MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Án treo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

06-06-2014 - 23:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Với tình tiết của vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, nếu quyết định án treo cho bị cáo Phạm Trung Cang theo đề nghị của VKS, e rằng dư luận sẽ có thêm một dẫn chứng về việc lạm dụng áp dụng “án treo”!

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự vào cuộc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai đồng bộ, có chuyển biến rõ nét.

Công tác phát hiện, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng có nhiều tiến bộ; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh; việc công khai đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và nhân dân đã tích cực vào cuộc và phát huy tốt vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, dư luận vẫn còn có những băn khoăn, bức xúc về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là việc xử lý tội phạm tham nhũng ở một số vụ án có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng án treo trong truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng. Bức xúc về vấn đề này, thậm chí có ý kiến còn cho rằng không nên áp dụng án treo trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Chia sẻ với những băn khoăn, bức xúc trên, nhưng tôi cho rằng áp dụng hay không áp dụng án treo trong vụ án kinh tế, tham nhũng phải căn cứ khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”; cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và thái độ ăn năn, hối cải, mức độ khắc phục hậu quả trong từng trường hợp cụ thể. Điều này có nghĩa, không thể máy móc cho rằng đã phạm tội tham nhũng thì không được hưởng án treo.

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đang được xét xử, ngoài bị cáo Nguyễn Đức Kiên, dư luận cũng đặc biệt chú ý đến bị cáo Phạm Trung Cang bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Sự chú ý này là dễ hiểu, vì bị cáo Phạm Trung Cang đã ít nhất một lần tưởng như “lọt lưới” do được đình chỉ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra, trước lúc Viện kiểm sát công bố cáo trạng, đưa ra truy tố. Tuy nhiên, quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang đã được chính cơ quan ra quyết định đình chỉ vụ án trước đó ban hành (?!).

Trong phần luận tội tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Trung Cang mức án 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trên cơ sở áp dụng khoản 3 Điều 165; điểm p, khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g, khoản 1 Điều 48; Điều 47; khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Điều này thêm một lần nữa khiến dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi vì việc bị cáo Phạm Trung Cang và đồng phạm đã bàn bạc, thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank dẫn đến gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 718.908.000.000 đồng, đã không được đại diện Viện kiểm sát xác định là tình tiết phạm tội có tổ chức quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự; trong khi tại phần luận tội, vị đại diện Viện kiểm sát đã xác định: “Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò chỉ đạo, chủ mưu, các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn tham gia với vai trò đồng phạm tích cực”.

Mặt khác, khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.

Với tình tiết của vụ án như nêu trên, nếu quyết định án treo cho bị cáo Phạm Trung Cang theo đề nghị của Viện kiểm sát, e rằng dư luận sẽ có thêm một dẫn chứng về việc lạm dụng áp dụng “án treo”! Đúng là cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng đầy cam go, quyết liệt và phức tạp. Chúng tôi đang chờ đợi và luôn tin tưởng vào một phán quyết chính xác, công tâm, đúng pháp luật của Hội đồng xét xử.

>>> Toàn cảnh vụ Bầu Kiên




Theo Hoàng Minh

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên