MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA: “Bài toán” không dễ giải!

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập, thất thoát, lãng phí và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vẫn là một “bài toán” không dễ tìm được đáp án.

Quản lý chưa chặt nguồn vốn ODA

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với nhà tài trợ giai đoạn 2011 – 2015 đạt khoảng 27,782 tỷ USD, bằng 131% so với giai đoạn 2006 – 2010. Không chỉ đột phá trong việc đàm phán, ký kết vay vốn ODA, mà còn có bước đột phá trong giải ngân khi mà trong 5 năm vừa qua, giải ngân nguồn vốn này đạt 22,325 tỷ USD, bằng 160% so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Từ kết quả khả quan đã đạt được, Chính phủ tính toán, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết được vào khoảng 20 – 25 tỷ USD; giải ngân đạt 25 – 30 tỷ USD (bao gồm cả 22 tỷ USD đã đàm phán, ký kết của các giai đoạn trước chưa kịp giải ngân).

Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 2,564 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay. Theo Bộ KH&ĐT, đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này để đảm bảo nợ công bền vững.

Ngoài ra, tình hình này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như: công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương còn nhiều chậm trễ; chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư; một số bộ, ngành, địa phương chưa sẵn sàng áp dụng mô hình viện trợ mới như phương thức tài trợ chương trình,…

Thực tiễn đã chứng minh nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều chương trình, công trình, dự án hoàn thành đã đi vào khai thác phục vụ đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí để thất thoát, lãng phí và tham nhũng đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam.

Theo bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hành lang pháp lý quản lý, sử dụng vốn ODA chỉ bị điều chỉnh ở cấp độ nghị định và quy định của nhà tài trợ. Các quy định này còn phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp. Việc đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các văn bản hiện hành chỉ mang tính nguyên tắc, chưa được cụ thể hóa hết vào quy trình quản lý, sử dụng ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn được tình trạng xin, cho, “cò dự án”, tiêu cực, tham nhũng.

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA

Ngày 23/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã yêu cầu các bộ ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đảm bảo an toàn nợ công bền vững…

Cụ thể, để tạo sự đột phá về tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt nghiêm túc thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 –2020, trong đó quán triệt tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo, những lĩnh vực ưu tiên sử dụng theo từng nguồn vốn (ODA không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi), lồng ghép những chương trình, dự án đề xuất đủ điều kiện theo quy định của pháp luật vào kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn để tổ chức thực hiện; đảm bảo thực hiện các cam kết của phía Việt Nam, bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, phê duyệt danh mục dự án, đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời về những vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án trọng điểm…

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công… để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đồng thời đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

Đồng thời, các cơ quan chủ quản và chủ dự án phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, thiết kế đi đôi với tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát chất lượng của cấp có thẩm quyền thông qua quá trình thẩm định và phê duyệt văn kiện và các tài liệu thiết kế chương trình, dự án, bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư, hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện chương trình, dự án, thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những chương trình, dự án chậm tiến độ.

Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ định kỳ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện chương trình, dự án, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát và đánh giá để xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Theo Vân Du

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên