MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tăng cường quản lý tín dụng tiêu dùng

03-10-2015 - 08:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài những chính sách tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh hơn, dường như mảng dịch vụ này vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng đúng mức.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Nội dung nổi bật

Theo TS. Phan Minh Ngọc:

- Lạm phát giảm và lãi suất xuống thấp đã giúp người tiêu dùng có thêm động lực mua sắm và quan tâm hơn đến vay trả góp;

- Phía ngân hàng cũng đang đẩy mạnh mảng bán lẻ, kết hợp với nhu cầu của người tiêu dùng đã mở ra một thị trường tín dụng tiêu dùng đầy tiềm năng;

- Tín dụng tiêu dùng ở VN có lịch sử tương đối ngắn. Ngoài các chính sách tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển hơn, dường như mảng này vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Cơ quan quản lý cũng chưa có những biện pháp quản lý thích hợp như ở những nước phát triển để hạn chế rủi ro cho cả 2 bên cho vay và đi vay.


Tín dụng tiêu dùng đang trên đà khởi sắc ở Việt Nam từ vài năm nay với một loạt yếu tố hỗ trợ tích cực. Mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm dần từ mức rất cao trong giai đoạn 2011-2013 xuống mức 6%-7% như hiện nay. Vì vậy, tuy người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng với việc tăng chi tiêu nhưng họ cũng đã cởi mở với và sẵn sàng hơn trong việc đi vay để mua sắm tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và gia đình.

Mặt khác, lạm phát đã và đang trên đà giảm mạnh trong mấy năm qua, nhất là giá xăng dầu đã giảm mạnh bắt đầu từ năm trước trong khi tăng trưởng kinh tế và, do đó, thu nhập vẫn tiếp tục xu hướng được cải thiện nên người tiêu dùng đã trút bớt đi được gánh nặng chi phí cho cuộc sống vốn gia tăng mạnh trong giai đoạn lạm phát bùng phát 2011-2013.

Chi phí và lo toan cho cái ăn cái mặc thường nhật giảm bớt đi sẽ giúp người tiêu dùng có thêm động lực mua sắm hàng hóa lâu bền và có giá trị cao. Ngoài ra, khi cuộc sống “dễ thở” hơn thì nhu cầu cải thiện điều kiện nơi ăn chốn ở đã được chú trọng hơn với nhiều người tiêu dùng. Bởi vậy, người tiêu dùng hiện nay cũng ngày càng quan tâm hơn đến vay trả góp để mua sắm hay sửa chữa nhà cửa.

Xem thêm các bài viết trong dòng sự kiện:

>>> Phát triển tài chính tiêu dùng

Về phía ngân hàng và công nghệ ngân hàng, công nghệ thanh toán, sự phổ cập thẻ tín dụng đã diễn ra với tốc độ nhanh chóng nhờ: Sự gia tăng mạnh của ngành bán lẻ qua sự phổ cập ngày càng sâu rộng của mạng Internet; nhờ ngày càng có nhiều điểm bán lẻ chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng; và nhờ sự quảng bá, khuyến mại, khuyếch trương rộng rãi của các ngân hàng cho nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng trong cộng đồng người tiêu dùng tiềm năng. Những yếu tố này đã cộng hưởng mạnh với nhu cầu mua sắm tiêu dùng cao hơn của người tiêu dùng để tạo ra một thị trường tín dụng tiêu dùng đầy tiềm năng tăng trưởng ở Việt Nam.

Tuy vậy, tín dụng tiêu dùng mới chỉ có lịch sử tương đối ngắn ở Việt Nam. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thẻ tín dụng, thẻ tín dụng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1990 do Vietcombank phát hành, trong khi đó thẻ tín dụng đã xuất hiện và trở nên phổ biến ở các nước phát triển, nhất là ở Bắc Mỹ từ đầu những năm 1950.

Có lẽ một phần bởi lý do này nên ngoài những chính sách tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh hơn, dường như mảng dịch vụ này vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng đúng mức. Cơ quan quản lý cũng chưa có những biện pháp quản lý thích hợp như ở những nước phát triển để hạn chế rủi ro cho cả 2 bên, người tiêu dùng và ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính, tín dụng cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Thậm chí gần đây giải pháp khuyến khích phát triển mạnh tín dụng tiêu dùng từ hệ thống tài chính ngân hàng còn được nhiều người đề xuất như là một giải pháp hữu hiệu để chống lại nạn tín dụng đen.

