MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mạnh kỳ diệu của thiền chánh niệm, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma dành hẳn 5 tiếng/ngày để thực hành: Giảm stress, khai mở tâm trí, chống chọi bệnh tật!

19-09-2019 - 11:20 AM | Sống

Khi muốn tìm lại bình yên cho tâm hồn, cả thiền sư Dalai Lama, "nữ hoàng truyền thông" Oprah Winfrey, siêu sao bóng rổ Kobe Bryant hay tỷ phú Ray Dalio đều tìm đến một phương pháp: thiền chánh niệm.

Thiền chánh niệm là một khái niệm có nguồn gốc phương Đông. Nó có nghĩa là không để cho cảm xúc lấn át lý trí. Không chỉ là một phương pháp thiền định, chánh niệm còn là tư duy.

Jon Kabat-Zinn - giáo sư dược học, người thành lập Trung tâm Chánh niệm tại ĐH Y khoa Massachusetts - định nghĩa chánh niệm là sự tập trung có chủ ý trong hiện tại, không bị đánh giá.

Hầu hết mọi người đều tham gia các lớp tập thiền, nhưng một bài tập chánh niệm đơn giản chỉ tốn 10 phút mỗi ngày của bạn. Hãy loại bỏ những điều khiến bạn xao lãng như điện thoại, để tâm trí được yên lặng và bắt đầu tập trung vào nhịp thở của mình. Nếu cảm thấy tâm trí mình đang vẩn vơ ở nơi khác, hãy quay lại tập trung vào nhịp thở. Càng luyện tập nhiều, bạn sẽ thấy việc này càng dễ.

Thiền chánh niệm không chỉ là một thói quen thoáng qua. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nó thực sự có tác dụng tốt với sức khỏe.

Sức mạnh kỳ diệu của thiền chánh niệm, khiến Dalai Lama dành hẳn 5 tiếng/ngày để thực hành: Giảm stress, khai mở tâm trí, chống chọi bệnh tật! - Ảnh 1.

Con người đang trở nên dễ bị xao nhãng

Công nghệ đang làm chúng ta bị phân tâm mỗi ngày. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để nghĩ về những thứ không xảy ra xung quanh mình.

Năm 2010, các nhà khoa học đã gửi một loạt câu hỏi vào các thời điểm ngẫu nhiên đến người dùng iPhone. Chúng bao gồm: "Bạn đang cảm thấy như thế nào lúc này?", "Bạn đang làm gì lúc này?" và "Bạn có nghĩ về thứ gì khác ngoài việc bạn đang làm không?

Trong số 2.250 người trả lời, có tới 46,9% cho biết họ đang không chú ý tới việc mình đang làm. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện rằng những người hay suy nghĩ vẩn vơ thường không hạnh phúc bằng những người biết tập trung cao độ.

Chính vì lẽ đó, mọi người bắt đầu đổ xô đi học thiền chánh niệm.

Thói quen thiền của Dalai Lama

Để duy trì trạng thái chánh niệm, Dalai Lama thường ngủ rất nhiều: khoảng 9 tiếng/đêm. Ông thức dậy từ 3h sáng để tập thiền. Ngoài ra, ông còn tập thiền thêm 2 lần nữa, vào buổi chiều và trước khi đi ngủ.

Sức mạnh kỳ diệu của thiền chánh niệm, khiến Dalai Lama dành hẳn 5 tiếng/ngày để thực hành: Giảm stress, khai mở tâm trí, chống chọi bệnh tật! - Ảnh 2.

Dalai Lama

Như vậy, tổng cộng Dalai Lama thiền 5 tiếng/ngày.

"Thiền không chỉ có mỗi tụng kinh hay gì đó", Dalai Lama nói với phóng viên trang CNN. Ông ủng hộ "thiền định phân tích: suy nghĩ, phân tích và phân tích". Vị thiền sư nhận xét "đây là một cách rất hiệu quả để duy trì đầu óc nhạy bén", và khoa học cũng đồng tình với ý kiến này.

Thiền chánh niệm giúp thay đổi não bộ

Một vài nghiên cứu cho thấy có sự thay đổi trong não bộ của những vị sư dành cả ngàn tiếng để thiền.

Trong quá trình chụp cộng hưởng từ, họ giữ bình tĩnh, loại bỏ dần những điều gây xao nhãng và chú ý vào khoảnh khắc hiện tại. Các nhà khoa học đã phát hiện, thiền giúp kích hoạt khu vực não điều khiển sức khỏe và hệ miễn dịch của các vị thiền sư này. Họ cũng dễ dàng đi sâu hơn vào tiềm thức.

