Sự ngạc nhiên của Đại sứ quán Pháp khi DN Việt sản xuất được thẻ thông minh cho metro và tham vọng của MK Group
Khi 80 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip được hoàn thành, ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch MK Group nghĩ đến sự tập hợp các nguồn lực khác nhau từ “những mảnh ghép mới” để giải những bài toán khó mới.
- 22-01-2023Lão bà Kỷ Mão lớn tuổi nhất sàn chứng Việt: DN cán đích lợi nhuận ngay quý đầu niên độ, trả cổ tức cả trăm tỷ, EPS top đầu, cổ phiếu trụ vững trong CLB "giá 3 chữ số"
- 21-01-2023CEO Payoo nói về chiến lược “Ít người, đánh ít mà đánh khó” và làn gió ngược của thanh toán điện tử giữa mùa đông suy thoái
- 21-01-2023Phó TGĐ Lazada Việt Nam: "Trong 2 giờ đầu tiên của Lễ hội mua sắm Tết, chúng tôi ghi nhận ngành Bách Hóa tăng gấp 97 lần so với ngày thường"
Gần 80 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip được cấp cho người dân trong vòng 2 năm – Đó là thành tựu nhảy vọt của Việt Nam trong việc định danh điện tử cá nhân, mở ra bức tranh lớn về Chính phủ điện tử và một xã hội số hiện đại, hiệu quả.
Đó cũng là dự án mang lại cho các Doanh nghiệp công nghệ Việt nói chung và MK Group nói riêng, cơ hội để chứng tỏ bản lĩnh, năng lực làm chủ công nghệ của người Việt, cung cấp các sản phẩm giải pháp công nghệ cao Make in Vietnam.
Khi dự án thẻ CCCD đã hoàn thành, ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch MK Group nghĩ đến sự tập hợp các nguồn lực khác nhau từ “những mảnh ghép mới” để giải những bài toán khó mới.
Trong 2 năm nay, nhắc đến MK Group, người ta biết rằng đó là doanh nghiệp tham gia sản xuất 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho những người dân Việt Nam. Nhưng trước dự án đó, các ông đã làm những gì?
Nói đến MK Group (MK), người ta thường nghĩ đến sản xuất thẻ. Nhưng thực ra chúng tôi cũng là một công ty cung cấp dịch vụ, máy móc thiết bị và giải pháp về xác thực (authentication). Một ví dụ là các giải pháp xác thực cho Internet Banking mà khoảng 20 ngân hàng tại Việt Nam đang sử dụng. Doanh thu từ dịch vụ này có năm lên đến cả trăm tỷ đồng.
Trong nhiều năm, MK chiếm thị phần rất lớn trên thị trường thẻ ngân hàng theo tiêu chuẩn của NAPAS, khoảng 80-85%. Chúng tôi cũng cung cấp thẻ SIM card cho điện thoại di động, sắp tới làm cả eSIM. Dựa trên các nền tảng sản phẩm đó, MK cung cấp giải pháp bảo mật như mã hóa chữ ký số trên thiết bị.
Ngoài ra, MK làm các giải pháp an ninh mạng (cybersecurity) khi đăng nhập vào các thiết bị. Chúng ta vẫn quen với việc dùng mật khẩu (password) để đăng nhập nhưng cũng có nhiều rủi ro. Chiếc thẻ căn cước công dân gắn chip hiện nay có thể dùng như một chiếc chìa khóa để mở các ứng dụng, các thiết bị, thay cho mật khẩu và an toàn hơn rất nhiều.
Ví dụ, camera gia đình thường có một rủi ro là bị chính người thợ lắp đặt biết được mật khẩu, dẫn đến việc camera gia đình bị chiếm quyền, phát tán các hình ảnh riêng tư của chủ nhân. Với thẻ CCCD gắn chip, chúng tôi xây dựng một ứng dụng mà chỉ có CCCD của chính chủ mới có thể đăng nhập vào app theo dõi camera.
Hợp đồng làm thẻ ngân hàng đầu tiên của MK bắt đầu như thế nào?
Ngân hàng đầu tiên mà MK cung cấp thẻ là Vietcombank, sau đó là ACB. Thời kỳ đó, đây là 2 ngân hàng đầu tiên làm thẻ tín dụng. Số lượng ban đầu rất hạn chế.
Thực ra lúc bắt đầu chúng tôi chưa tự sản xuất mà làm phân phối, tức là mua thẻ ở chỗ khác, tích hợp phần mềm của MK rồi bán cho ngân hàng. Sau này phát triển hơn, đến cuối năm 2002, MK bắt đầu tự sản xuất.
Khi tự sản xuất, các vấn đề ông gặp phải là gì?
Vấn đề lớn nhất khi tự sản xuất là… chưa biết gì cả. Tôi đi rất nhiều nước, thăm các nhà máy để tìm hiểu cách làm và tìm những người có kinh nghiệm về làm cho MK.
Ví dụ, tôi thuê được một chuyên gia Hàn Quốc có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất. Ông ấy hướng dẫn mình nên mua loại máy nào, cách sử dụng, quy trình sản xuất của chiếc máy đó ra sao?
Tôi cũng gặp một chuyên gia người Anh là bậc thầy về ứng dụng thẻ, về bảo mật, về quản lý chất lượng… Hay một ông người Đức, là giám đốc của một công ty đã triển khai thẻ căn cước công dân, hộ chiếu điện tử.
Nói chung tôi luôn tìm được những người đồng hành đi cùng để làm được những việc mà mình mong muốn và “biến cái của tây thành cái của ta”. Nếu mua công nghệ của nước ngoài mà không làm chủ được công nghệ đó, không tự làm được máy móc thiết bị của mình thì suốt đời phụ thuộc và không cạnh tranh được.
Bây giờ, công nghệ sản xuất thẻ thông minh của MK so với các doanh nghiệp nước ngoài có gì khác biệt?
Có 2 thứ quan trọng nhất của một chiếc thẻ thông minh.
Thứ nhất là in bảo mật (security printing). Nhà sản xuất phải làm sao để in những đường vân trên con chip để nhận biết được thẻ thật, thẻ giả.
Thứ hai là trái tim của thẻ, tức con chip. Mỗi chiếc thẻ thông minh như một chiếc máy tính. Nhiệm vụ của nhà sản xuất là phải “nhúng” hệ điều hành, đưa các ứng dụng công nghệ vào trong trái tim đó. Nói nôm na, phần cứng của thẻ là một chiếc máy tính, khi cài hệ điều hành vào thì nó chạy được các ứng dụng và chúng ta sử dụng các ứng dụng đó.
Một doanh nghiệp sản xuất thẻ cần đảm bảo 2 vấn đề là physical security – những thứ liên quan đến in ấn và data security – những thứ liên quan đến mã hóa.
Về doanh nghiệp, có 2 kiểu doanh nghiệp. Một là sản xuất lắp ráp, tức là mua tất cả hệ điều hành đã được nhúng sẵn trong module chip và chỉ cần gắn vào thẻ để bán.
MK thuộc kiểu doanh nghiệp thứ 2, chúng tôi chỉ mua phần cứng. Toàn bộ phần mềm là chúng tôi làm chủ.
Ông từng nói rằng trên thế giới chỉ có khoảng 5 công ty làm được CCCD và hộ chiếu điện tử?
Đúng vậy, đó đều là những công ty rất lớn tại châu Âu với giá trị vốn hóa hàng tỷ USD. Cho nên khi nói một doanh nghiệp Việt Nam làm được thì người nước ngoài không tin.
Vừa rồi, đại sứ quán Pháp lên thăm nhà máy của MK. Đường metro số 3 do Pháp triển khai. Họ đã nghĩ rằng chỉ châu Âu mới sản xuất được thẻ giao thông thông minh dùng cho metro chứ Việt Nam thì không. Khi thấy các sản phẩm của MK, họ rất ngạc nhiên, nói rằng không thể tin được việc doanh nghiệp Việt làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất thẻ thông minh.
Quả thật, nếu mình chỉ nói mà không có bằng chứng thì không ai tin. Cho nên, tôi rất cảm ơn Bộ công an đã tin tưởng giao cho MK cơ hội rất lớn để chứng minh năng lực với dự án thẻ CCCD gắn chip. Sau dự án ấy, uy tín của DN Việt như MK tăng lên rất cao ở cả trong nước và nước ngoài.
