Sôi động cổ phiếu ngân hàng nhỏ
Giá cổ phiếu đi kèm vốn hoá còn thấp là động lực tăng trưởng chính của các ngân hàng nhỏ, trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hoá lớn cùng ngành đang bứt tốc và có xu hướng tạo lập mặt bằng giá mới.
Giá cổ phiếu đi kèm vốn hoá còn thấp là động lực tăng trưởng chính của các ngân hàng nhỏ, trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hoá lớn cùng ngành đang bứt tốc và có xu hướng tạo lập mặt bằng giá mới.
- 27-05-2021Cổ phiếu ngân hàng tạo sóng bao lâu?
- 26-05-2021Cổ phiếu BIDV bừng tỉnh, cuộc đua vốn hóa ngân hàng càng sát kề
- 23-05-2021Tài chính ngân hàng nổi bật tuần qua: Cổ phiếu tiếp tục thăng hoa, các ngân hàng gom được nhiều vốn rẻ
Trong 5 phiên giao dịch đổ lại, cổ phiếu các ngân hàng nhỏ bất ngờ giao dịch sôi động, như BVB chốt phiên 26/5 tăng tới 32%, trong đó tăng trần 15% cùng khối lượng giao dịch lịch sử 12,4 triệu cổ phiếu trong phiên 21/5. Cũng trong khoảng thời gian này, SGB tăng 23%, VBB tăng 24%, PGB tăng 17%.
Kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm là một yếu tố hỗ trợ các cổ phiếu ngân hàng. Cùng với đó là đà tăng nhanh chóng của VN-Index thời gian qua.
VN-Index đi lên mạnh mẽ và đã vượt thành công mốc 1.200 vào đầu tháng 4/2021 và tiếp tục vượt thành công mốc 1.300 vào phiên giao dịch ngày 25/5. Hiện chỉ số này đang dừng ở mức 1.316 điểm, tăng khoảng 15% kể từ đầu năm và hơn 90% nếu tính từ đáy COVID-19 vào cuối tháng 3 năm ngoái. Tương tự, các chỉ số chính khác cũng chứng kiến tốc độ tăng rất nhanh. So với đầu năm, VN30 tăng trên 30%, HNX tăng 45%, HNX30 tăng trên 30%, UpCOM Index tăng trên 10%.
Tuy nhiên, động lực chính đến từ việc các cổ phiếu bluechip ngân hàng tăng mạnh dường như đang đặt ra một mặt bằng giá mới cho cổ phiếu ngân hàng nói chung.
Theo thống kê của Nhadautu.vn , từ đầu năm đến nay, chỉ có BAB và PGB giảm nhẹ. Đây đều là các mã đã chạy trước khá nhanh từ cuối năm ngoái. 24 mã ngân hàng khác đang niêm yết/ giao dịch trên cả 3 sàn đều tăng mạnh.
Các cổ phiếu ngân hàng vốn hoá lớn và vừa như VPB, TPB, SHB, LPB, SSB, VIB đã tăng gần gấp đôi, các mã lớn khác như TCB, MBB, ACB, EIB, OCB cũng tăng từ 50-70%.
Một số cổ phiếu ngân hàng cỡ nhỏ và vừa cũng đã chạy khá nhanh từ trước, như KLB, BAB, PGB, NAB, MSB, NVB.
Cổ phiếu tăng mạnh đã giúp vốn hoá các ngân hàng tăng không ngừng. Ngoại trừ VCB bỏ khá xa phần còn lại, thì 25 ngân hàng còn lại có thể chia làm 4 nhóm về giá trị vốn hoá, gồm 4 ngân hàng đang ganh đua vị trí thứ 2 là BID, VPB, TCB, CTG có vốn hoá từ 7-7,5 tỷ USD, vượt trội so với nhóm đứng sau với vốn hoá từ 2-4 tỷ USD là HDB, STB, SHB, VIB, ACB, MBB; nhóm có vốn hoá hơn 1 tỷ USD là LPB, MSB, OCB, EIB, TPB, SSB, và nhóm có vốn hoá bé hơn 1 tỷ USD là SGB, PGB, BVB, VBB, NVB, KLB, NAB, BAB.
Không khó để thấy dù đã tăng mạnh thời gian qua, nhưng vốn hoá của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức rất thấp, như SGB (180 triệu USD), PGB (200 triệu USD), BVB (230 triệu USD), VBB (250 triệu USD).
Thương vụ SMBC của Nhật mua 49% và định giá FE Credit ở 2,8 tỷ USD vừa qua cho thấy nhà đầu tư ngoại đánh giá rất cao ngân hàng Việt. Lưu ý rằng, với mức định giá tương đương 65.000 tỷ đồng, FE Credit vượt qua cả SHB, STB và đứng thứ 9 nếu được đưa vào bảng xếp hạng vốn hoá ngân hàng.
Các ngân hàng nhỏ hơn, dù thua kém về quy mô và hiệu quả hoạt động so với các ngân hàng vừa và lớn, song giá trị lớn nhất vẫn là giấy phép hoạt động, vốn không được cấp mới trong hơn một thập kỷ qua.
Không chỉ nhà đầu tư ngoại, không ít các đại gia tư nhân trong nước cũng đang khao khát sở hữu ngân hàng, để hoàn thiện hệ sinh thái của họ. Vừa qua, có thể thấy tập đoàn Sunshine mua Kienlongbank, hay Thành Công Group trở thành cổ đông lớn ở Eximbank. Tại Eximbank, nhà lắp ráp xe Huyndai không phải là tay chơi duy nhất muốn sở hữu nhà băng cỡ vừa này. Nhóm DOJI của đại gia Đỗ Minh Phú cũng được đồn đoán đã "cầm" một lượng cổ phần đáng kể ở Eximbank, ngoài ra còn phải kể đến một tập đoàn địa ốc lớn ở phía Nam; tập đoàn này trước đó đã "để mắt" đến NCB nhưng thương vụ không thành.
Ở Saigonbank, ngoài 65% mà Thành uỷ TP.HCM không sớm thì muộn cũng phải thoái vốn, số còn lại được đồn đoán thuộc sở hữu của một nữ đại gia địa ốc hàng đầu Sài Thành. Ở phía Bắc, chủ một ngân hàng khác được cho là cũng đang sở hữu tỷ lệ đáng kể PGBank, trong bối cảnh nhà băng này đã huỷ thương vụ sáp nhập với HDBank.
Nhà đầu tư