Lấy ví dụ trường hợp ở Singapore, Chính phủ nước này từ mấy năm gần đây đã từng bước siết chặt các quy chế và luật lệ về cho vay tiêu dùng không có bảo đảm, thế chấp. Nguyên nhân một phần vì họ lo ngại gánh nặng trả lãi và gốc của các khoản vay mua bất động sản ngày càng tăng lên vượt quá khả năng chi trả của người tiêu dùng. Để hạn chế rủi ro mất khả năng chi trả này, Chính phủ Singapore đặt ra các quy định như phải rà soát, xem xét tổng số nợ của các cá nhân và hộ gia đình cũng như hạn mức tín dụng cho họ trước khi phát hànhthẻ tín dụng hoặc cấp hạn mức tín dụng không có tài sản thế chấp, đảm bảo. Các quy định này cũng không cho phép người tiêu dùng với lịch sử mất khả năng thanh toán đúng hạn trong 2 tháng hoặc hơn cho các khoản vay nợ không có tài sản thế chấp được vay tiếp.

Đối chiếu điều này với Việt Nam có thể thấy, việc quản lý dữ liệu tài chính cá nhân để khống chế hạn mức vay nợ không có tài sản thế chấp như thế này còn quá xa vời, ít nhất vì, ví dụ, cơ sở dữ liệu cá nhân thống nhất và tập trung cho hầu hết dân số trong độ tuổi trưởng thành chưa thể được xây dựng và cập nhật, làm cho các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng không thể nắm chính xác lịch sử tín dụng như thế nào và các khoản vay nợ hiện tại của mỗi cá nhân ở Việt Nam là bao nhiêu, cho những mục đích gì v.v...

Từ thực tế này, chắc chắn sẽ có nhiều vụ việc mất khả năng chi trả phát sinh cùng với đà mở rộng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam do khả năng chi trả của con nợ không được kiểm soát và đánh giá đầy đủ. Bởi vậy, việc xây dựng và cập nhật, quản lý một cơ sở thông tin tín dụng ngày càng bao phủ sâu rộng trên toàn lãnh thổ là điều bắt buộc song hành với việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam.

Chính phủ Singapore cũng đặt ra những hạn mức gọi là Tỷ lệ tổng chi trả nợ và lãi vay (Total Debt Servicing Ratio, TDSR) so với tổng thu nhập cá nhân và hộ gia đình, nhằm hạn chế người tiêu dùng trong việc vay mua nhà quá mức, vượt quá khả năng chi trả định kỳ lãi và gốc các khoản vay mua nhà của họ.

Tùy theo từng giai đoạn và phản ánh của người tiêu dùng mà Chính phủ Singapore có những sửa đổi về điều kiện của hạn mức này cho phù hợp.

Ví dụ, năm 2013, Chính phủ ban hành quy định chỉ cho phép các tổ chức tài chính tín dụng cho vay một cá nhân nào đó ở mức tối đa là 60% tổng thu nhập trước thuế hàng tháng của người đó TRỪ ĐI nghĩa vụ trả nợ hàng tháng của người đó cho các khoản vay nợ hiện tại (nếu có) như dư nợ vay thẻ tín dụng, dư nợ vay học tập, mua ô tô, vay cá nhân, nợ các nhà bán lẻ dưới hình thức trả góp qua thẻ tín dụng... Đến năm 2014, Chính phủ Singapore nới lỏng các điều kiện về cho vay đảo nợ mua nhà vì một số người đã gặp khó khăn trong việc này theo các điều kiện quy định năm 2013.

Quy định trên cũng nên được áp dụng sớm ở Việt Nam vì trong nhiều trường hợp chỉ riêng nghĩa vụ trả lãi và nợ gốc vay mua nhà vượt quá nửa thu nhập của cả hộ gia đình, dẫn đến khả năng vỡ nợ cao nếu có bất cứ rủi ro nào trong thu nhập và việc làm của các thành viên gia đình.

Ngoài ra, Chín h phủ Singapore còn có những quy định tưởng như “quá đáng” nhưng lại tỏ ra rất cần thiết trên thực tế như quy định Đăng ký Không Được Gọi (Do Not Call Registry, DNC), là một phần trong Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo quy định về DNC thì người tiêu dùng được phép đăng ký số điện thoại của họ với chính quyền để không nhận những quảng cáo marketing qua các cuộc gọi, tin nhắn, hay fax. Nếu cá nhân hay tổ chức nào đó gửi nhắn tin hay gửi fax đến những số điện thoại đã đăng ký DNC này thì người hay tổ chức đó bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tối đa lên tới 10.000 đôla Singapore (khoảng 7.000 USD theo tỷ giá hiện thời) cho mỗi lần vi phạm. Đăng ký DNC đã giáng một đòn mạnh vào các công ty có hoạt động marketing từ xa, vốn là một hoạt động marketing phổ biến của phần lớn các tổ chức tài chính.

Một quy định tương tự như DNC cũng là điều rất cần thiết ở Việt Nam khi người tiêu dùng hàng ngày hàng giờ bị tra tấn không ngừng nghỉ bởi các tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo đủ thứ từ bất động sản đến thẻ tín dụng và mua ô tô v.v...

 

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên