Thu nhập bình quân lao động ở TP. HCM cao hơn Hà Nội khoảng 400 nghìn, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao gần gấp 2 lần
Thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội chỉ thấp hơn tại TP. HCM khoảng 400 nghìn đồng/người/tháng. Song, tỷ lệ thất nghiệp tại TP. HCM lại cao hơn Hà Nội 1,9 lần.
- 13-04-2022Chương trình cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP
- 12-04-2022Tỉnh có thu nhập lao động tăng nhanh nhất quý 1/2022 nhưng không thuộc top 10 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước
- 12-04-2022Công ty không trả giấy tờ khi người lao động nghỉ việc có thể bị phạt lên tới 20 triệu đồng
Theo báo cáo về tình hình lao động của Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2022, điểm sáng nổi bật là thu nhập bình quân tháng của lao động tăng mạnh tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, lao động tại TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước, khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tại TP. HCM, thu nhập bình quân của lao động là 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng so với quý trước.
Ngoài ra, thu nhập của người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn có mức tăng trưởng khá, như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội là 8,5 triệu đồng, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng so với quý trước; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng, tăng 8,3% và thu nhập của lao động tại Hải Phòng là 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,3% so với quý 4/2021.
Tính chung, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1 là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.
Như vậy, thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội chỉ thấp hơn tại TP. HCM khoảng 400 nghìn đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2022, TP. HCM lại ghi nhận tỷ lệ này cao gấp 1,9 lần so với Hà Nội.
Cụ thể, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất, tương ứng là 3,03% và 2,89%. So với quý trước, tỷ lệ này ở hai vùng giảm, tương ứng giảm 2,69 điểm phần trăm và giảm 2,81 điểm phần trăm.
Trong quý 1/2022, tỷ lệ này ở TP. HCM là 4,18%, còn ở Hà Nội là 2,24%. Mặc dù vẫn còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở Hà Nội nhưng so với quý trước, tỷ lệ này ở TP. HCM đã giảm 4,07 điểm phần trăm, trong khi ở Hà Nội chỉ giảm 0,21 điểm phần trăm.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2022
Xét cả nước, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong quý 1/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,93%, thấp hơn 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị cao gấp 1,3 lần ở khu vực nông thôn, tương ứng là 9,30% và 7,20%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở TP. HCM trong quý 1/2022 là 11,30%, cao hơn so với Hà Nội (10,31%).
So với quý trước, tỷ lệ này ở TP. HCM giảm 6,83 điểm phần trăm, trong khi đó Hà Nội tăng 1,13 điểm phần trăm. Trong 3 tháng đầu năm, tại TP. HCM, các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí dần trở nên nhộn nhịp, học sinh, sinh viên các trường đi học trực tiếp trở lại đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm đáng kể.
Trong quý 1/2022, cả nước có khoảng 1,7 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 13,3% tổng số thanh niên), giảm 166,0 nghìn người so với quý trước và giảm 291,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 15,3% so với 10,1% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 15,1% so với 11,6%.
So sánh theo 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở Trung du và miền núi phía Bắc là cao nhất với 20,4%; tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long với 19,1%, tương ứng giảm 0,8 và 2,5 điểm phần trăm so với quý trước.
Tỷ lệ này ở TP. HCM trong quý 1/2022 là 9,1%, cao hơn so với Hà Nội (7,2%). So với quý trước, tỷ lệ này ở TP. HCM và Hà Nội đều giảm, tương ứng là giảm 5,7 điểm phần trăm và giảm 0,6 điểm phần trăm.