MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sử dụng thớt gỗ bị mốc có thể gây ung thư gan?

10-09-2016 - 12:00 PM | Sống

Ung thư gan là một trong 3 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam. Bệnh này liên quan đến độc tố do mốc sinh ra. Vậy thớt gỗ có là thủ phạm gây ra bệnh ung thư gan?

Mới đây, một chia sẻ đã được lan truyền trên cộng đồng mạng về nỗi lo bị ung thư gan sau câu chuyện một gia đình có 3 người ung thư gan ở Trung Quốc, và sát thủ chính là nấm aflatoxin có trên thớt gỗ bị mốc.

Ám ảnh thớt mốc

Câu chuyện nhanh chóng được mọi người chia sẻ vì nó liên quan trực tiếp tới mọi gia đình. Gần như nhà nào cũng có thói quen sử dụng thớt gỗ, các đồ gia dụng bằng nhựa, đặc biệt là hộp nhựa để trữ thức ăn, bảo quản thực phẩm.

Theo như chia sẻ, việc dùng thớt gỗ “khi cắt hoặc chặt thức ăn trên thớt, những mảnh vụn sẽ bám lại trên mặt thớt. Lâu ngày những thứ này sẽ biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm cho cơ thể. Trong đó độc tố nấm aflatoxin sinh ra từ nấm mốc được coi là nguy hiểm nhất.

Aflatoxin tạo ra các ảnh hưởng về mặt hóa sinh lên tế bào dẫn đến gây quái thai, gây ung thư. Aflatoxin cũng được coi là chất gây ung thư mạnh nhất. Nếu hấp thu 2,5 mg aflatoxin trong 89 ngày, chỉ 1 năm sau đó cơ thể con người sẽ xuất hiện các triệu chứng ung thư gan.

Điều đáng chú ý là việc chùi rửa bình thường cũng không thể rửa sạch aflatoxin. Aflatoxin chịu được nhiệt độ rất cao, lên đến hơn 280 độ C. Vì vậy biện pháp luộc nước sôi hoàn toàn vô dụng. Để phòng tránh bệnh tật, mọi người phải nắm được những phương diệt khuẩn khoa học. Tốt nhất là nên đem chúng phơi nắng sau khi sau khi làm vệ sinh thớt sạch sẽ”.

Thớt gỗ mốc có nguy hiểm không?

Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Đình Chân - nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương (Hà Nội), cho biết, nguyên nhân gây ung thư gan có tác nhân là độc chất được sinh ra từ nấm có tên là aflatoxin B1.

Các nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội chỉ ra rằng aflatoxin B1 trong tổ chức gan của 83,3% số bệnh nhân ung thư gan nguyên phát. Các độc tố của aflatoxin B1 đã được cảnh báo rất nhiều nó liên quan tới ăn uống hàng ngày, khi chúng ta đưa các độc tố này vào cơ thể, và nó trú tại gan gây ra bệnh ung thư gan.

Aflatoxin là tinh thể trắng, bền với nhiệt, không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường (ở 120 độ C, phải đun 30 phút mới mất tác dụng độc), do vậy, nó có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng; đồng thời, nó rất bền với các men tiêu hóa. Có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1.

Aflatoxin có trong nấm mốc nào?

Còn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội sinh học Việt Nam lo ngại khi người dân đang phải ăn rất bẩn, ăn phải rất nhiều chất gây ung thư có trên các loại rau cỏ, thực phẩm… trong đó có độc tố từ aflatoxin.

GS Dũng cho biết aflatoxin B1 gây ung thư gan là độc chất do một số nấm mốc tiết ra nhưng không phải độc tố này tiết ra từ tất cả các loại nấm mốc như thớt mốc, đũa mốc…

Theo GS Dũng, loại mốc tự nhiên này sinh ra ở các loại ngũ cốc. Ví dụ, aflatoxin có trong lạc mốc, bắp, một số hạt có dầu khác, trong lúa gạo, khoai mì, sữa mốc và các sản phẩm thực phẩm chế biến từ các nguyên liệu này như cơm, xôi, tương, rượu để lên men tự nhiên gặp nấm mốc cũng sinh ra aflatoxin.

GS Dũng cảnh báo aflatoxin B1 có trong các loại thực phẩm như tương mà ở một số nơi họ còn làm thủ công, để nấm mốc lên tự nhiên nên rất dễ sinh ra độc tố này.

Theo P.Thúy

Infonet

Trở lên trên