MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con chip nhỏ bé sẽ khiến thế giới đảo lộn và châm ngòi cho những mâu thuẫn địa chính trị như thế nào?

24-10-2019 - 09:19 AM | Tài chính quốc tế

Chiến tranh thương mại đã khiến chuỗi cung ứng vốn trơn tru của ngành sản xuất chip bị phân tách rõ rệt. Dù thuế quan có được dỡ bỏ hay không thì mọi thứ cũng không thể hàn gắn lại.

Khi nhà sản xuất chip ở California - Globalfoundaries, nộp đơn kiện bằng sáng chế của công ty đối thủ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) hồi tháng 8, nhiều người đã lo ngại rằng cuộc chiến về tương lai của silicon sẽ châm ngòi cho mâu thuẫn địa chính trị đầy biến động. Mối lo ngại ở đây là mức độ phủ sóng của TSMC đã tạo điều kiện cho việc một thành phần quan trọng của ngành điện tử thế giới nằm trong tay một công ty, ở một khu vực khác và nằm ngoài nước Mỹ.

Theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence, TSMC nắm giữ 74% thị phần trong thị trường sản xuất chip được thiết kế bởi các công ty khác. Globalfoundaries thì cho biết thị phần của TSMC đối với các sản phẩm hiện đại nhất là khoảng 90%.

Sam Azar, phó chủ tịch cấp cao về phát triển doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý tại Globalfoundaries, cho biết: "Có rất nhiều mối quan tâm đối với ngành sản xuất chip. Hơn nữa, ngành này còn trở nên quan trọng hơn đối với nhiều lĩnh vực khác từ hàng không vũ trụ, quốc phòng cho đến smartphone hay IoT. Nhiều sản phẩm chỉ đến từ một khu vực, đó là Trung Quốc đại lục và đó có thể là điều không hay đối với thế giới."

Một đại diện của TSMC phản bác quan điểm trên, cho rằng những lời phàn nàn này "là vô căn cứ và không có giá trị", rằng họ bị tụt lại phía sau vì "hoạt động yếu kém" và "không có khả năng phục vụ khách hàng với công nghệ phù hợp."

Cuộc chiến giữa Globalfoundaries và TSMC, chủ yếu là tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, cũng thể hiện cho những gì các nhà phân tích trong ngành gọi là "sự phân tách có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng của thế giới." Là hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn, biến động này lại đặc biệt rõ rệt ở ngành sản xuất chip. Thuế quan và những doanh nghiệp bị đưa vào "danh sách đen" đang định hình lại cả ngành công nghiệp, khi tất cả các công ty từ Google cho đến Huawei đều đang chạy đua, cân nhắc lại về những nhà cung ứng và các quốc gia họ tin tưởng để nhập khẩu linh kiện.

Ở thời điểm này, dù cho thương chiến tiếp tục diễn ra hay kết thúc, thì "công nghệ điện tử trên toàn cầu vẫn bị phân tách", Gus Richard - nhà phân tích về chất bán dẫn tại công ty nghiên cứu Northland Capital Markets, nhận định.

Trước khi ông Trump đắc cử, chuỗi cung ứng đã có mối liên kết chặt chẽ hơn. Dù các sản phẩm của Apple từ lâu đã được "đóng dấu" là thiết kế ở California và lắp ráp ở Trung Quốc, thì thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Bộ phận bên trong của các sản phẩm đó có nhiều mạch nhỏ, điều hành nhiều thứ như bộ nhớ và tốc độ xử lý, hiệu năng và khả năng kết nối mạng, có nguồn gốc từ vô số đối tác của Apple trên toàn cầu nhằm tối đa hoá hiệu quả kinh tế. Phần lớn các nhà cung ứng của Apple đều có trụ sở tại Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Dẫu vậy, những mối lo gần đây về mức thuế quan từ 10% đến 25% có thể sẽ khiến hệ sinh thái này bị đảo lộn. Chỉ vài ngày trước khi Globalfoundaries đệ đơn kiện, Tổng thống Trump đã chia sẻ trên Twitter: "Các công ty Mỹ đã được yêu cầu ngay lập tức phải tìm kiếm một địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc."

Theo ước tính của nhà phân tích Anand Srinivasan đến từ Bloomberg Intelligence, khoảng 1/3 hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sẽ bị di dời khỏi Trung Quốc, chuyển sang các nước lân cận như Việt Nam, Ấn Độ hoặc những quốc gia châu Á khác. Việc tái tạo ngành công nghiệp bán dẫn ở những địa điểm mới có thể mất đến vài năm và chi phí cho các thành phần cũng có khả năng tăng cao.

Để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra, một số công ty công nghệ lớn đã cân nhắc tự sản xuất một số thành phần. Tuy nhiên, Srinivasan cho hay: "Không phải thành phần nào bạn cũng có thể sản xuất ở 'quê nhà'. Toàn bộ nguồn cung ứng silicon được xây dựng dựa trên sự hợp tác và không một nhà cung ứng nào có thể đảm nhiệm được tất cả."

Một hệ quả nghiêm trọng hơn nữa, được gọi là "bức màn silicon" theo quy định hạn chế của từng quốc gia. "Bức màn silicon" có thể chia rẽ các nhà cung ứng chip ở phương Đông và phương Tây. Điều này có thể loại bỏ việc chuyển giao công nghệ, làm chậm tốc độ đổi mới trên toàn cầu và đẩy chi phí của người dùng cuối (end user) lên cao.

Hiện tại, Apple đang ráo riết tìm cách để được miễn thuế quan đối với một số bộ phận có nguồn gốc từ Trung Quốc. Wedbush Securities ước tính, nếu không có những nhà sản xuất này, Apple có thể sẽ chứng kiến cảnh doanh số iPhone ở đại lục giảm tới 8 triệu chiếc vào năm 2020 (dự kiến là 77 triệu chiếc ở nội địa) do giá tiêu dùng gia tăng.

Những hậu quả về lâu dài đã xảy ra đối với lĩnh vực phát triển mạng 5G. Khi Bắc Kinh và Washington đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các thiết bị 5G mới, thì lệnh cấm của chính quyền ông Trump đối với Huawei đang khiến nhiều công ty buộc phải tách rời mối liên kết hiện có mà không thể lấp đầy khoảng trống trong chuỗi cung ứng. Broadcom, Xilinx và Micron Technology chịu nhiều tổn thất nhất do việc nguồn cung từ Huawei bị cắt giảm. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang nỗ lực nhiều hơn để có thể thay thế những đối tác đến từ Mỹ.

Thành tựu đáng chú ý nhất từ trước tới nay là HiSilicon - một công ty sản xuất chip của Huawei. Công ty này đã trở thành một "giải pháp" thay thế cho Qualcomm trong việc sản xuất chip cho các loại smartphone cao cấp. 

Tuy nhiên, Jim McGregor, một nhà phân tích về ngành sản xuất chất bán dẫn tại Tirias Research, cho hay: "Cuộc chiến thương mại kéo dài càng lâu, thì sự phân tách sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Tôi không cho rằng chỉ một công ty duy nhất có thể khiến mọi thứ ổn thoả hơn, mà tất cả đều sẽ chịu tổn thất."

Azar thì cho biết ông không chắc chắn đến khi nào cuộc chiến thương mại hay vụ kiện chống lại TSMC mới lắng xuống. Ông chia sẻ, dù điều gì có xảy ra thì các công ty công nghệ và nhà sản xuất chip phải quay trở lại với chuỗi cung ứng không chỉ tập trung ở một khu vực. Azar nói: "Việc sở hữu một cơ sở sản xuất ở Mỹ và ở châu Âu là một lợi thế cạnh tranh của chúng tôi."

Hương Giang

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên