Sự bứt phá của giá vàng báo hiệu suy yếu của đồng USD?
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Giá vàng đã tăng vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce vào ngày 4/12, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Điều này cho thấy tín hiệu gì về sức mạnh của đồng USD?
- 05-12-2023Tác giả “Cha giàu, cha nghèo”: Hãy sử dụng tiền người khác để làm giàu cho chính mình
- 05-12-2023"Nước Mỹ không thể có xe điện 'Made in USA' nếu không có Trung Quốc"
- 05-12-2023Bitcoin vượt 42.000 USD, Tổng thống El Salvador mừng rỡ tuyên bố: Chúng tôi còn lâu mới bán
Theo Đài Sputnik, đứng trước tình hình giá vàng gia tăng mạnh mẽ, một số nhà kinh tế cho rằng giá của kim loại quý này sẽ duy trì ở mốc trên 2.000 USD đến năm 2024 do những bất ổn chính trị, khả năng cắt giảm lãi suất và cả đồng USD yếu hơn.
Lần tăng giá vàng gần đây nhất có thể được kích hoạt bởi việc giá trị của đồng bạc xanh sụt giảm 3,1% so với rổ sáu loại tiền tệ chính kể từ đầu tháng 11. Sự sụt giảm này xảy ra trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) của Mỹ có thể cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới.
“Trước hết, tôi nghĩ điều đó cho thấy mọi người mất niềm tin vào đồng đô la Mỹ cũng như là các tổ chức của Mỹ”, ông Claudio Grass, chuyên gia tại Viện chính sách Mises và là cố vấn về kim loại quý độc lập tại Thụy Sĩ, nói với Đài Sputnik.
Ông Grass lưu ý thế giới đang bị chia cắt một lần nữa. Và trong đó, phương Đông đang chuyển dịch khỏi đồng đô la Mỹ thay vì sử dụng nó làm đồng tiền dự trữ quốc tế. Theo ông, trước xu thế này, Fed sẽ phải giảm lãi suất trong tương lai hoặc đối mặt với sự sụp đổ giảm phát.
“Vào những thời điểm không chắc chắn như hiện nay, vàng có thể hoạt động tốt trong môi trường lạm phát và cả giảm phát”, ông nói.
Các nhà quan sát kinh tế, giá vàng bắt đầu tăng từ tháng 11 khi các nhà giao dịch đổ xô đi mua vàng trong những tuần gần đây, bất chấp lãi suất cho vay đang cao, để bảo toàn tài sản. Xu hướng này rõ ràng được thúc đẩy bởi cuộc xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, suy thoái kinh tế và lạm phát đang rình rập ở các nền kinh tế phát triển lớn và mới đây là cuộc chiến ở Gaza. Lần gần nhất kim loại quý này tăng đột biến vào tháng 8/2020 ở mức 2.072,49 USD/ounce.
Ông Claudio Grass nói thêm: “Trước đây, người ta cho rằng đã tìm ra công thức kỳ diệu để tồn tại trước sự biến động của thị trường. Chúng tôi biết những danh mục đầu tư được gọi là 60 - 40 hoặc 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu. Chiến lược này không còn hiệu quả nữa. Ví dụ, vàng đã vượt trội hơn trái phiếu Kho bạc Mỹ tới 75% kể từ năm 2018.
Chuyên gia này dự đoán trong tương lai các nhà đầu tư tổ chức cũng sẽ chuyển từ trái phiếu chính phủ sang vàng vật chất, trước cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng.
Sức phổ biến ngày càng tăng của vàng thể hiện rõ ràng những điểm yếu của hệ thống quản lý tiền tệ Bretton-Woods tập trung vào đồng USD, cũng như hành động in tiền thiếu trách nhiệm của các nước lớn ở phương Tây. Theo ông Grass, thế giới đang tiến tới sự kết thúc của hệ thống tiền tệ do Mỹ thống trị.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường cấp cao Louise Street của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay: “Nhu cầu vàng đã và đang ổn định trong suốt cả năm qua, với lợi suất tốt trước áp lực từ lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong tương lai, do căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng mạnh mẽ, nhu cầu vàng có thể vượt mong đợi".
Các ngân hàng trung ương đã mua vàng nhiều hơn dự kiến trong năm nay, qua đó hỗ trợ đáng kể cho giá vàng, vốn đang phải đối mặt với sức ép từ chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Trong một báo cáo công bố ngày 31/10, WGC cho biết các quốc gia đã tăng dự trữ vàng thêm 337 tấn trong quý III/2023. Con số này cao hơn so với mức tăng 175 tấn trong quý II và lớn hơn ước tính 103 tấn của WGC.
Trong 9 tháng kể từ đầu năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 800 tấn vàng, chủ yếu là các nước như Trung Quốc, Ba Lan và Singapore. Con số này đã vượt sức mua trong cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu cao kỷ lục. Sức mua lớn của thị trường đã giúp vàng tránh được tác động từ lợi suất trái phiếu chính phủ được điều chỉnh theo lạm phát, vốn thường được coi là yếu tố gây bất lợi cho những tài sản không sinh lời như vàng.
Báo Tin Tức