MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật buồn: Rất ít doanh nghiệp dệt may của Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu riêng

Những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam “lúng túng” trong cách giải quyết. Do đó đòi hỏi doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức về cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và nắm rõ đặc điểm của từng thị trường.

Sự thật buồn: Rất ít doanh nghiệp dệt may của Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu riêng - Ảnh 1.

Ông Trịnh Minh Anh cho rằng cần trang bị kiến thức về cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và nắm rõ đặc điểm của từng thị trường. (Ảnh: Int)

Mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế

Có thể nói, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các ngành nghề từ dịch vụ đến sản xuất đều gặp khó khăn. Ngành dệt may không là ngoại lệ, khi các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu giảm sút, nhiều chuyên gia dự báo năm 2023 sẽ là một năm tiếp tục khó cho xuất nhập khẩu.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, nhờ có hội nhập mà hơn 20 năm trở lại đây, ngành dệt may phát triển như “vũ bão”. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký 20 Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2001 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,96 tỷ USD, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nâng lên 44,4 tỷ USD, chiếm 12% KNXK cả nước và đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc , Banglades.

Ngành dệt may đứng đầu cả nước về thu dụng lao động, chiếm khoảng 25% ngành chế biến chế tạo và khoảng 12,5% lao động công nghiệp cả nước, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người, tạo ra khoảng 300.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn chung của thế giới, nếu doanh nghiệp không nắm bắt được cơ hội sẽ là người “về sau”, trong đó ngành dệt may đang có những hạn chế nhất định.

Theo ông Trương Văn Cẩm, ngành dệt may thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp. Rất ít doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng. Bên cạnh đó là khan hiếm lao động trình độ và năng suất lao động thấp.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 2 liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế 3 cho biết, Việt Nam đã và đang thực thi15 FTA cùng nhiều Hiệp định về kinh tế, thương mại, đầu tư khác, nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung tương, hiện tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng dự kiến và đã nhìn thấy trước là việc suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy...vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU, là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau.

Nắm rõ đặc điểm từng thị trường

Những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp Việt Nam “lúng túng” trong cách giải quyết, cộng thêm hậu Covid-19 đã dẫn đến thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn. Đây không chỉ là nỗi trăn trở lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất mà còn là nỗi lo của những nhà lãnh đạo quản lý khi khó khăn thường trực, đang đe doạ đến tổng kim ngạch xuất khẩu, một lĩnh vực chủ lực của chúng ta trong thời gian tới.

Ông Trịnh Minh Anh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng mở rộng thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức về cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Đơn cử như hàng dệt may muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định CPTPP thì cần phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”. Còn quy tắc xuất xứ chủ đạo cho mặt hàng dệt may trong EVFTA là “từ vải trở đi”. Điều này có nghĩa một sản phẩm may mặc ở Việt Nam được coi là đạt xuất xứ theo EVFTA khi vải được dệt, hoàn thiện và cắt, may tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm rõ đặc điểm của từng thị trường (chính sách xuất nhập khẩu của từng nước, các quy định bắt buộc (hoặc được khuyến khích) đối với hàng nhập khẩu như quy định về kiểm dịch động thực vật, các tiêu chuẩn kỹ thuật và xu hướng tiêu dùng của thị trường...

Ví dụ để xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và tận dụng tốt các ưu đãi theo Hiệp định AJCEP và VJEPA, doanh nghiệp cần lưu ý hàng hóa xuất khẩu bắt buộc phải có giấy chứng nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng của thị trường Nhật. Các lô hàng vi phạm quy định về chất lượng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại, đồng thời hải quan Nhật Bản sẽ tăng cường tần suất và mức độ kiểm tra hàng hóa trong những lần sau, có thể gây ra nhiều phiền phức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Theo khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn thiếu hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các thị trường mới, bên cạnh các thị trường truyền thống.

TS. Mạc Quốc Anh, Bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cần hình thành, xây dựng bộ phận marketing có cán bộ trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm điều tra và dự báo thị trường, trên cơ sở đó giúp chủ doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường các doanh nghiệp cần phải tăng cường liên doanh, liên kết. Theo đó cần xác định đúng điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, xác định đúng các hình thức, phương thức liên doanh, liên kết để phát huy tốt hiệu quả từ liên doanh, liên kết.

Theo Phạm Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên