Số vụ lừa đảo tại "hàng xóm" của Việt Nam lên cao kỷ lục, trong đó 86% trường hợp bị thao túng chuyển tiền
Báo cáo cho biết, 86% trong tổng số các trường hợp lừa đảo, những kẻ lừa đảo không kiểm soát được tài khoản của nạn nhân mà đã thao túng họ chuyển tiền.
- 23-08-2024CEO ngân hàng bị lừa đảo qua mạng 47 triệu USD
- 22-08-2024Trước thềm tắt sóng 2G, Công an lên tiếng cảnh báo chiêu thức lừa đảo mới
- 20-08-2024Công an cảnh báo các hình thức lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ trên không gian mạng: Đã có nhiều người sập bẫy!
Theo báo cáo về tội phạm mạng và lửa đảo được công bố ngày 22/8, Cảnh sát Singapore cho biết, số vụ lừa đảo trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 16,3%, đạt mức cao kỷ lục là 26.587 vụ. Ít nhất 385,6 triệu đô la Singapore đã bị mất, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, 86% trong tổng số các trường hợp lừa đảo, những kẻ lừa đảo không kiểm soát được tài khoản của nạn nhân mà đã thao túng họ chuyển tiền. Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phát triển Xã hội và Gia đình Sun Xueling cho biết: “Điều này cho thấy kỹ năng xã hội là một phần rất quan trọng trong phương thức hoạt động của các vụ lừa đảo. Chúng ta cần tăng cường nỗ lực giáo dục để thông báo cho người dân để họ không bị thao túng chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo”.
Cơ quan này cho biết, nếu xu hướng tiếp tục, tổn thất do lừa đảo có thể vượt quá 770 triệu đô la Singapore vào cuối năm 2024. Phần lớn nạn nhân bị lừa (chiếm 74,2%) là thanh thiếu niên, người trẻ tuổi và người lớn dưới 50 tuổi. Tuy nhiên, số tiền mất mát trung bình của nhóm cao tuổi lại cao nhất.
“Đây là mối lo ngại vì người cao tuổi có khả năng mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời vào các vụ lừa đảo và khó có thể phục hồi về mặt tài chính”, cảnh sát cho biết.
Lừa đảo thương mại điện tử, lừa đảo việc làm và lừa đảo qua email là những hình thức phổ biến nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, xét về tổng số tiền bị mất, lừa đảo đầu tư, lừa đảo việc làm và lừa đảo mạo danh viên chức Chính phủ đúng ở vị trí top đầu.
Cảnh sát Singapore cũng nhấn mạnh, Facebook, WhatsApp và Instagram là 3 nền tảng “đặc biệt đáng lo ngại”. Ba nền tảng này thường xuyên bị những kẻ lừa đảo lợi dụng để liên hệ với các nạn nhân tiềm năng và thực hiện hành vi lừa đảo.
SPF cho biết họ đang hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để xóa các tài khoản trực tuyến và quảng cáo liên quan đến lừa đảo. Cơ quan cũng hợp tác với các công ty viễn thông địa phương để chấm dứt các đường dây điện thoại liên quan đến lừa đảo.
Cảnh sát Singapore cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để chia sẻ thông tin và tiến hành điều tra chung và hoạt động chống lại các vụ lừa đảo xuyên quốc gia.
Cơ quan cảnh sát cho biết điều này rất quan trọng vì hầu hết các vụ lừa đảo trực tuyến đều do những kẻ lừa đảo có trụ sở bên ngoài Singapore thực hiện, do đó rất khó để điều tra và truy tố những vụ việc như vậy.
Theo CNA, The Business Times, ROSHI, Mercer
Nhịp sống thị trường