Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-8% năm 2021
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới.
- 21-03-2021“Nút thắt” chi phí Logistics của nông nghiệp
- 20-03-2021“Hộ chiếu vaccine” bằng QR Code hoạt động như thế nào?
- 20-03-2021Chính phủ cho phép thí điểm sử dụng định mức, đơn giá của xe bus CNG cho bus điện tại Hà Nội
Ngân hàng Standard Chartered vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên sâu về đầu tư với chủ đề "Tổng quan đầu tư tại Việt Nam năm 2021".
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới.
"Với triển vọng kinh tế tươi sáng, sự ổn định xã hội, những thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán và bất động sản đạt cao hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam tiếp tục mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn", ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng Ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
Trong khi đó, trong một báo cáo mới công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.
IMF cho biết, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường năng lực phục hồi của kinh tế. Dù vẫn còn một số điểm yếu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn so với trước kia.
Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước dịch Covid-19. Việc xây dựng các vùng đệm về tài khóa và tài chính trước đại dịch đã giúp nền kinh tế đương đầu tốt hơn với cú sốc. Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.
Trước đó, các tổ chức quốc tế như ADB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,1%, hay HSBC với dự báo kinh tế tăng trưởng 7,6%.
Trong khi đó, các tổ chức trong nước như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo ở kịch bản tốt nhất đánh giá GDP Việt Nam tăng lần lượt 6,46% và 6,72%.
Hiện Chính phủ đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.
Theo BizLIVE