Sự thật bất ngờ bên trong thế giới của tầng lớp siêu giàu "mới nổi" tại quốc gia đông dân thứ nhì châu Á: Giàu cũng cần biết hưởng thụ
Tầng lớp giàu có mới đang có xu hướng trẻ hóa với thói quen đầu tư và chi tiêu đối lập với thế hệ cũ.
- 16-02-2024Tâm sự của cựu nhân viên phục vụ giới siêu giàu tại Dubai: Từng bị khách ném xấp tiền vào mặt, sợ đến bật khóc
- 14-02-2024Giải mã biểu tượng địa vị bí mật của giới siêu giàu, nơi chiếc rèm cửa sổ trở thành công cụ khoe sự "xa xỉ thầm lặng"
- 29-11-2023Đằng sau nghề bảo mẫu kiếm gần 50 triệu đồng/ngày cho giới siêu giàu
Đầu tháng 3 vừa qua, người dân Ấn Độ nói riêng và cả thế giới nói chung đã được chứng kiến đám cưới thế kỷ cực rình rang của chú rể Anant Ambani tại Jamnagar, một thị trấn công nghiệp nằm ở miền Tây nước này. Ambani là con trai của Mukesh Ambani, một trong số những người giàu nhất Ấn Độ và là ông chủ của Reliance, tập đoàn năng lượng lớn thứ 2 trên thế giới.
Bill Gates, Mark Zuckerberg và Rihanna cũng có mặt trong buổi tiệc cưới này cùng với hàng loạt ông trùm kinh doanh nổi tiếng trong nước, các huyền thoại bóng gậy và rất nhiều ngôi sao của điện ảnh Ấn Độ, Bollywood.
Để phục vụ đám cưới, cơ quan chính quyền đã tạm thời chuyển đổi sân bay nội địa ở địa phương thành sân bay quốc tế. Đối với hàng trăm triệu người dân Ấn Độ, giống như các buổi lễ xa hoa khác mà truyền hình, mạng xã hội và báo chí đưa tin, lễ cưới của Ambani thể hiện quyền lực và sự giàu có.
Theo Forbes, chỉ có 186 người giàu ở Ấn Độ lọt vào danh sách những người giàu có nhất thế giới.
Gia tộc Ambani và các tài phiệt khác là những cái tên quen thuộc ở Ấn Độ. Mặc dù họ không thuộc danh sách 186 người giàu nhất thế giới nhưng nhóm người của họ với số lượng lớn lại có ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng của thị trường.
Ở Ấn Độ, không có định nghĩa cố định nào về "người giàu", nhưng người ta ngầm hiểu với nhau rằng ngưỡng được chấp nhận rộng rãi để trở thành "cá nhân có giá trị tài sản lớn" là sở hữu tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên.
Tài sản này bao gồm cả giá trị của những ngôi nhà, vì thế, ngay cả một người làm việc với mức lương khiêm tốn nhưng được thừa kế một căn hộ lớn bên bờ biển ở Mumbai hoặc một bất động sản đắc địa trong thành phố thì cũng đã được coi là "người giàu".
Đương nhiên, thỏa thuận ngầm này không tính đến những người nắm giữ tiền bất hợp pháp.
Theo định nghĩa này, Ấn Độ có khoảng 850.000 triệu phú USD vào năm 2022, tăng thêm 473.000 triệu phú so với một thập kỷ trước đó, theo nghiên cứu của Credit Suisse, một ngân hàng Thụy Sĩ.
Từ năm 2012 đến năm 2022, số lượng triệu phú đô la tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 8,5%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 5,6%. Nền kinh tế nước này hiện đang hồi phục mạnh mẽ hơn nữa.
Do đó, các nhà quản lý tài sản kỳ vọng số lượng triệu phú đô la sẽ tăng 15-20% mỗi năm. Đây được coi là lớp những người giàu mới của Ấn Độ. Mặc dù không có báo cào nào mô tả nhân khẩu học của đoàn hệ này một cách chính thức, thế nhưng có thể rút ra những xu hướng về thói quen chi tiêu và đầu tư của tầng lớp này dựa trên dữ liệu từ những cơ quan quản lý tiền của họ.
Theo đó, một kết luận được đưa ra: Người giàu mới nổi ở Ấn Độ đối lập hoàn toàn với người giàu cũ.
Đầu tiên, sự phân bố các khoản đầu tư đã rộng hơn về mặt địa lý. Người giàu Ấn Độ không còn cần phải tìm kiếm lợi nhuận ở các thành phố hàng đầu như Mumbai, Delhi hay Bangalore.
