Bảo lãnh Chính phủ chuyển dần sang kênh bảo lãnh NHTM: Chủ trương đúng, nếu làm đúng
Theo NCS. Châu Đình Linh, cái gì của thị trường thì trả lại cho thị trường, và hoạt động bảo lãnh vay vốn cũng như vậy.
-
Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
-
Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm
Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho khoản vay của doanh nghiệp là một hoạt động hoàn toàn bình thường theo Luật Quản lý nợ công. Điều này cần thiết đối với nền kinh tế và đang được giám sát ngày càng chặt chẽ với các quy định, chế tài khá đầy đủ.
Tuy nhiên, thực trạng của hoạt động bảo lãnh Chính phủ đang biểu hiện nổi cộm ở hai vấn đề. Thứ nhất, nợ được Chính phủ bảo lãnh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1% là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm hơn 11,4% GDP, tương đương 21 tỷ USD (theo giá trị GDP năm 2014).
Thứ hai, hiệu quả dự án đầu tư của nhiều khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh rất kém, thông qua tỷ lệ trả nợ thấp và chỉ số ICOR cao (Quỹ tích lũy trả nợ ứng trả nợ thay cho DNNN theo các năm như sau: năm 2010 trả nợ thay 1.676 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên 2.437 tỷ đồng, năm 2012 tăng tiếp thành 2.588 tỷ đồng, năm 2013 phải ứng trả nợ thay cho 6 dự án 992 tỷ đồng, năm 2014 là 1.728 tỷ đồng…).
Chính vì thế, cuối năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ.
Và để cụ thể hóa, ngày 07/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 “Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016”.
Theo đó, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ. Chỉ tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm và nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, Chính phủ đã đánh giá đúng và trúng những tiềm ẩn rủi ro của hoạt động bảo lãnh Chính phủ, nên: giám sát chặt chẽ, tập trung ở các khoản vay đầu tư công tình trọng điểm, và dần chuyển sang kênh bảo lãnh của các NHTM.
Tuy nhiên, một vài điều băn khoăn, đó là vấn đề nghiên cứu chuyển từ bảo lãnh Chính phủ sang kênh bảo lãnh của các NHTM. Liệu đây có phải là chủ trương đúng? Và liệu nguy cơ trả nợ thay sẽ đổ lên vai của NHTM? Hay đây là một cách để “lách” và gia tăng khoản nợ công?
Có thể nhận định, đây là chủ trương rất đúng nhưng với điều kiện phải thực thi đúng. Bởi nếu không sẽ khó lường trước hậu quả mà NHTM phải gánh cho hoạt động nợ công.
Một chủ trương đúng
Chủ trương này rất đúng với một mong muốn của cơ quan hoạch định chính sách là thu hẹp các khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay trong hoặc ngoài nước và kiểm soát việc trả nợ.
Mọi mục tiêu đều có lộ trình thực hiện: đầu tiên, Chính phủ đã yêu cầu từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy chế quản lý nợ của mình, bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ, xây dựng kế hoạch cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ…; tiếp đến, tăng cường giám sát và thực hiện bảo lãnh trong hạn mức được phê duyệt hàng năm, và chỉ tập trung các công trình – dự án trọng điểm; cuối cùng, tiến tới chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các NHTM.
Với lộ trình trên sẽ làm tỷ trọng và giá trị nợ có Chính phủ bảo lãnh giảm xuống và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia lẫn kiểm soát chặt chẽ nợ công của Chính phủ.
Với điều kiện phải thực thi đúng
Chủ trương là đúng nhằm giảm tỷ trọng và giá trị nợ được Chính phủ bảo lãnh, nhưng nếu cách thực hiện sai thì sẽ dẫn đến hậu quả cho hệ thống ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến ổn định tài chính. Cụ thể:
Chính phủ thực thi đúng, nghĩa là việc chuyển giao là sang kênh bảo lãnh của các NHTM phải được thực hiện dần và có những thí điểm trước khi tiến hành đại trà.
Ngoài ra, vai trò của Chính phủ và Bộ Tài chính vẫn tiến hành kiểm tra, giám sát việc vay có bảo lãnh từ NHTM của các doanh nghiệp nhà nước (nhưng chỉ tập trung ở các công ty THHH một thành viên 100% vốn nhà nước, và các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối) như: đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, tiến độ dự án, kế hoạch trả nợ dự kiến, hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ…
Bên cạnh đó, khi tiến hành chuyển sang kênh bảo lãnh của các NHTM thì Chính phủ/Bộ Tài chính/cơ quan chức năng không được thực hiện mệnh lệnh hành chính nhằm buộc NHTM phát hành bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thực thi đúng. Lúc này, doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn từ một đối tác (trong nước hoặc quốc tế) mà đối ứng là bảo lãnh của Chính phủ thì khoản vay chắc chắn được thu xếp với chi phí khá tốt.
Nhưng tính hiệu quả của dự án đầu tư luôn thấp, hệ số ICOR luôn cao và đẩy gánh nặng trả nợ cho Chính phủ (có thể nhận thấy thông qua việc trả nợ thay từ Quỹ tích lũy trả nợ hằng năm và nhiều điển hình vi phạm hoạt động đầu tư dự án của doanh nghiệp nhà nước). Vì vậy, kênh bảo lãnh từ các NHTM sẽ đảm bảo tính thị trường ở: (i) NHTM sẽ thẩm định kỹ càng dự án đầu tư, năng lực tài chính, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo…trước khi phát hành thư bảo lãnh vay vốn; (ii) đối tác cho vay vốn cũng sẽ thận trọng hơn khi tiến hành thẩm định tín dụng kỹ càng, chứ không chỉ dựa vào thư bảo lãnh từ một NHTM trong nước; (iii) gia tăng tính trách nhiệm khi thực hiện đầu tư dự án và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Ngân hàng thương mại thực thi đúng. Xét cho cùng, bảo lãnh là hoạt động cấp tín dụng, theo đó ngân hàng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc ngân hàng sẽ thực hiện thay cho khách hàng (doanh nghiệp) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng (doanh nghiệp) phải nhận nợ (ghi nhận nợ xấu) và hoàn trả cho ngân hàng theo thỏa thuận.
Như vậy, nghiệp vụ bảo lãnh cho một doanh nghiệp vay vốn từ một đối tác (tổ chức tài chính nước ngoài) là bình thường, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại cần thực thi đúng, cụ thể:
Trước hết, NHTM phải tiến hành thẩm định tín dụng đầy đủ như một khoản vay từ doanh nghiệp. Nội dung thẩm định bao gồm: năng lực pháp lý, năng lực tạo lợi nhuận, năng lực tài chính, mục đích sử dụng vốn, môi trường kinh doanh, phương án của dự án đầu tư khả thi, dòng tiền rõ ràng với kế hoạch trả nợ đảm bảo…
Thứ hai, NHTM phải ban hành những giới hạn bảo lãnh cho hình thức bảo lãnh này khi được Chính phủ triển khai. Thông thường, số dư bảo lãnh không được quá 15% vốn tự có của NHTM đó.
Thứ ba, NHTM xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng chủ động và mô hình cảnh báo rủi ro sớm, không những cho loại bảo lãnh này mà còn cho các hình thức cấp tín dụng khác.
Thứ tư, tiến hành đàm phán chia sẻ rủi ro giữa người cho vay vốn với NHTM – ngân hàng phát hành thư bảo lãnh, chẳng hạn rủi ro được chia sẻ 70 – 30 hoặc 50 – 50.
Cuối cùng, hạn chế và giảm tỷ trọng cũng như giá trị các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh là hướng đi đúng đắn.Và hướng đi đó có lộ trình và mục tiêu cụ thể. Đồng thời cũng song hành với quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang công ty TNHH MTV và công ty cổ phần. Chính điều này, các doanh nghiệp nhà nước sẽ ý thức hơn về tính thị trường trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và tự ý thức đứng trên đôi chân của chính mình. Cái gì của thị trường thì trả lại cho thị trường, và hoạt động bảo lãnh vay vốn cũng như vậy.