Sự thật việc “xin giấy phép xuất khẩu gạo giá 20.000 USD”
Làm việc với đoàn thanh tra của Bộ Công Thương, Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC, người đưa thông tin để xin giấy phép xuất khẩu gạo phải chi 20.000 USD, cho biết số tiền nói trên là do đơn vị tư vấn chào mời.
- 28-02-2017Xuất khẩu gạo giảm 40,6% về giá trị
- 25-02-2017Bộ Công Thương: "Không chấp nhận chuyện mua bán chỉ tiêu xuất khẩu gạo"
- 23-02-2017Đề xuất bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Theo thông tin của Tiền Phong, sau khi có thông tin tố phải chi 20.000 USD để mua giấy phép xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty TNHH ADC về nhiều nội dung liên quan đến giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tại buổi làm việc với Chánh thanh tra Bộ Công Thương, ông Ngô Văn Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC xác nhận có phát biểu tại cuộc tọa đàm chiều 22/2 với mục đích góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, báo chí đã phản ánh không chính xác ý kiến phát biểu của ông (?! ) Ông Nam cũng xác nhận ông và Công ty TNHH ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương. Công ty của ông cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị, cá nhân nào tại Bộ Công Thương.
“Ông Nam và công ty chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Ông Nam rất lấy làm tiếc vì việc phát ngôn tại tọa đàm đã gây ra sự hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến Bộ Công Thương”, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay.
Tại cuộc làm việc, ông Nam cũng cho biết đã và đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng và cho biết sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương, đơn vị đã tiến hành rà soát và đã có báo cáo về các thông tin báo chí đăng. “Cục Xuất nhập khẩu khẳng định không nhận được bất kỳ hồ sơ nào từ công ty ADC và cũng chưa khi nào tiếp xúc hay liên hệ với bất kỳ đại diện của công ty này”, Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, tất cả các tiêu chí để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo theo quy định của Nghị định 109 đều là các tiêu chí có thể định lượng được và Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép. Bộ Công Thương cũng không phải là cơ quan kiểm tra các điều kiện của doanh nghiệp mà chính quyền các tỉnh mới là cơ quan thực hiện việc này. Nếu chính quyền tỉnh đã xác nhận đủ điều kiện, Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép.
Lời “tố” phải chi 20.000 USD để mua giấy phép xuất khẩu gạo được đưa ra tại buổi tọa đàm góp ý sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP tổ chức tại TPHCM. Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho rằng, sau 6 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi để cởi trói cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung.
Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC cho biết, ADC hoạt động trong ngành gạo, nhiều năm nay. ADC có vùng nguyên liệu 35.000 ha, liên kết với 16.000 nông dân, có hệ thống xay xát, sơ chế quy mô lớn... Với quy mô như trên, ADC đã đạt được các tiêu chuẩn khắc khe theo quy định tại Nghị định 109/2010 về sản lượng và kho bãi. Thế nhưng, ADC vẫn không xin giấy phép xuất khẩu mà chọn xuất khẩu ủy thác qua một công ty nhỏ khác để "né" các giấy phép con....
Nghe ông Nam nói vậy, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - người chủ trì buổi toạ đàm hỏi là tốn bao nhiêu thì ông Nam cho biết tốn không dưới 20.000 USD. Ngoài ra, ông Nam còn cho biết, khi giấy phép hết hạn, xin gia hạn là lại tốn tiền. Sau mỗi lần xuất khẩu, doanh nghiệp phải khai báo số lượng, rồi hàng tồn kho... Điều này làm ADC tốn thêm nhiều nguồn lực, phải tuyển thêm người để lo các loại báo cáo.
Ngay sau khi nhận được thông tin doanh nghiệp phải chi tiền để mua giấy phép xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra, rà soát, xác minh thông tin làm giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD.
Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và Xuất khẩu gạo, những quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp.
Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT như quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo đã được chính thức bãi bỏ.
Theo Bộ Công Thương, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, đảm bảo tính minh bạch của thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.
Tiền phong