MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài chính cho TP Thủ Đức: "Chờ" điều tiết ngân sách?

Để xây dựng TP. Thủ Đức thành một trung tâm kinh tế, tài chính như kỳ vọng của lãnh đạo TP. HCM, đòi hỏi thành phố cần một nguồn lực tài chính lớn. Vậy Thành phố sẽ lấy kinh phí ở đâu để thực hiện?

Vấn đề thách thức đối vời TP. HCM hiện nay là giá trị đầu tư cho các đô thị mới như TP. Thủ Đức là rất lớn. Vì vậy, giới chuyên gia tài chính lo ngại chỉ với 18% thu ngân sách để lại cho thành phố là rất ít so với mức 33% trước đây, điều này sẽ khiến thành phố gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện đầu tư cho TP. Thủ Đức tương lai.

Trong những năm gần đây, TP HCM liên tục đề xuất trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố theo Đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030". Theo đó, TP HCM đề xuất ngân sách giữ lại cho Thành phố giai đoạn 2022 – 2025 là 23%; giai đoạn 2026 – 2030 là 26%. Tuy nhiên, Đề án này vẫn chưa được trình Quốc hội phê duyệt.

Tại buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP HCM diễn ra hồi cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phương án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM giai đoạn 2022 - 2025 lên 23% là khả thi.

Việc tăng tỉ lệ điều tiết sẽ giúp Thành phố cơ cấu lại kinh tế, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tạo động lực cho thành phố phát triển, kết nối được với vùng kinh tế phía Nam và Tây Nguyên, lan tỏa sự phát triển kinh tế cho cả nước.

Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, hiện nay, Việt Nam vẫn đang thực hiện mô hình ngân sách tập trung. Trong khi đó các quốc gia trên thế giới muốn phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thì họ đã chuyển sang mô hình ngân sách phi tập trung.

Nếu thực hiện theo mô hình ngân sách này, Trung ương sẽ không điều tiết ngân sách theo tỉ lệ, mà khoán cho thành phố. Khi đã hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với Trung ương, thành phố sẽ có toàn quyền sử dụng khoản ngân sách còn lại để đầu tư cho thành phố.

PGS.TS Nguyễn khắc Quốc Bảo cho rằng, với mô hình ngân sách phi tập trung này, sẽ giải quyết cơ bản được chuyện tăng 1% cho tỉnh này thì mất 1% của tỉnh kia. Ngoài ra, để có nguồn tài chính tái đầu tư, thành phố cần phải khai thác tối đa môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn từ quốc tế.

Còn theo TS. Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố, trong nguyên lý đô thị sinh ra từ đất, tức khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần dần lên. Nhưng đất đai ở khu vực này hiện tại đang có tình trạng đầu cơ, vì vậy, khai thác đất ở khu vực này như thế nào cũng là thách thức.

TS. Võ Kim Cương cho rằng, trước đây ông đã từng phát biểu tại một hội thảo về mô hình thành phố đôi và giải pháp tài chính, đã có ý kiến đề nghị nên khoán kinh phí đầu tư hạ tầng của Thành phố đó trên từng m2 đất, và mỗi m2 đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng.

"Bất cứ ai là chủ đất cũng đều phải đóng góp chứ không phải Nhà nước bỏ ra hết. Nếu thực hiện được điều đó, có thể sẽ có được giải pháp về tài chính, trước tiên phát triển hệ thống hạ tầng. Còn bây giờ chưa có gì cả, hạ tầng đụng vào đâu cũng đền bù giải tỏa với giá thị trường quá cao". TS. Võ Kim Cương nêu giải pháp.

ĐÌNH ĐẠI

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên