Sức mạnh thương hiệu: Vũ khí mới của các ngân hàng
Với việc chuyển hướng sang mảng bán lẻ và sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các công ty công nghệ tài chính, các ngân hàng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới phát triển thương hiệu nhằm vừa giữ chân khách hàng cũ và vừa thu hút khách hàng mới.
Giá trị thương hiệu – một dạng tài sản vô hình ít khi được các tổ chức tài chính quan tâm trước đây đang phát triển rất nhanh. Trong bảng xếp hạng top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu vừa được Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố hồi đầu tháng Hai, Việt Nam có 4 đại diện. Đó là 4 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, BIDV và VPBank. Tất cả các ngân hàng có tên trong danh sách năm nay đều có giá trị thương hiệu tăng mạnh so với năm trước đó. Riêng Vietinbank và BIDV còn được nằm trong tốp 10 ngân hàng có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu và tăng trưởng sức mạnh thương hiệu lớn nhất.
Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có 1 ngân hàng TMCP tư nhân có tên trong danh sách top 500 của Brand Finance. Giá trị thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 354 triệu đô la Mỹ, đứng thức 361. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ năm 2016, giá trị thương hiệu của VPBank được chính Brand Finance định giá đã tăng 6,3 lần, từ mức 56 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được chấm 58,76 điểm, trong thang điểm từ 0 – 100.
Trước đó, trong bảng xếp hạng 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được Forbes công bố hồi giữa năm ngoái, VPBank đứng thứ 13 và là ngân hàng TMCP tư nhân có giá trị thương hiệu cao nhất.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty CP Mibrand Việt Nam cho biết, đứng trước thị trường ngày một biến động và có nhiều diễn biến mới đan xen, việc giữ vững vị thế và khẳng định tên tuổi thương hiệu sẽ ngày càng quan trọng. Chính vì vậy, nỗ lực xây dựng thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng.
Báo cáo của Brand Finance cũng nhấn mạnh thương hiệu mạnh sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách hàng, xây dựng lòng trung thành của khách và tạo động lực làm việc tốt hơn cho nhân viên của các ngân hàng. Nhưng trên hết, thương hiệu tốt sẽ giúp tạo lợi nhuận tốt hơn.
Theo đại diện của VPBank, giá trị thương hiệu của ngân hàng tăng lên đến từ việc tập trung xây dựng hình ảnh một ngân hàng năng động, gần gũi với khách hàng. Ngân hàng chọn các kênh tiếp thị kỹ thuật số như một kênh chủ lực quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Song song với các sản phẩm của ngân hàng bán lẻ truyền thống hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân, VPBank là ngân hàng đầu tiên đưa sản phẩm ngân hàng số Timo vào hoạt động, đón đầu xu hướng thay đổi thói quen người dùng với sự lên ngôi của các thiết bị cầm tay. Bên cạnh đó, VPBank cũng đang sở hữu 100% cổ phần của FE Credit, công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. FE Credit hiện chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng mua trả góp xe máy, điện thoại, vay không thế chấp… tại Việt Nam.
Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đức Sơn của Richard Moore nhận định, một doanh nghiệp khi phát triển thương hiệu thì kết quả cuối cùng trong dài hạn vẫn phải là doanh số, là lợi nhuận. Mỗi công cụ thương hiệu, quảng cáo đều có mục tiêu riêng. Mục tiêu đó có thể thiết lập trong ngắn hạn hay dài hạn, nhưng đến cuối cùng thì doanh nghiệp vẫn phải biết là việc xây dựng thương hiệu tác động đến công việc kinh doanh của họ như thế nào.
Việc ngân hàng phát triển thương hiệu cũng là một hình thức cạnh tranh để mở rộng tập khách hàng mới, đồng thời không quên chăm sóc, gắn kết, khai thác thêm những khách hàng sẵn có. Mỗi lần khách hàng đến quầy giao dịch hay đăng nhập vào nền tảng giao dịch trực tuyến của ngân hàng là một lần trải nghiệm, đánh giá, nhìn nhận lại thương hiệu của ngân hàng.
Với các ngân hàng Việt Nam, giá trị thương hiệu tăng tỉ lệ thuận khá rõ ràng với lợi nhuận kinh doanh. Chẳng hạn như Vietcombank, ngân hàng này công bố lợi nhuận năm 2018 đạt trên 18.000 tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống ngân hàng. BIDV cũng công bố lợi nhuận năm qua đạt trên 9.600 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngân hàng.
Ở nhóm NHTM cổ phần tư nhân, VPBank cũng cho thấy đà vươn lên mạnh mẽ. Kết thúc năm 2018, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt xấp xỉ 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với một năm 2018 và tăng 1,8 lần so với mức lợi nhuận năm 2016.
Liên tiếp trong 3 năm kể từ 2016, VPBank là ngân hàng có mức lợi nhuận cao thứ 4 trong toàn hệ thống và là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất, lần lượt là 2,4% và 22,8%.
Đặc biệt, sức mạnh thương hiệu của VPBank cũng được thể hiện mạnh mẽ ở những phân khúc chiến lược mà ngân hàng đang dẫn đầu thị trường. Đó là phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng tiểu thương. Đơn cử như ở phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, VPBank đã được cả Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và tạp chí uy tín The Asian Banker bình chọn là ngân hàng tốt nhất Việt Nam dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với hơn 80.000 khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, VPBank hiện đã phục vụ khoảng 10% số lượng các doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong khi đó, chiến lược số hóa các dịch vụ của ngân hàng cũng đã góp phần nâng cao thương hiệu của VPBank lên một nấc thang mới, thu hút thêm ngày càng nhiều khách hàng tới ngân hàng. Với sự ra đời và cải thiện của các ứng dụng ngân hàng số, nền tảng cho vay trực tuyến như VPBank Online, VPBank Dream và YOLO, liên tiếp trong các năm qua, VPBank được các tổ chức trong nước và quốc tế bình chọn là ngân hàng số tiêu biểu tại thị trường Việt Nam.