Sự thức tỉnh tài chính của vợ chồng sau kết hôn: Không còn chi tiêu bừa bãi, nỗ lực đa dạng thu nhập và nhất định có quỹ tiết kiệm
Nhiều vợ chồng đã thay đổi cách quản lý tài chính sau khi kết hôn.
- 08-08-2024Tôi chỉ là một người bình thường nên muốn đạt được tự do tài chính thì chỉ có một con đường duy nhất!
- 31-07-2024Gần 30 tuổi nghỉ công việc ổn định để tìm kiếm sự tự do, sống "ăn bám" tài chính bố mẹ nhưng chưa một lần tôi cảm thấy xấu hổ
- 08-06-2024Chồng bảo bị giảm lương nhưng nhìn con số trong tài khoản vợ mới sốc: Có nên công khai minh bạch tài chính?
Vợ chồng mới cưới tiền ai nấy tiên, không ngó ngàng gì đến tiết kiệm
Sau khi kết hôn, do đã quen với cuộc sống tự do - tự lo - thoải mái về tiền nong khi còn độc thân nên nhiều cặp đôi không quan tâm đến quản lý tài chính. Điều này khiến họ buông lỏng trong việc kiểm soát chi tiêu, cũng như không lên kế hoạch trước cho sự nghiệp, cuộc sống về lâu dài.
Gia đình Nguyễn Linh (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ một năm đầu sau kết hôn, vợ chồng cô không có quỹ chung cho đầu tư và tiết kiệm, mà chỉ cùng nhau góp vốn vào chi phí sinh hoạt hàng ngày. Còn dư bao nhiêu tiền lương thì vợ chồng tự giữ và tự tiêu thu nhập của mình.
Nguyễn Linh chia sẻ: "Vợ chồng mình mạnh ai nấy tiêu, không cãi nhau vì tiền nhưng cũng không mấy hài lòng với cách tiêu tiền của đối phương. Thỉnh thoảng chúng mình có ngồi xuống cùng bàn bạc về chuyện tiết kiệm nhưng rồi đâu lại hoàn đó, tình hình tài chính không được cải thiện".
Cô cho rằng, nguyên nhân khiến cả hai không có tiếng nói chung trong quản lý tài chính bởi kết hôn ở thời điểm còn trẻ, hai vợ chồng đều ham chơi nên chưa có ý thức cùng nhau xây dựng tương lai. Mọi thứ chỉ thay đổi khi cặp đôi dự định có con và chuẩn bị cho kinh doanh riêng.
"Mới kết hôn, tiền kiếm được thì chủ yếu dành để vui chơi, đầu tư vào cuộc sống. Do tụi mình có ý định ở nhà chồng lâu dài, nên càng không có áp lực tích lũy tiền bạc để cất đất dựng nhà. Nhưng kể từ sau khi nghiêm túc cùng nhau nghĩ về dự định tương lai, chúng mình muốn thay đổi và dùng tiền hiệu quả hơn", Nguyễn Linh nói thêm.
Một trường hợp khác, Huyền Bùi (31 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ thời gian đầu kết hôn, vợ chồng cô ở cùng với bố mẹ chồng. Do vậy, gia đình cô không mất tiền thuê nhà. Cô cùng chồng lúc ấy vẫn như thời chưa kết hôn, tức là độc lập về mặt tài chính, tiền bạc không quy về 1 mối. Tiền của ai người đó tiêu và gần như không quan tâm đến việc tiết kiệm, dẫn đến chi tiêu quá đà trong khoảng 6 tháng đầu.
Tuy nhiên, đến khi Huyền Bùi có bầu, cả hai phải học cách quản lý tài chính vì giờ đã có nhiều khoản chi phí phát sinh. Cô nàng cho hay: "Mình bắt đầu nói chuyện với chồng về việc phải có kế hoạch chi tiêu, và tiền bạc trong gia đình nên quy về 1 mối để tiện quản lý. Và mình nhận là người giữ tiền. Từ đó chia tiền ra các quỹ khác nhau và lên kế hoạch để mua nhà. Tụi mình bắt đầu tiết kiệm và chi tiêu hợp lý hơn để dồn tiền cho những mục tiêu lớn, cho con cái điều kiện tốt nhất".
Đa dạng thu nhập, chi tiêu kỷ luật
Hiện, gia đình Huyền Bùi đã chuyển ra ngoài và mua nhà. Mặc dù chưa có đủ tiền để mua đứt căn hộ đầu tiên song vợ chồng cô vẫn quyết định mua để có một mái nhà, xây dựng tổ ấm cho riêng mình.
Huyền Bùi và chồng đã mua nhà bằng tiền tiết kiệm, còn lại vay mượn bạn bè và ngân hàng. Cô nàng cho hay: "Vì mình xác định khi đã ra ở riêng, cả 2 vợ chồng sẽ độc lập, phấn đấu hơn. Thay vì đi thuê nhà, mua nhà đưa lại cảm giác 'an cư' - vì nhà bây giờ đã là tài sản của vợ chồng mình. Từ đó tạo nên động lực tập trung kiếm tiền khi đã ổn định cuộc sống, và có cả áp lực trả nợ để vợ chồng mình cố gắng hơn".
Châm ngôn quản lý tài chính gia đình của Huyền Bùi là nếu phải lựa chọn giữa "cố gắng chi tiêu tiết kiệm" và "nỗ lực kiếm nhiều tiền", cô sẽ chọn vế trước. Bởi vì nếu không cố gắng tích luỹ thì kiếm nhiều tiền đến đâu cũng có thể tiêu hết thậm chí là mắc nợ.
Hiện nay, ngoài nguồn thu nhập chính là lương cứng, Huyền Bùi và chồng đang phát triển một số công việc tay trái. Tuy các nguồn thu nhập này không ổn định nhưng cũng góp phần gia tăng thu nhập đáng kể.
"Như chồng mình là kiến trúc sư, anh sẽ nhận làm thêm thiết kế và thi công nội thất. Mình làm về Marketing, gần đây mình tập tành sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, kinh doanh và livestream bán hàng. Vợ chồng mình đều cố gắng tận dụng nền tảng chuyên môn và các mối quan hệ sẵn có để không bỏ qua bất kể cơ hội kiếm tiền nào". ,
Còn về phía vợ chồng Nguyễn Linh, cô cho hay giờ hàng tháng họ đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập. Thay vì duy trì "tiền ai nấy tiêu" như trước thì giờ lương tháng đều được quy về một mối. Các quyết định tài chính đều được sự đồng ý của hai vợ chồng rồi mới làm, từ những khoản chi nhỏ như mua đôi giày 1-2 triệu cho đến đi du lịch, sắm xe cộ.
"Giờ tụi mình sống giản dị hơn và không mua sắm quá nhiều. Hiện mình là người nắm tài chính. Mình cố gắng không chỉ gói ghém chi tiêu tốt, mà còn phải để dành được tiền.
Từ hồi 'thức tỉnh' đến giờ mình cũng chẳng mấy khi mua sắm quần áo, túi hiệu hay mua đồ bừa bãi nữa. Hay chồng mình cũng không còn những buổi nhậu nhẹt vô bổ, tiêu tiền vào các bộ sưu tập xa xỉ. Thỉnh thoảng 2 vợ chồng cũng đi du lịch, đi để trải nghiệm và thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Quan trọng nhất là, lúc nào cần dùng tiền cũng có cái để chi, giảm đi đáng kể những cuộc cãi vã về tiền nong", cô nàng bày tỏ.
Nhịp sống thị trường