MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đại phẫu" ngân hàng: "Còn lại gì sau cơn mưa"?

06-09-2015 - 08:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc giai đoạn tái cấu trúc theo Đề án 254, nhiều ý kiến cho rằng NHNN sẽ còn tiếp tục quyết liệt và mạnh mẽ trong việc xử lý và thanh lọc hệ thống trong thời gian còn lại của năm.

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” đang ở chặng đường cuối cùng, nhiều thương vụ sáp nhập diễn ra, vài ngân hàng đã biến mất và hàng loạt ngân hàng yếu kém được xử lý dứt điểm,... Thị trường đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới.

8 ngân hàng biến mất khỏi thị trường

Sau gần 4 năm, quá trình tái cơ cấu được ví như một "cuộc đại phẫu" với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Trong đó “nổ phát súng” đầu tiên là thương vụ sáp nhập 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB thành SCB; TrustBank đổi tên thành VNCB; WesternBank sáp nhập vào PVFC rồi đổi tên thành PVcomBank; Habubank nhập vào SHB; Đại Á vào HDBank; TienPhongBank gọi vốn từ Doji rồi đổi tên thành TPBank; Navibank tìm được nhà đầu tư, tự tái cơ cấu và đổi tên thành NCB…

Số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tính đến cuối năm 2014 là 37 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước. Sau khi các thương vụ sáp nhập MDB vào MaritimeBank, MHB vào BIDV chính thức hoàn tất trong nửa đầu năm 2015 thì số lượng ngân hàng thương mại cổ phần hiện đang rút xuống còn 30 và ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm xuống còn 4.

Sắp tới, sẽ có thêm 2 ngân hàng biến mất đó là PGBank khi sáp nhập vào VietinBank. Cái tên Southernbank cũng sẽ bị xóa sổ khi nhập vào Sacombank.

Xuất hiện thêm 3 ngân hàng 0 đồng

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động tái cơ cấu được cả hệ thống đẩy nhanh và quyết liệt như thời gian qua. Mặc dù không có ngân hàng nào bị phá sản nhưng lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện khái niệm ngân hàng 0 đồng khi hàng loạt ngân hàng yếu kém như VNCB, Oceanbank, GPBank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt và NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phần

Chính vì thế, số đơn vị quốc doanh do NHNN sở hữu 100% vốn, trước đó chỉ có Agribank nay đã nâng lên 4. Bên cạnh việc mua lại 3 nhà băng với giá 0 đồng, NHNN còn gia tăng việc đưa nhân sự vào tham gia quản trị, điều hành và hỗ trợ tài chính cho ngân hàng mua lại.

Cũng trong thời gian qua, thông tin NHNN thay ông Trầm Bê thực hiện toàn bộ quyền cổ đông tại Sacombank và Southern Bank thực sự khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Bởi ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, và sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.

Ông Trầm Bê còn cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.

Những ngân hàng lỡ duyên sáp nhập

Năm 2015 được xem là năm bùng nổ sáp nhập, tuy nhiên nhiều cặp đôi dường như đã chắc chắn về chung một nhà nhưng rốt cuộc mỗi người mỗi ngả với nhiều cái kết đầy bất ngờ.

Bàn tán ồn ào nhất là thương vụ ABBank và DongABank. Đã có lúc CTCP Tập đoàn KiDo (KDC) từng bị xem như là người thứ ba xen vào cuộc sáp nhập này nhưng cuối cùng tất cả đều bất thành khi DongA Bank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. DongABank và ABBank “dứt tình” mà cũng chẳng nên phận với KDC.

Tương tự, thương vụ giữa SaigonBank và Vietcombank từng được nhắc đến nhiều lần nhưng cuối cùng cũng chìm vào quên lãng. Hiện Vietcombank đang trên hành trình tìm kiếm đối tác với mục tiêu của NHNN và Vietcombank là sẽ không sáp nhập ngân hàng yếu kém vào Vietcombank.

Nam A Bank cũng một thời được cho là nhận sáp nhập Eximbank dù là ngân hàng nhỏ, nhưng các thông tin gần đây cho thấy thương vụ này cũng bất thành. Chủ tịch Nam A Bank khẳng định ngân hàng này không sở hữu bất kỳ cổ phiếu Eximbank nào và việc các cá nhân từng liên quan đến Nam Á tham gia vào quản trị Eximbank nếu có là việc cá nhân của họ chứ không đại diện cho ngân hàng.

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc giai đoạn tái cấu trúc theo Đề án 254, nhiều ý kiến cho rằng NHNN sẽ còn tiếp tục quyết liệt và mạnh mẽ trong việc xử lý và thanh lọc hệ thống trong thời gian còn lại của năm. Với những gì diễn biến như thời gian qua thì mọi thông tin vẫn là những ẩn số và thị trường giờ đây không thể đồn đoán thêm gì, chắc chắn phải chờ đợi những động thái rõ ràng phát đi từ phía cơ quan quản lý.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên