãn cách thì sẽ hoàn tất các thủ tục mua bán.

Về giá rao bán trên thị trường thứ cấp trong tháng 9/2021, giá rao bán nhà ở, đất nền tại các địa phương nêu trên cơ bản vẫn ổn định, hầu hết giữ mức mặt bằng giá được thiết lập trong quý trước, không có hiện tượng tăng mạnh hoặc giảm giá sâu.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên