MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn thận khi vay tiêu dùng!

03-05-2015 - 09:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Khách hàng chỉ nhìn vào số tiền phải trả hằng tháng thấp mà không để ý đến lãi suất cao ngất ngưởng

Anh Hà Minh Văn (ngụ thị trấn Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) phản ánh đến Báo Người Lao Động về khoản vay tiêu dùng tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) Chi nhánh Kiên Giang với lãi suất 3,75%/tháng cho khoản tiền vay 22 triệu đồng. Anh phải mua thêm 1,1 triệu đồng tiền bảo hiểm cho khoản vay. Thời gian vay 36 tháng, tính ra trung bình mỗi tháng cả gốc và lãi anh phải trả cho FE Credit 1.180.000 đồng.

Nhiều rắc rối phát sinh

Tháng 4-2015, sau khi trả đầy đủ gốc và lãi của khoản vay trong vòng 11 tháng, anh Văn muốn tất toán sớm khoản nợ thì công ty tài chính thông báo tiền gốc vẫn còn hơn 19 triệu đồng (chưa kể lãi). Anh Văn đã ngưng thanh toán tiền gốc và lãi tháng này, chấp nhận đóng phạt 300.000 đồng chờ phía công ty giải quyết khiếu nại.

Bởi theo anh, mỗi tháng trả 1.180.000 đồng, trong đó có hơn 611.000 đồng tiền gốc, trả được 11 kỳ nghĩa là tổng số tiền gốc đã trả phải hơn 6,7 triệu đồng thì không thể còn đến 19 triệu đồng. Nhân viên công ty nói tìm người đã ký hợp đồng để hỏi rõ nhưng anh không cách nào liên lạc được với nhân viên tín dụng.

Khách hàng này còn phản ánh thời điểm nhân viên tư vấn cho anh về khoản vay thì lãi suất chỉ 2,17%/tháng, anh đọc rất kỹ hợp đồng. Đến khi tờ hợp đồng chính thức được gửi cho anh, lãi suất lên tới 3,75%/tháng. Nếu đóng đủ 36 tháng, tính ra tổng cộng cả gốc và lãi, anh phải trả gần 40 triệu đồng cho khoản vay chỉ 22 triệu đồng.

Đến chiều 2-5, anh Văn cho biết vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ công ty về tổng số tiền anh phải trả nếu muốn tất toán trước hạn khoản vay. Thậm chí, khi anh hỏi về việc muốn thanh toán khoản vay trước hạn tại chi nhánh công ty ở Kiên Giang, nhân viên ở đây cho biết phải lên tận trụ sở chính ở TP HCM!

Một khách hàng khác cũng đang méo mặt vì khoản vay tiêu dùng từ các công ty tài chính là ông Nguyễn Quốc Hùng (ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Hùng khẳng định khoản tiền còn nợ hơn 10 triệu đồng của công ty tài chính H., đến giờ ông… quyết không trả vì cho rằng lãi suất quá vô lý.

Tháng 2-2014, con gái ông là Nguyễn Quốc Hồng Trân có vay tiêu dùng trả góp của công ty H. 5.843.000 đồng, lãi suất 7,09%/tháng (tính ra hơn 85%/năm). Do không trả nợ đúng hạn, ông bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu thanh toán số tiền gốc và lãi phạt là 10.374.000 đồng.

Ông từng gửi đơn khiếu nại đến Báo Người Lao Động khi thấy lãi suất hơn 85%/năm như “tín dụng đen”, bất hợp lý. “Đến giờ, tôi cũng khẳng định chỉ trả số tiền vay và lãi trong trường hợp công ty tính lại mức lãi suất hợp lý bởi không thể có mức lãi suất lên tới 7,09%/tháng theo kiểu cắt cổ như vậy! Phải chăng cơ quan quản lý đang thả nổi, tôi sẽ chờ phía công ty kiện khoản nợ này ra tòa để hỏi rõ mức lãi suất” - ông Hùng bức xúc.

Hiện nay, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, điện thoại, các hệ thống bán xe máy… đều kết hợp với công ty tài chính cho vay trả góp. Tại nhiều cửa hàng, công ty tài chính còn cử nhân viên túc trực mỗi ngày để tư vấn trực tiếp và ký hợp đồng ngay với khách hàng vay vốn, giải ngân trong ngày.

Hồ sơ thủ tục cho vay rất đơn giản, chỉ cần hộ khẩu, CMND hoặc bằng lái xe, khách hàng có thể vay khoản tiền dưới 20 triệu đồng trong vòng 12-36 tháng. Tuy nhiên, thủ tục càng đơn giản thì lãi suất càng cao.

Tại một siêu thị điện thoại di động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM, nhân viên tư vấn Công ty Tài chính ACS cho hay để mua 1 máy tính giá 4.990.000 đồng, khách hàng chỉ cần trả trước 490.000 đồng, số tiền 4,5 triệu đồng sẽ được cho vay trả góp trong vòng 6 tháng.

Lãi suất 2,45%/tháng nhưng đây là lãi suất theo dư nợ gốc, khách hàng trả được bao nhiêu kỳ thì lãi suất vẫn tính trên số tiền vay ban đầu. Chỉ riêng tại siêu thị điện thoại này đã có 3 công ty tài chính Home Credit, FE Credit và ACS tài trợ vốn cho khách hàng.

Lãi suất cao là đương nhiên!

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp anh Hà Minh Văn, đại diện Công ty FE Credit cho rằng khách hàng được tư vấn đầy đủ về sản phẩm vay cũng như các điều khoản chính của hợp đồng trước khi ký hợp đồng vay. “Lịch sử thanh toán của khách hàng cũng rất tốt trong suốt 11 kỳ vừa qua, nghĩa là khách hàng đã hiểu rất rõ về hình thức vay, lãi suất cũng như các điều khoản trong hợp đồng” - FE Credit lý giải.

Theo FE Credit, khách hàng muốn tất toán trước hạn phải trả tiền gốc còn lại, phí trả nợ trước hạn và khoản trả hằng tháng tại kỳ thanh toán mà người vay yêu cầu tất toán… Về lãi suất vay tiêu dùng cao, FE Credit khẳng định đây là những khoản vay không có bảo đảm, có giá trị thấp và rủi ro cao nên lãi suất có thể cao hơn những món vay khác. Việc này cũng phù hợp với quy định của ngân hàng (NH) Nhà nước hiện hành về lãi suất vay thỏa thuận.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, khoản tiền người vay phải thanh toán hằng tháng khá thấp nên người lao động phổ thông vay cũng trả được. Tuy nhiên, chính điều này khiến họ “lơ là” đến việc lãi suất và tổng số tiền phải thanh toán rất cao.

“Người vay cần tính tổng số tiền mình phải trả cho món hàng, so với số tiền gốc sẽ thấy lãi suất cao và cân nhắc có vay hay không” - ông Minh lưu ý. Ngoài ra, cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng để hiểu rõ các khoản được nêu trong hợp đồng, nếu không thì yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp giải thích trước khi ký.

 

Tòa án cũng lúng túng

Dù quy định cho phép các công ty tài chính áp dụng lãi suất vay thỏa thuận với khách hàng nhưng trên thực tế, mức lãi suất cho vay tiêu dùng, vay tín chấp và vay trả góp rất cao, từ 30%-50%/năm, thậm chí một số khách hàng phải trả lên tới 70%/năm. Rất nhiều tranh chấp giữa công ty tài chính và khách hàng đã xảy ra, xuất phát từ lãi suất cắt cổ.

Một số TAND quận, huyện ở TP HCM cũng lúng túng trong việc phân xử, phải gửi văn bản nhờ NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM xác định mức lãi suất thỏa thuận là bao nhiêu. Hiện Cơ quan Thanh tra giám sát NH thuộc NH Nhà nước đã yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản lý lãi suất tín dụng tiêu dùng.

 

Theo Thái Phương

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên