Sở hữu 1 trong 10 đặc điểm này, sẽ luôn có người tìm tới bạn và trả mức lương trên trời
Những đặc điểm sau đây sẽ giải thích tại sao có những người có thể được săn đón với mức lương trên trời như vậy.
- 29-11-2021Khảo sát việc làm mùa Covid: Hầu hết tân cử nhân mong muốn lương tháng 10-15 triệu đồng, nhưng hơn 50% nhà tuyển dụng chấp nhận trả 6-10 triệu
- 23-11-2021"Vào toilet nhưng hết giấy thì làm gì?" - Nam ứng viên trả lời 1 câu được nhà tuyển dụng khen tới tấp, nhận ngay công việc mức lương 1,7 tỷ
- 04-11-2021Tiền lương hàng tháng cậu có đưa cho vợ không? Người đàn ông hóm hỉnh trả lời khiến các sếp gật gù: “Hợp lý” và được nhận ngay tại chỗ
Làm thế nào để có thể trở thành quản lý cấp cao và kiếm được mức lương cao? Nhiều người cho rằng, một là năng lực, hai là cơ hội và thứ ba là khả năng giao tiếp. Nói như vậy cũng không sai, nhưng hơi phiến diện. Vì phương diện công việc nên tôi quen khá nhiều người bạn làm trong mảng Headhunting (tìm kiếm nhân viên điều hành), tôi cũng quen một số quản lý cấp trung và cấp cao với mức lương hàng năm đáng nể. Và những đặc điểm sau đây sẽ giải thích tại sao họ có thể được săn đón với mức lương trên trời như vậy.
1. Quan hệ rộng và sâu
Trước hết, kênh phát triển của các giám đốc điều hành thường khác với những người bình thường, hầu hết họ dựa vào sự giới thiệu của bạn bè hoặc sự săn lùng của các công ty Headhunting, họ hiếm khi chủ động nộp hồ sơ.
Thứ hai, đối với những công ty bỏ ra mức lương cao để thuê người, họ không chỉ xem xét khả năng làm việc mà tài nguyên các mối quan hệ xã hội của ứng viên cũng là một yếu tố quan trọng để đo lường, ví dụ như Evergrande (nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai ở Trung Quốc theo doanh số bán hàng và được xếp hạng 122 trên bảng xếp hạng Fortune Global 500) vừa thuê "ai đó" với mức lương hàng năm hàng chục triệu tệ, một lý do quan trọng cũng là bởi nền tảng mạng lưới của người đó trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành một nhà điều hành, việc kết bạn và xây dựng mạng lưới sâu rộng là điều vô cùng quan trọng.
2. Định vị phải rõ ràng
Có câu "Nhân vãng cao xứ tẩu, thủy vãng đê xứ lưu", ý muốn nói con người luôn hướng đến những tầm cao hơn, còn nước chảy về những nơi thấp hơn. Những người thông minh luôn biết rằng một vị trí công việc là bàn đạp để có mức lương cao, và một khi mức lương thấp, giá trị chuyên môn sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy, việc định vị vị trí nghề nghiệp của các nhân tài quản lý cấp cao là tương đối rõ ràng, không có sự mơ hồ, họ chỉ ngẩng đầu lên cao chứ không bao giờ chịu cúi xuống. Tạm thời không có chức vụ giám đốc/phó tổng ư? Vậy thì tôi thà nghỉ ngơi nhàn hạ còn hơn làm quản lý cấp trung, nói chung là không có chuyện "thôi làm tạm vậy" hay "thôi, chịu thiệt tý trước đã".
3. Kiến thức phải có hệ thống
Lương cao không dễ kiếm, nhất là đối với những người quản lý cấp trung và cấp cao, họ phải có một hệ thống kiến thức rất rộng và bài bản hơn, họ phải làm được tới mức "người khác không có mình có, người khác có mình giỏi hơn, người giỏi hơn thì mình xuất sắc, người xuất sắc thì mình thay đổi". Nếu không như vậy, họ sẽ không thể hướng dẫn nhân viên cũng như cũng không thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất. Làm thế nào để khiến kiến thức của chúng ta trở nên hệ thống hơn? Tăng cường học tập, rèn luyện trong quá trình làm việc, tiếp thu kiến thức từ nhiều góc độ, mọi mặt.
4. Có kinh nghiệm dày dặn
Bàn tính nhỏ của ông chủ rất khôn ngoan, và từng xu bỏ ra, họ đều rất quan tâm tới lợi tức thu được. Sếp thuê bạn với mức lương cao là để bạn giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như cải tiến quản lý hoặc đột phá công nghệ, chứ không phải để bạn ngồi đó nói giỏi hơn làm, chỉ tay năm ngón. Vì vậy, chúng ta phải có nhiều kinh nghiệm thực tế, và có năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Kinh nghiệm đến từ đâu? Tất nhiên, đó là những ứng dụng thực tế trong quản lý kinh doanh hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ.
5. Năng lực phải toàn diện
Ngoài năng lực chuyên môn cụ thể, nhân sự quản lý cấp cao có thể nói là những người rất đa năng, cho dù là trong mảng sản xuất, chất lượng, an toàn hay mua bán, nhân sự và điều hành, họ đều có một vốn kiến thức chuyên môn nhất định, vì vậy họ có thể xử lý những công việc đó một cách dễ dàng. Những khả năng này, ngoài việc tích lũy trong thực tế công việc hiện tại, nó còn cần tới sự tự giác, chủ động đi học hỏi nhiều hơn.
6. Biết cách giao tiếp, trao đổi
Những người trở thành giám đốc điều hành cấp cao thường phải vượt qua rất nhiều cửa ải, sau rất nhiều cuộc phỏng vấn họ mới được tuyển chọn. Do đó, kỹ năng giao tiếp của họ thường nhỉnh hơn những người khác. Đối với các quản lý cấp cao, sếp tổng thường là người phỏng vấn trực tiếp cuối cùng, nếu không có trình độ giao tiếp nhất định thì khó có thể nhận được sự khẳng định của sếp tổng. Làm thế nào để cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn? Đầu tiên, đọc nhiều sách hơn, thứ hai là luyện tập nhiều hơn, sau đó là tự tin, và cuối cùng, và quan trọng nhất là trung thực.
7. Tâm lý khỏe mạnh
Khách quan mà nói, một giám đốc điều hành thường sẽ rất được ngưỡng mộ, nhưng cái áp lực mà họ phải chịu đựng thường không dễ chịu chút nào. Những người có thể đạt được vị trí quản lý cấp trung và cấp cao thường là những người có tố chất tâm lý mạnh mẽ hơn, họ điều chỉnh cảm xúc bản thân tốt và có khả năng chống căng thẳng tốt. Bởi nếu không như vậy, bạn không thể đối mặt với môi trường phức tạp giữa các cá nhân và áp lực hiệu quả hoạt động của công ty mỗi ngày. Do đó, nếu bạn muốn trở thành một nhà quản lý cấp cao, bạn nên bắt đầu bằng việc điều chỉnh tâm lý của mình.
8. Đạo đức phải đáng tin cậy
Dù là headhuting hay do bạn bè giới thiệu, những người khơi dậy sự quan tâm của ông chủ và khiến họ thuê mình với mức lương cao nhìn chung nhân phẩm đều ổn. Trước khi tuyển dụng, các doanh nghiệp và công ty săn đầu người thường tiến hành kiểm tra lý lịch về các ứng viên, chẳng hạn như kinh nghiệm, tính cách, hiệu suất, danh tiếng, gia đình, hay cả những gì người khác đánh giá về họ. Nếu phần lớn những gì người khác nói về họ quá tệ, các công ty săn đầu người không dám giới thiệu, và doanh nghiệp cũng sẽ không tuyển. Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành một nhà điều hành, trước hết bạn phải là một người có nhân cách tốt.
9. Nghiêm túc trong công việc
Người xưa nói "thấy mầm biết cây". Những người làm chức vụ cao, mặc dù đầu óc của họ phải tập trung cho các việc lớn, nhưng đôi mắt của họ cũng sẽ tuyệt đối không bỏ qua các chi tiết, những chuyện nhỏ. Hiệu ứng bươm bướm trong quản lý nói rằng việc bỏ qua hành động vỗ cánh của những con bướm nhỏ cũng có thể dẫn đến sóng thần. Do đó, họ thường làm mọi việc một cách rất nghiêm túc, có logic chặt chẽ, làm mọi việc một cách có kế hoạch và thực hiện phải cho ra kết quả. Họ đưa ra những quyết định dứt khoát, nhưng dựa trên phân tích dữ liệu và phương pháp khoa học, họ sẽ không bao giờ đưa ra quyết định mù quáng.
10. Cá tính nổi bật
Bởi vì thương trường cạnh tranh tàn khốc, để không bị đối thủ "ăn thịt", các ông chủ rất coi trọng "tinh thần sói". Do đó, các công ty không thích nhân viên của mình là những "chú thỏ trắng", và càng không thích nhân viên cấp cao của mình là những "chú cừu". Vì vậy, là một nhà quản lý cấp cao, bạn phải có cá tính riêng, nói năng dứt khoát và tác phong mạnh mẽ hơn, đó có thể là những ưu điểm mà sếp đánh giá cao bạn. Nếu trong giao tiếp, bạn là người do dự, không biết cách biểu đạt, không tự tin, bạn sẽ rất khó để trở thành quản lý cấp cao.
Doanh Nghiệp & Tiếp Thị