Sở hữu chung cư có niên hạn: Người “quay xe”, người tranh thủ mua
Trước thông tin áp niên hạn sở hữu chung cư, nhiều người đã “quay xe” lựa chọn mua nhà đất vì có tính lâu dài và khả năng giữ giá. Tuy nhiên, một số người cho rằng, đây là thời điểm hợp lý để mua chung cư trước khi luật sửa đổi có hiệu lực.
- 29-09-2022Đất nền đã giảm giá, vì sao nhà đầu tư bất động sản vẫn chưa xuống tiền?
- 29-09-2022Novaland đề xuất siêu dự án 10 tỷ USD, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng nói gì?
- 29-09-2022Mô hình khu đô thị mở: Xu hướng đầu tư và an cư mới
Người “quay xe”, người tranh thủ mua
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã đưa ra 2 phương án liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trong đó, phương án 1 quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành, tức không quy định thời hạn sở hữu chung cư.
Trước thông tin dự thảo, nghịch cảnh đã xảy ra trên thị trường bất động sản, khi người thì “quay xe” không mua chung cư mà chuyển sang nhà đất. Một số thì tranh thủ khi Luật chưa được ban hành để mua chung cư.
Anh Nguyễn Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, nếu chung cư được áp niên hạn thì sau khi hết thời hạn người dân không khác gì mất trắng tài sản. Do đó, dù đã tìm được căn hộ ưng ý nhưng anh vẫn chuyển sang tìm mua nhà đất.
“Dù chưa biết dự thảo luật có được áp dụng hay không, nhưng nếu chờ đợi đến khi sửa xong luật thì theo thông tin tôi nắm bắt được là đến 2023. Do đó, tôi vẫn chuyển sang mua nhà đất cho chắc chắn. Dù giá nhà đất có cao hơn nhưng vợ chồng tôi vẫn có thể xoay sở, hơn nữa để vài năm giá còn tiếp tục tăng. Còn chung cư thì để thêm chưa chắc đã có lãi”, anh Tùng nói.
Trái ngược với anh Tùng, anh Thanh Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nếu dự thảo luật về niên hạn chung cư được áp dụng thì hiện tại là thời điểm tốt để xuống tiền mua chung cư. Bởi, chung cư có niên hạn sẽ chỉ áp dụng khi luật có hiệu lực.
“Việc người mua nhà lo bị rớt giá khi áp dụng niên hạn chung cư là điều dễ hiểu. Nhưng, nếu quy định được thông qua thì có thể áp dụng cho chung cư được cấp phép trong thời gian tới, còn những chung cư đã cấp vĩnh viễn trước đó sẽ được giữ nguyên. Như vậy, nhà chung cư được sở hữu vĩnh viễn khi đó sẽ có giá trị cao hơn”, anh Minh nói.
Giá chung cư có thời hạn sở vĩnh viễn sẽ tiếp tục tăng
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, quy định thời hạn sở hữu chung cư không áp dụng đối với những trường hợp cấp phép trước thời điểm Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Do vậy, những người dân sở hữu chung cư hiện nay vẫn tiếp tục được áp dụng thời hạn sử dụng lâu dài.
“Những trường hợp cấp phép xây dựng hoặc được miễn phép nhưng có các thiết kế mà xác định phê duyệt sau ngày Luật này có hiệu lực thì sẽ áp dụng niên hạn sở hữu”, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nói.
Bên cạnh đó, ông Khởi cho rằng, quy định này sẽ tác động đến giá nhà và cũng tạo cơ hội cho nhiều người, đặc biệt là những người có khả năng tài chính vừa phải có thể sở hữu được nhà chung cư với mức giá hợp lý.
“Để thúc đẩy người dân mua nhà chung cư, có thể các chủ đầu tư sẽ phải tính toán phương án thiết kế của mình với nhà chung cư có thời hạn khoảng 50 - 70 năm hoặc 80 năm, với thời hạn ngắn thì giá cả sẽ giảm xuống. Cho nên ở một góc độ nào đó, chúng tôi cho rằng quy định này có tác động 2 mặt, một là về giá, 2 là về cơ hội tiếp cận nhà ở chung cư của người dân”, ông Khởi nói.
Ông Khởi cho biết, nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua theo đúng chương trình thì sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, và những trường hợp cấp phép sau đó mới áp dụng quy định sở hữu căn hộ chung cư.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thời gian gần đây, thông tin chung cư có niên hạn khiến một số người tranh thủ đi mua. Theo đó, giá chung cư cũng tăng lên đáng kể.
“Trước thời điểm luật có hiệu lực thì những căn hộ nào đã có sổ hồng thì sẽ là vĩnh viễn. Theo đó, giá chung cư cũ cũng sẽ tăng lên rất nhiều so với những căn hộ có thời hạn 50 - 70 năm”, ông Điệp nói.
Nhịp sống thị trường