Theo các nhà khoa học, đối với những người mới thiền, khu vực não điều tiết cảm xúc của họ cũng có những thay đổi tích cực chỉ sau 8 tuần tập.

Sức mạnh kỳ diệu của thiền chánh niệm, khiến Dalai Lama dành hẳn 5 tiếng/ngày để thực hành: Giảm stress, khai mở tâm trí, chống chọi bệnh tật! - Ảnh 3.

Thiền chánh niệm giúp giải tỏa stress

Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng cũng cho thấy thiền chánh niệm giúp con người đối mặt với những tác động tiêu cực từ stress.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về hiệu quả của thiền chánh niệm đối với các sĩ quan hải quân trong quá trình luyện tập cơ bản. Họ được chia thành 2 nhóm: nhóm tập thiền chánh niệm trong 8 tuần, và nhóm không tập thiền.

Sau đó, các tình nguyện viên này sẽ trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt kéo dài cả ngày. Trong quá trình tập, tất cả mọi người đều tăng huyết áp và thở dồn dập. Tuy nhiên, khi buổi huấn luyện kết thúc, nhịp tim và nhịp thở của các chiến sĩ tập thiền sẽ trở về bình thường nhanh hơn.

Người sáng lập Trung tâm Trí tuệ Khỏe mạnh thuộc ĐH Wisconsin-Madison - Richard J. Davidson - đã dành nhiều năm nghiên cứu về thiền chánh niệm. Ông bắt đầu công việc này sau khi bị Dalai Lama thách sử dụng khoa học thần kinh để tìm hiểu về lòng tốt và lòng trắc ẩn vào những năm 1990.

Về vấn đề stress, nghiên cứu của Davidson đã cho thấy thiền chánh niệm có ảnh hưởng nhất định lên thể chất và cảm xúc của con người.

"Mọi người sẽ cảm thấy bình tĩnh và bớt lo lắng hơn. Số lượng hormone gây stress cũng có giảm xuống một chút", ông kết luận.

Sức mạnh kỳ diệu của thiền chánh niệm, khiến Dalai Lama dành hẳn 5 tiếng/ngày để thực hành: Giảm stress, khai mở tâm trí, chống chọi bệnh tật! - Ảnh 4.

Thiền chánh niệm giúp tập trung hơn

Nhiều bằng chứng đã cho thấy thiền chánh niệm có thể cải thiện khả năng tập trung.

Những sinh viên tập thiền chánh niệm thường có điểm số trung bình cao hơn, chăm chỉ đi học hơn, cũng như có kỷ luật tốt hơn. Nhân viên nào tập thiền chánh niệm sẽ làm việc hiệu quả và ổn định hơn. Ngoài ra, họ cũng kiềm chế giỏi hơn, học hỏi nhanh hơn và đọc vị đồng nghiệp giỏi hơn.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy, những người tập thiền sẽ giỏi hơn trong việc đọc biểu cảm khuôn mặt. Nhờ vậy, họ rất nhạy bén về mặt cảm xúc, trở thành những con người dễ đồng cảm.

Thiền chánh niệm có thể giúp đương đầu với trầm cảm và nghiện

Những người gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm cũng có thể hưởng lợi từ thiền chánh niệm.

Học cách sống từng khoảnh khắc không thể chữa khỏi trầm cảm, nhưng có thể làm dịu bớt các triệu chứng liên quan. Nó có thể làm giảm cảm giác lo âu, vô vọng và căng thẳng do lo lắng về tương lai hoặc nghĩ ngợi về quá khứ quá nhiều.

Thiền chánh niệm cũng giúp bạn bỏ các thói xấu. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, thiền chánh niệm giúp bạn tránh bị cảm xúc gặm nhấm. Nó còn giúp bạn cai bia rượu hoặc bỏ thuốc lá.

Tuy thiền chánh niệm không thể chữa ung thư hay bệnh mãn tính, nhưng có thể giúp bạn đối phó với triệu chứng của các căn bệnh trên nếu bạn luyện tập thường xuyên. Chẳng hạn, nếu bạn bị đau lưng dưới kinh niên, thiền chánh niệm có tác dụng giảm đau rất hiệu quả.

Ngọc Hà

CNN

Trở lên trên