Jaideep Hansraj, người điều hành bộ phận quản lý tài sản tại Kotak Mahindra, một ngân hàng lớn của Ấn Độ, với kinh nghiệm làm việc 15 năm và hiện đứng đầu bộ phận kinh doanh chứng khoán, cho biết sự gia tăng các nhà đầu tư từ các thành phố nhỏ là một hiện tượng.
Họ đến từ các thành phố hoặc thậm chí là thị trấn như Indore, Bhopal, Lucknow hay Kanpur… Nhóm này thuộc loại thành phố mà thế hệ giàu có trước đó sẽ thẳng thừng chê bai. "Vì thế, thực tế này đã hoàn toàn làm tôi bối rối", ông Hansraj nói.
Rakesh Singh của HDFC, ngân hàng lớn nhất Ấn Độ tính theo vốn hóa thị trường, cho biết thị trường đã xuất hiện các khoản đầu tư trị giá nửa triệu đô la đến từ những nơi như Jorhat ở Assam, nơi mà hầu hết người Ấn Độ sẽ phải vật lộn để xác định vị trí trên bản đồ.
Thúc đẩy sự đa dạng hóa của cải về mặt địa lý này là nhờ cơ sở hạ tầng vật chất được cải thiện của Ấn Độ.
Điều này đã làm giảm chi phí vận tải và đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa công nghiệp, trong đó bao gồm sự mở rộng lớn về kết nối hàng không, sự phổ biến của Internet tốc độ cao và các ưu đãi đầu tư từ chính quyền các bang muốn giành lấy chút ít trong "miếng bánh" kinh tế đang phát triển của Ấn Độ.
Theo kịp xu hướng này, các nhà quản lý tài sản cũng đang mở rộng hoạt động của mình để phục vụ khách hàng.
Thay đổi thứ hai đó là tuổi trung bình của những người có giá trị tài sản ròng cao. Trước kia, người giàu Ấn Độ từng có độ tuổi trung bình trên 50, tuy nhiên hiện nay các triệu phú ở độ tuổi 40 và 30 trở nên phổ biến.
Một số được hưởng lợi từ việc chính phủ thu hồi đất cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong khi nhiều người là doanh nhân thế hệ đầu tiên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu như bánh xốp, quần áo hoặc bánh bông lan, hoặc những hàng hóa bình thường nhưng thiết yếu cần thiết cho nền kinh tế đang phát triển, chẳng hạn như thép cây hoặc vòng bi.
Hoặc, một kiểu "phất" khác là có một lượng lớn những người có chuyên môn cao dù làm thuê cho người khác nhưng có quyền lựa chọn cổ phiếu công ty.
Sự thay đổi lớn thứ ba là cách tầng lớp người giàu mới sử dụng tài sản của họ, cả về đầu tư lẫn tiêu dùng.
Họ cảm thấy thoải mái hơn nhiều với thị trường mà trước đây thế hệ trước cảm thấy e dè. Nitin Chengappa, người đứng đầu bộ phận ngân hàng tư nhân tại Standard Chartered, một ngân hàng quốc tế, cho biết: "Ngày nay đa dạng hóa là chìa khóa. Chắc chắn là ở Ấn Độ, những người giàu vẫn mua rất nhiều vàng hay đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế. Nhưng mối quan tâm của họ đối với thị trường và sự thèm muốn rủi ro của họ cũng tăng lên".
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ né tránh việc tiêu dùng. Những kỳ nghỉ ở nước ngoài được coi là thú vui phổ biến của giới nhà giàu Ấn Độ, cũng như những đám cưới xa hoa và những chiếc xe sang trọng (Mercedes kỳ vọng Ấn Độ sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba bên ngoài Đức trong 3 năm tới, tăng từ vị trí thứ 5).
Các thương hiệu và khách sạn sang trọng của châu Âu ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố của Ấn Độ.
Năm ngoái Dior đã tổ chức một buổi trình diễn ở Mumbai và vào năm 2022, ngành đồng hồ Thụy Sĩ đã có một năm xuất khẩu kỷ lục sang Ấn Độ.
Tata, một tập đoàn lớn của Ấn Độ, đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa xa xỉ và khách sạn 5 sao, đặc biệt là từ các thành phố nhỏ hơn. Ông lớn này dự kiến sẽ mở 25 khách sạn trong năm nay, nhiều trong số đó là khách sạn cao cấp. Một sân bay quốc tế sắp khai trương ở Mumbai vào năm tới sẽ có 1/5 số chỗ đỗ dành riêng cho máy bay phản lực tư nhân.
Nguồn: Economist
Phụ nữ mới