Tôi mong muốn có thêm những bài toán khó như vậy để làm.
Nếu đã chứng tỏ được trình độ không thua gì DN nước ngoài, ông có thể tìm kiếm bài toán khó để giải từ xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay không?
Đó là một trong các lý do để MK hợp tác với CNC Tech. CNC Techlà một doanh nghiệp làm về cơ khí chế tạo, bất động sản khu công nghiệp. Khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, đến khu công nghiệp của CNC Tech để sản xuất kinh doanh, tôi hy vọng có thể ngồi cùng ông chủ các tập đoàn nước ngoài đó, trò chuyện về công nghệ và mở ra những cơ hội hợp tác.
MK có thể tập trung các nguồn lực khác nhau để làm sản phẩm cùng với đối tác nước ngoài, hoặc thậm chí ban đầu chỉ làm gia công, để có những bước hợp tác đầu tiên giúp MK chứng tỏ năng lực sản xuất với những doanh nghiệp nước ngoài, mở ra thị trường quốc tế rộng lớn.
Nó giống như lúc chúng tôi bắt đầu tự sản xuất thẻ, bước từng bước một, biến cái của “tây” thành cái của “ta” và giờ là biến cái của “ta” thành của “tây”.
Kết quả kinh doanh của MK năm qua ra sao?
Năm 2022, doanh thu của MK Group đạt khá cao, một phần đó là nhờ dự án CCCD.
Năm 2023 chúng tôi vẫn dự kiến doanh thu khoảng hơn 100 triệu USD kể cả khi không còn dự án CCCD nữa. Chúng tôi tìm kiếm sự tăng trưởng ở những thị trường khác. Đã làm được cho 80 triệu người dân Việt Nam, chúng tôi cũng có thể thành công ở những nước khác. Đồng thời đa dạng hóa các lĩnh vực khác để bù đắp vào.
Đầu năm 2023, MK đã xin được giấy phép mở nhà máy ở Ethiopia, trước đó, chúng tôi đã mua cổ phần nhà máy sản xuất thẻ tại Brasil và đang tiếp tục phát triển sang Indonesia, Myanmar… - những nước có quy mô dân số đông giống như Việt Nam và có rất ít đơn vị cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực xác thực bảo mật cho thẻ căn cước, hộ chiếu.
Ông nhìn thấy cơ hội nào để tự tin như vậy?
Tôi cho rằng năm 2023, lĩnh vực của MK sẽ phát triển một cách đột biến. Nhu cầu về thẻ thông minh, camera, an ninh, bảo mật cũng như các vấn đề cần giải quyết đều rất nhiều.
Ở Việt Nam có rất nhiều mảnh ghép chưa được ghép lại với nhau. Đó là cơ hội.
Mảnh ghép đó, ví dụ là gì?
Hiện nay, mỗi Bộ, ban, ngành lại có một cơ sở dữ liệu riêng. Theo Đề án 06 ( Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ), Chính phủ muốn tích hợp các nguồn dữ liệu đó lại để có thể làm bài toán dữ liệu lớn. Đó có thể là cơ hội để MK tiếp cận và ghép các mảnh ghép với nhau.
Chúng tôi đang đầu tư rất lớn vào công nghệ AI trong camera, sản xuất camera AI ở Việt Nam để có thể phục vụ trong ngành giao thông vận tải, hoặc camera cho ô tô phục vụ cho lĩnh vực bảo hiểm ô tô. Tôi hy vọng có thêm cơ hội trong lĩnh vực camera giao thông giống như CCCD điện tử.
Chúng tôi cũng đã hợp tác với GeneStory để làm bài toán trong y tế dự phòng. Nó giải quyết rất nhiều việc, ví dụ quản lý dữ liệu khám chữa bệnh của mỗi cá nhân, dự báo phản ứng về thuốc. Nếu giải mã được gene, chúng ta sẽ biết được loại thuốc nào có thể gây phản ứng với cơ thể để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Đó là một số mảnh ghép có chung nền tảng về dữ liệu và công nghệ mà chúng tôi đang ghép lại với nhau.
Với xu hướng dùng thẻ ảo, xác thực bảo mật sinh trắc học, liệu ngành công nghiệp thẻ có biến mất?
Thách thức của ngành thẻ lúc này là sự phổ biến của các mobile app hay QR code trong thanh toán và chia sẻ dữ liệu.
Nhưng theo tôi, ngành thẻ không biến mất. Có một điều rất đặc biệt là tuy thanh toán QR Code của Trung Quốc rất phát triển, nhưng lượng phát hành thẻ không giảm mà còn tăng. Lý do là người ta vẫn phải dùng một chiếc thẻ để xác thực cho tài khoản trên app (tokenize).
Thứ 2 là thói quen người dùng. Và thứ 3 là QR code chỉ mang tính địa phương, khi chúng ta đi ra nước ngoài thì vẫn phải dùng thẻ vì chưa có tiêu chuẩn quốc tế cho sử dụng QR code.
Thêm một vấn đề nữa, đó là an ninh bảo mật. Khi có vấn đề về thanh toán, nếu không có thẻ sẽ rất khó để truy vết giao dịch thanh toán này đặc biệt khi chuyển tiền xuyên biên giới.
Trên thế giới hiện nay vẫn đang có những tranh luận về chuyện vì sao phải dùng chiếc thẻ CCCD gắn chip khi mà các giải pháp xác thực bảo mật sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt, mắt… đã rất phổ biến? Thực ra nó còn nằm ở một vấn đề khác, đó là dữ liệu phân tán.
Khi sử dụng một chiếc thẻ ngân hàng thì việc xác thực sẽ diễn ra theo cách là thông tin phải chạy về server máy chủ của ngân hàng để kiểm tra, tức là dữ liệu của người dùng tập trung ở máy chủ ngân hàng. Trong khi đó, thẻ căn cước được xác thực tại chỗ, dữ liệu của người dùng thuộc về chính người dùng chứ không nằm trong tay một tổ chức khác. Do đó, một hacker có thể lấy cắp hàng triệu thông tin người dùng từ máy chủ của một tổ chức nào đó, nhưng muốn lấy cắp thông tin của 80 triệu thẻ CCCD là điều không thể.
Nhìn bài học từ Trung Quốc, để tạo nên các Big Tech, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ rất lớn. Còn tại Việt Nam, ông có thấy điều này?
Thực ra bây giờ, các doanh nghiệp Việt có năng lực và có đạo đức đã được được tạo điều kiện để bước đầu được tiếp cận và xử lý các dữ liệu khi tham gia dự án lớn của Chính phủ.
Chiếc thẻ CCCD là chìa khóa cho Chính phủ điện tử, vì nếu không định danh điện tử được người dân thì không thể xây dựng được Chính phủ điện tử.
Tôi thấy cơ hội lớn cho Việt Nam lúc này là có nhiều người Việt có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức lớn nước ngoài mong muốn trở về xây dựng quê hương, đồng thời lực lượng lao động trong nước, các công ty công nghệ ở Việt Nam cũng được đào tạo bài bản và trải nghiệm ngày càng nhiều.
Theo ông, một doanh nghiệp có đạo đức là doanh nghiệp như thế nào?
Đạo đức thể hiện ở nhiều khía cạnh trong đó có tính cam kết. Đã hứa là phải thực hiện chứ nếu chỉ vẽ ra những thứ ghê gớm mà chẳng làm được gì cả thì rõ là không có đạo đức rồi.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Bài: Nhuận Hoa - Ngô My
Ảnh: Việt Hùng
Thiết kế: Hương Xuân
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Sẵn sàng 2023
Xem tất cả >>- Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào?
- Thị trường nhà thuốc cạnh tranh gay gắt, Traphaco tăng cường đồng hành cùng các nhà thuốc truyền thống
- Tái cấu trúc Traphaco: Động lực tăng trưởng mới ngoài “con bò sữa” đông dược
- Traphaco nâng tầm các sản phẩm quốc dân Boganic, Hoạt huyết dưỡng não bằng phiên bản cao cấp
- Traphaco vượt thử thách trong quá trình chuyển giao công nghệ dược phẩm từ Daewoong