MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tắc thị trường vì virus corona, Bộ trưởng Nông nghiệp 'ngồi trên lửa'

“Chợ cháy rồi không phải ngồi đó mà khóc, phải xây chợ mới. Chợ này không bán được thì bán chợ khác…”, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói về các giải pháp đầu ra cho nông sản, khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang gặp khó khăn khi dịch bệnh do virus corona lây lan.

Chiều 3/2, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân cường đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành, các địa phương biên giới, hiệp hội ngành hàng…tìm giải pháp thị trường liên quan đến tác động của dịch bệnh do virus corona gây ra tại thị trường Trung Quốc với hàng nông lâm thủy sản.

Theo ông Cường, từ 8/12 đến nay, sau gần 2 tháng, từ khi phát hiện dịch bệnh do virus corona gây ra từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), đã có 362 người chết do dịch bệnh nguy hiểm này và bắt đầu xuất hiện người chết ngoài Trung Quốc.

Đến nay bệnh đang lan nhanh và đến nay chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị. Đặc biệt, thời tiết năm nay mưa, rét…thuận lợi cho phát sinh dịch bệnh.

“Một tương lai ảm đảm cho kinh tế toàn cầu và tính mạng con người. Riêng Việt Nam 8 người dương tính”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết, hiện tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) xuất hiện virus cúm gia cầm H5N1, loại virus biến chủng lây chéo sang người nguy cơ rất cao.

Chưa kể, riêng mảng dịch vụ, du lịch của Trung Quốc dự báo đến nay đã thiệt hại 150 tỷ USD đến nay và chưa biết khi nào dừng lại.

Với tình hình dịch bệnh corona như hiện nay, Bộ trưởng Cường cho biết, nông nghiệp Việt Nam tổn thương lớn nhất. Bởi, Trung Quốc hiện là thị trường nông sản lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong đó có những nhóm nông sản như rau quả (80% xuất sang thị trường Trung Quốc), đặc biệt như thanh long…

Ngoài ra, một số mặt hàng Việt Nam đang giai đoạn thương thảo để xuất chính ngạch sang Trung Quốc năm 2020 cũng có khả năng sẽ chậm lại và chưa biết khi nào sẽ mở được, như: Sầu riêng, thạch đen, tổ yến…

Theo ông Cường, cần phân tích kỹ tình hình và đưa ra kịch bản và giải pháp cụ thể, trong đó phải Nhà nước, doanh nghiệp, bà con nông dân phải làm gì.

“Tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhưng phải hết sức bình tĩnh và biến thách thức thành thời cơ”, Bộ trưởng Cường nói và cho rằng: “Chợ cháy rồi rồi, không ngồi đó mà khóc,  phải xây chợ mới. Chợ này không bán được thì bán chợ khác, có cái chưa bán được để lại có khi giá lại cao hơn”.

“Nếu không có corona xảy ra, sẽ có nguy cơ khác sẽ xảy ra trong một thế giới phẳng”, ông Cường nói.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2018.

Các sản phẩm xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018 bao gồm: Rau quả đạt 2,42 tỷ USD giảm 13,6%, sắn và sản phẩm sắn đạt 864 triệu USD giảm 2,4% so cùng kỳ 2018.

Xuất khẩu gạo đạt 240 triệu USD giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2018, cà phê đạt 101 triệu USD giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2018…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh do virus corora, Trung Quốc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người, sẽ tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

Tác động lớn nhất là mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết.

Tắc thị trường vì virus corona, Bộ trưởng Nông nghiệp ngồi trên lửa - Ảnh 1.
Bộ NN&PTNT cho biết, đến chiều 2/2, vẫn còn 175 xe nông sản đang bị tắc ở các cửa khẩu ở Lạng Sơn

Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn…

Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, cũng như do lịch nghỉ Tết kéo dài của Trung Quốc. Đến tối 2/2, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn.

Sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.

Ông Nam cũng cho biết, đối với xuất khẩu thủy sản, nhìn chung xu hướng xuất đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên trong Quý I/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng.

Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

#ICT_anti_nCoV


Theo Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên