MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[ĐHCĐ Eximbank] Cổ đông bức xúc nhưng vẫn bầu xong HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới

15-12-2015 - 16:18 PM | Tài chính - ngân hàng

ĐHCĐ Eximbank diễn ra trong không khí căng thẳng với hàng loạt bức xúc của cổ đông. Tuy nhiên danh sách HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới cuối cùng cũng được thông qua, nhưng tỷ lệ trúng cử khá thấp, hầu hết chưa đến 70%.

Sáng nay 15/12, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB ) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu nhân sự cấp cao nhiệm kỳ 2015 – 2020.

8 ứng viên vào HĐQT và 1 ứng viên HĐQT độc lập

Trong tài liệu chính thức gửi đến cổ đông, danh sách ứng cử 8 thành viên làm thành viên HĐQT Eximbank bao gồm:

Ông Cao Xuân Ninh được nhóm cổ đông với tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết 11,287% đề cử.

Ông Lê Văn Quyết được HĐQT đề cử. Ông Lê Văn Quyết không có cổ phần cá nhân cũng như cổ phần của tổ chức mà cá nhân làm đại diện tại ngân hàng. Ông Quyết từng công tác tại NHNN tỉnh Đồng Nai và đang giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa.

Ông Ngô Thanh Tùng do 5 cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ 9,127% và 2 cổ đông cá nhân nắm 1,067% đề cử. Ông Tùng có nhiều năm kinh nghiệm trng ngành luật, từng làm Thành viên Đoàn luật sư TPHCM- Liên đoàn luật sư TPHCM, giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp, Hội đồng cố vấn doanh nghiệp - Unicef Việt Nam...

Ông Đặng Anh Mai do HĐQT đề cử. Cũng giống ông Lê Văn Quyết, ông Đặng Anh Mai không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại ngân hàng. Ông Mai từng làm chuyên viên nghiên cứu tại Viện điều tra Quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp (cũ). Ông cũng từng công tác tại Vụ hợp tác Quốc tế, NHNN. Tại Eximbank ông Mai là thành viên HĐQT. Trước đó, ông là Trợ lý HĐQT ngân hàng ACB, thành viên HĐQT ngân hàng Đại Á.

Ông Nguyễn Quang Thông do HĐQT đề cử. Ông Nguyễn Quang Thông không có cổ phần tại Eximbank. Ông có nhiều năm công tác tại Eximbank với nhiều chức vụ như thành viên BKS, ủy viên HĐQT, phó chủ tịch HĐQT.

Ông Hoàng Tuấn Khải do HĐQT đề cử. Ông Hoàng Tuấn Khải là đại diện CTCP XNK tổng hợp I Việt Nam tại Eximbank nhiệm kỳ V (2010-2015). Tuy nhiên tại nhiệm kỳ 2015-2-2020 lần này, ông Khải không là đại diện phần vốn góp của CTCP XNK Tổng hợp I Việt Nam tại Eximbank

Ông Naoki Nishizawa đại diện phần vốn góp của SMBC tại Eximbank với tỷ lệ cổ phần 10,05%;

Ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%.

Ngoài 8 ứng viên trên thì ứng viên dự kiến làm thành viên HĐQT độc lập Eximbank được HĐQT đề cử là ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc cũng không nắm cổ phần tại ngân hàng.

5 ứng viên vào Ban kiểm soát

Danh sách ứng cử vào BKS nhiệm kỳ mới, có 5 thành viên bao gồm: ông Trần Lê Quyết, bà Phạm Thị Mai Phương, ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Bảo Quốc và ông Đặng Hữu Tiến.

Thanh tra yêu cầu HĐQT có phương án khắc phục các vấn đề liên quan Eximland

Theo tờ trình gửi đến cổ đông, Eximbank xin ý kiến cổ đông thông qua một số vấn đề liên quan đến nội dung nêu tại Kết luận Thanh tra.

Theo đó, Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ HĐKD) đến thời điểm 31/12/2013 là 1.116,67 tỷ đồng.

Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến năm 2013.

Đến nay, Eximbank đã khắc phục được 284,83 tỷ đồng còn 831,83 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, việc mua bán BĐS đã phát sinh một số khoản chi phí có liên quan cần phải xử lý.

Thanh tra kết luận việc hạch toán vào thu nhập trong khi Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng BĐS là chưa đúng quy định theo chuẩn mực kế toán và thanh tra yêu cầu HĐQT phải xin ý kiến ĐHCĐ gần nhất để thông qua phương án khắc phục.

Thua lỗ trong tháng 10 và tháng 11

Tính đến 30/11/2015, Eximbank đạt 552 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 55,2% kế hoạch năm.

Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, EIB tiếp tục trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.

Tổng tài sản tính đến 30/11 đạt 127.078 tỷ đồng, giảm 21,15% so với đầu năm, hoàn thành 70,6% kế hoạch năm. Trong năm, tổng tài sản giảm chủ yếu vốn huy động thị trường liên ngân hàng là 35.543 tỷ đồng.

Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 101.280 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm và hoàn thành 80,4% kế hoạch.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 96.053 tỷ đồng, giảm 1,9% so với đầu năm và hoàn thành 88,3% kế hoạch năm.

Tổng dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư là 84.548 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm.

Nợ xấu 11 tháng ở mức 1.538 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 1,82% trên tổng dư nợ cho vay (năm 2014: 2,46%).

Theo báo cáo tài chính, qua 9 tháng đầu năm ngân hàng báo lãi trước thuế 667 tỷ đồng, tuy nhiên con số vừa được công bố tại ĐHCĐ thì chỉ đạt lãi 552 tỷ đồng trong 11 tháng. Điều này có nghĩa trong tháng 10 và 11 ngân hàng lỗ 125 tỷ đồng.

Theo báo cáo tại Đại hội, kết quả thanh tra đến ngày 31/12/2014, Eximbank lỗ lũy kế 1.618,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trích lập dự phòng bổ sung 710,73 tỷ đồng. Xuất toán lãi dự thu 128,41 tỷ đồng, giảm thu nhập do bán tài sản cố định không quy định 831 tỷ đồng, giảm thu nhập với khoản lãi dự thu 4,4 tỷ đồng.

Năm 2015, ngân hàng cũng đã bán 2.000,68 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Nhiều sai phạm theo kết luận thanh tra

Theo kết luận Thanh tra, Eximbank đã có sai phạm về tín dụng như: giải ngân bằng tiền mặt, chứng từ sử dụng vốn chưa bổ sung đầy đủ, tài sản đảm bảo chưa được kiểm tra liên tục theo quy định.

Thanh tra đã kiểm tra 30% dư nợ bảo lãnh thì thấy chứng từ chưa đầy đủ. Eximbank đang khắc phục bằng cách yêu cầu các chi nhánh Eximbank bổ sung chứng từ còn thiếu.

Thanh tra cũng đã thanh tra 5/6 hồ sơ đầu tư tài chính phát hiện sai phạm gần 6.000 tỷ đồng, trong đó Eximbank đã vi phạm về giám sát đầu tư của khác hàng. Hiện Eximbank đang yêu cầu khách hàng bổ sung chứng từ để ngân hàng báo cáo thanh tra.

Eximbank trình đại hội đồng cổ đông phương án khắc phục trong 3 năm

Lãnh đạo Eximbank cho biết, thứ nhất, xử lý trong thời gian 03 năm từ 2016 – 2018. Đồng thời đại hội đồng cổ đông thống nhất ủy quyền cho Hội đồng quản trị đề xuất phương án chi tiết trình Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện và thông báo kết quả thực hiện cho cổ đông.

 

 

Đại hội bước vào phần thảo luận

Cổ đông 1 hỏi: Ban lãnh đạo Eximbank cho biết 2 vị trí đất tại đường Nguyễn Chí Thanh và đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) sẽ sử dụng thế nào để tránh lãng phí? Mỗi lần tổ chức ĐHCĐ như thế này, vô cùng tốn kém. HĐQT mới phải có trách nhiệm xử lý và vực dậy. Chúng tôi gắn bó với ngân hàng lâu rồi, vậy trách nhiệm của các ông là như thế nào?

Cổ đông 2 hỏi: Tôi là cổ đông từng đi họp bao nhiêu năm, ĐHCĐ bất hường mà chả có gì bất thường, cũng bầu BKS là làm tăng chi phí còn cổ đông chả có gì, chiếm 1,5% LNST ăn vào phần của cổ đông. Cổ đông lớn ăn hiếp cổ đông nhỏ.

Năm nay, lợi nhuận 1.700 tỷ đồng, xử lý nợ xấu còn 550 tỷ đồng, HĐQT chia 1,5% nữa, cổ đông cũng không có gì để hưởng. Tôi đề nghị 1 năm mà mình trích thù lao tới 1.100 tỷ đồng thì 5 năm nay, ông Lê Hùng Dũng làm nhiệm kỳ 5 năm rút lui an toàn, còn cổ đông thì đi về đâu? ĐHCĐ mỗi năm làm thế nào để nghe có ông thành viên HĐQT nào đó từ chức phế ông đó để bầu mới? Còn bầu thêm thì để làm gì lại tăng thêm chi phí? Mong nhiệm kỳ mới có trách nhiệm có suy nghĩ? Ít ra cổ đông cũng phải 1%. Các anh nhận 1,5% có hợp lý không?

Chủ tọa đề nghị cổ đông không lặp lại các ý kiến mà chỉ đóng góp

Cổ đông thứ 3: Chúng ta chống tham nhũng, họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM báo cáo không có tham nhũng, vậy tôi xin hỏi đoàn kiểm tra NHNN xử lý như thế nào việc HĐQT không hoàn thành nhiệm vụ và thất thoát lớn như thế? Bây giờ xử lý ai? Ở chỗ này cho rõ ràng thì chúng tôi mới biểu quyết.

Trong số ứng cử, chúng tôi đề nghị nam giới ít đi, bình đằng nữ giới, mà không có một nữ ứng cử nào?

Ông Lê Hùng Dũng nói rằng ông cũng chả thích thú gì làm lãnh đạo sao ông không từ chức trước mà hết nhiệm kỳ mới từ chức. Ông Phú sao ông không xin rút từ 3 năm trước đi giờ hết nhiệm kỳ mới rút. Mấy năm nay, chúng tôi không có cổ tức gì?

Cổ đông 4: Đề nghị làm rõ trách nhiệm những người đã sai phạm từ năm 2010-2015.

Cổ đông 5: Trong danh sách bầu cử nhân sự mới, một số ông không tái cử, một số thành viên cũ như Đăng Anh Mai, ông Quang Thông… thì lại có mặt. Đề nghị công khai trách nhiệm của những người cũ này, làm chưa tốt mà vẫn được ứng cử?

Cần cơ quan giám sát trung ương cần làm rõ ràng và cá nhân tôi sẽ không bầu cho những người trong ban điều hành cũ.

Cổ đông 6: Trong HĐQT Eximbank có 9 người, ban điều hành 15 người, với số lượng HĐQT và BĐH, Eximbank là một trong những NH có lượng lãnh đạo rất đông trong khi làm ăn không hiệu quả?

Cổ đông 7: Ban lãnh đạo cồng kềnh, năng lực chuyên môn giới hạn, có nhều tồn tại tại Exixmbank. Lý do vì sao lại phải nâng cao số lượng từ 9-11 tại thời điểm này. Ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong thời gian tới?

Với hai nhân sự ứng cử mới là ông Đặng Anh Mai và ông Nguyễn Quang Thông, chúng tôi không đồng ý hai nhân sự này.

Cổ đông 8: Khoảng đầu tháng 12 có tên ông Trần Ngô Phúc Vũ nhưng đến khi ĐH không thấy cái tên này nữa, cũng không có phản hồi của Ngân hàng, trường hợp này Eximbank sẽ trả lời như thế nào? Vì chúng tôi muốn ứng cử người này vào danh sách lại không được đưa ra?. Tôi cũng đề cử Ông Trần Ngọc Tâm đại diện cho nhóm chúng tôi mà không có tên lại thấy nhiều người tên khác trong danh sách là vì sao?.

Có thành viên người Nhật, kỳ vọng ông này sẽ đóng góp trong việc chuyển giao công nghệ mà ngân hàng không đi lên lại thêm 1 người nữa thì HDQT dudong nhiệm sẽ như thế nào. Đề nghị xem xét lại danh sách ứng viên và phản hồi cho chúng tôi.

Cổ đông 9: Đây lần thứ ba Exixmbank suy sụp, 2 lần trước NHNN vào xử lý vào đi lên nhưng lần này chưa thấy HDQT giải trình. Các ngân hàng khác đi lên còn Eximbank thì cứ 10 năm lại suy sụp.

Vai trò của cố vấn HĐQT là ông Lê Đức Thúy như thế nào với ngân hàng thời gian qua? Mời cố vấn phải làm NH đi lên mà khi NH suy sụp thì cố vấn đó nên giải trình với cổ đông.

Ông Lê Đức Thúy, Nguyên Thống đốc NHNN phát biểu:

Tôi rất vui được dự trực tiếp ĐHCĐ được nghe các ý kiến khác nhau với những bức xúc là chủ yếu đối với hoạt động của Eximbank.

Tôi mừng vì khi xem xét trách nhiệm của 1 người thì phải biết rõ nhiệm vụ quyền hạn của người đó như thế nào đối với 1 tổ chức. Tôi chỉ cố vấn về những vấn đề mà HĐQT và Chủ tịch HĐQT cần tham khảo ý kiến, nếu họ không hỏi không tham khảo theo thỏa thuận thì tôi không có trách nhiệm và quyền hạn điều hành, tham gia bất cứ 1 quyết định nào của ngân hàng. Quả tình, có chăng là HĐQT chưa khai thác hết được từ tôi. Còn đánh giá tôi có hoàn thành không phải căn cứ về hợp đồng lao động nên cổ đông phê phán tôi, tôi được mời, làm có khiến. Tôi cũng không hề vi phạm gì và tôi không chịu trách nhiệm gì về các quyết định của HĐQT Eximbank.

Trong hợp đồng là tôi cung cấp Eximbank những báo cáo của tôi về tình hình kinh tế vĩ mô thế giới, Việt Nam, rủi ro, cơ hội qua đó để HĐQT tham khảo điều hành ngân hàng.

Thứ hai, với tư cách cố vấn khuyên thế nào, nếu nói đúng chức năng cố vấn,… dù sao tôi cũng từng tham gia vào hoạt động của Eximbank, rõ ràng các đồng chí tiếp tục làm đều chưa hài lòng về tình hình hoạt động của Eximbank. Việc nhiều thì không thể cùng 1 lúc làm được hết. Với cá nhân tôi, thì ngân hàng hãy tập trung vào việc , lựa chọn người đúng đắn nhất phát huy cái tốt của người đi trước, rút kinh nghiệm của người đi trước còn việc gì chưa làm thì ghi nhận lại.

Tôi biết bức xúc thì nhiều nhưng đại hội hôm nay không thể giải quyết được hết.

Ông Lê Hùng Dũng phát biểu: Chúng tôi xin lỗi ông Thúy, trong ĐH có một số cổ đông chất vấn, chúng tôi chưa kịp thời giải thích rõ cho họ. Sau khi ông Thúy thôi công tác rất nhiều cơ quan mời về làm việc. Ông Thúy đúng là không tham gia vào điều hành quản trị của ngân hàng hàng ngày.

Từng vấn đề một, chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời cụ thể. Tôi nghĩ rằng các bức xúc của cổ đông về kinh doanh không hiệu quả, rồi các ứng cử viên không có mặt trong danh sách,... Vừa qua môi trường kinh doanh của chúng ta xấu, cho vay BĐS do BĐS đổ bể nên dẫn đến tình hình khó khăn. Có khoản nợ xấu của Việt Nam lớn là do BĐS còn các gói vay khác thì đến nay cần cơ cấu lại.

Lãnh đạo ngân hàng cũng không che giấu nợ xấu. Hiệu quả kinh doanh còn thấp, 2014 và 2015 tiếp tục khó khăn. Việc tổ chức ĐHCĐ bất thường bầu các thành viên mới để đưa ngân hàng đến điểm thuận lợi hơn.

Ông Phạm Hữu Phú phát biểu: Một số câu hỏi đặt ra hôm nay cũng đã nói rồi. Liên quan kết quả HĐKD chúng tôi là những người nhận trách nhiệm trước ĐHCĐ trong thời gian qua. Còn việc sao tôi không từ chức sớm vì tôi mới về sao từ chức được. Văn hóa từ chức thì Eximbank bắt đầu có nên cổ đông hoàn toàn yên tâm và tôi sẽ đã không tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank trong thời gian tới.

Chúng tôi bán tài sản mong muốn lợi nhuận chia cho cổ đông chứ không có ai bỏ túi đồng nào. Phương án khắc phục vì phải chia cho các năm trước. Vì vậy cần trích lập xử lý khắc phục trong vòng 3 năm.

Chúng ta còn nhiều vấn đề, mong cổ đông bình tĩnh. Sai phạm thì thấy rồi, tôi xin từ nhiệm xin rút luôn HĐQT, cho thấy trách nhiệm của tôi. Eximbank lúc nào cũng trong trái tim tôi. Tôi vào Eximbank từ lúc khó khăn nhất và đến đây cũng nói lời chia tay. Đến lúc nào dừng là hợp lý.

Cổ đông 10 tiếp tục chất vấn: Các anh đang hợp thức hóa lỗ và sai phạm của mình. Tôi đề nghị không thông qua phương án này. Chúng tôi nghe có 1h đồng hồ mà yêu cầu chúng tôi bầu cử vì vậy chúng tôi không hiểu và không đồng ý.

Ông Phú tiếp lời: Chúng ta có những phương án khác nhau nếu đa số thì chúng ta phục tùng thôi. Cổ đông nào không đồng ý thì giơ tay.


Sau câu hỏi của ông Phú về việc cổ đông nào không đồng ý thì giơ tay đã có rất nhiều phiếu biểu quyết được giơ lên

Sau câu hỏi của ông Phú về việc cổ đông nào không đồng ý thì giơ tay đã có rất nhiều phiếu biểu quyết được giơ lên

 

Cổ đông thứ 10 tiếp tục: Theo phương án bầu Ban HĐQT có 4 vị không có cổ phần, làm sao chúng tôi tin tưởng các ông làm tốt, làm sao chúng tôi tin tưởng những người không có cổ phiếu thì sẽ hết mình tạo ra lãi cho chúng tôi.

Rất nhiều cổ đông đứng lên đề cử ông Tâm và ông Vũ nhưng tôi biết ông Tâm và ông Vũ từng làm Nam Á, hai ông này từ nhiệm sang bên Exximbank ứng cử vào HĐQT. Chúng tôi quan ngại bỏ việc bên kia, làm bên kia có sai phạm hay không?

Cổ đông tiếp theo: Đề nghị lãnh đạo NHNN cho biết những nhân sự nào đủ tiêu chuẩn để chúng tôi bầu. Giờ chúng tôi chỉ tin tưởng thanh tra giám sát NHNN và đại diện NHNN.

Trả lời những thắc mắc của cổ đông về ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, ông Hà Thanh Hùng - Thành viên HĐQT Eximbank cho biết về nguyên tắc bầu cử, nhóm cổ đông 10% được ưu tiên nhất song nhóm này mà vẫn thiếu nhân sự thì HĐQT đề nghị thêm. Sau đó, NHNN đề nghị Eximbank xem xét và đề xuất.

Danh sách vào tháng 10/2015 là danh sách của nhóm cổ đông đề cử nhân sự của mình và HĐQT, và đã có thêm hai thành viên là ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm, ngoài 8 thành viên trong danh sách ban đầu.

Eximbank đã có cuộc họp và quyết định đưa danh sách tất cả ứng viên gửi lên NHNN và xin ý kiến về 2 thành viên là ông Vũ và ông Tâm. Tuy nhiên sau khi Nam A Bank được cơ quan thanh tra vào cuộc về một số vấn đề, các thành viên HĐQT Eximbank đã đồng ý không đưa tên ông Vũ và ông Tâm vào danh sách ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ VI và cam kết ngân hàng đã làm đúng quy trình.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Thanh tra giám sát NHNN TPHCM lên trao đổi với cổ đông.

Ông Dũng nói: Nghe ý kiến của bà con bức xúc tôi biết được tinh thần trách nhiệm của cổ đông, vì sự an toàn hoạt động của Eximbank về những người cầm cân nảy mực của Eximbank.

Chúng tôi đã tổng hợp ý kiến và yêu cầu HĐQT phải đứng ra giải thích cho cổ đông. Chính vì lãnh đạo ngân hàng làm chưa đủ nên càng làm tăng sự bức xúc.

Thứ nhất, 2 vị trí đất tại đường Nguyễn Chí Thanh và đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) sẽ sử dụng thế nào để tránh lãng phí? HĐQT cần làm rõ. Nếu hôm nay không giải thích được thì ĐH tiếp cổ đông lại gửi thêm câu hỏi, càng bức xúc và thiếu tin tưởng.

Thứ hai, nợ đọng, nợ xấu yêu cầu mặc dù là ĐHCĐ bất hường về nhân sự nhưng bắt buộc phải công bố thanh tra xử lý như thế nào cho cổ đông biết.

Cá nhân nào liên can sai phạm, đề nghị HĐQT sẽ có văn bản ghi rõ những sai phạm. Những sai phạm và cổ đông xem xét bầu hay không bầu là ý kiến rất quan trọng.

Thứ ba, về chi phí hoạt động thù lao cao. Những năm kinh doanh tốt thì không sao nhưng năm qua hiệu quả kinh doanh thấp, mà ĐHCĐ kỳ trước không giải thích được thế nên tiếp tục làm bức xúc các cổ đông.

Thứ tư, xử lý những người không hoàn thành nhiệm vụ trong HĐQT. Việc này thuộc về trách nhiệm cá nhân. Trong đại hội lần này những tên không có trong danh sách ứng cử như ông Vũ và ông Tâm đã làm đúng quy trình.

Nếu bầu bổ sung 2 người này tại đại hội đồng cổ đông hôm nay là không thực hiện được. Vì danh sách ứng viên phải có ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Trong vấn đề tài chính, việc hạch toán tăng thu nhập 1.116 tỷ đồng thì từng cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thứ năm, theo kết luận thanh tra NamABank các nguyên lãnh đạo là ông Vũ và ông Tâm không gây thất thoát gì về tài sản. Vì vậy, khi không đánh giá được mất mát thì chưa có cơ sở đánh giá về đạo đức của một cá nhân.

Sau phần phát biểu của ông Dũng, cổ đông tiếp tục chất vấn lãnh đạo Eximbank

Cổ đông tiếp tục: Ông Hà Thanh Hùng nói ông Tâm ông Vũ có sai phạm trong khi NHNN thì khẳng định chưa có gì để kết luận được, vậy tại sao không được bầu?

Xét theo quy chế, ông Tâm, ông Vũ đủ tư cách ứng cử vào danh sách mà không đưa vào danh sách chính thức, lại chỉ được cho vào danh sách bố sung. Liệu có dấu hiệu lạm quyền không? Có nhiều vấn đề mâu thuẫn ở đây.

Một cổ đông khác đại diện 1 công ty thuộc Eximbank nêu ý kiến lãnh đạo cần xác định rõ hậu quả của ngân hàng và khắc phục hiệu quả của ngân hàng về trở lại thời hoàng kim sớm nhất? "Tôi đề nghị chúng ta chọn vị lãnh đạo có sự tin tưởng. Chúng ta cũng nên giữ lại những người hiện hữu hiểu được lịch sử, hiểu sâu và khắc phục sai phạm. Tôi cũng đồng ý có anh Tâm anh Vũ có thêm luồng gió mới".

Việc EIB không có hiệu quả, hơn ai hết cổ đông chịu thiệt thòi, HĐQT cũng có, cũng xót ruột, có tâm trạng như vậy.

Một cổ đông khác đặt ra câu hỏi về công tác nhân sự có vấn đề, đã đảm bảo theo quy trình theo luật Tín dụng hay không?

Sau phần phát biểu của cổ đông, Bà Ngô Thị Hòa đại diện NHNN nói thêm, đây là Đại hội mà NHNN rất quan tâm.

"Tôi rất chia sẻ với ý kiến các cổ đông, tôi mừng vì hiểu biết của cổ đông hiện nay khác các năm trước. Đã có những phát biểu dựa trên luật pháp, tài chính. Nếu như tôi là cổ đông tôi cũng có tâm trạng như vậy. Vì khi đầu tư vào NH mà có sai phạm, mà hoạt động không hiệu quả hoặc tôi giới thiệu người có tầm có tài có đức mà không được ứng cử…

Thứ nhất, về quy trình xem xét chấp thuận ứng viên NHNN . Ý kiến của anh Hùng và anh Dũng (ông Hà Thanh Hùng và ông Nguyễn Văn Dũng NHNN - PV) là hoàn toàn đúng và xin đính chính ý của anh Dũng. Khi HĐQT hỏi NHNN về nhân sự ông Vũ và Ông Tâm. Tại thời điểm đó, NHNN chưa có đầy đủ hồ sơ để đánh giá về hai nhân sự này.

Tôi muốn nhấn mạnh sau khi nhận được ý kiến của NHNN , HĐQT Eximbank họp lại gửi nghị quyết cho NHNN là 11 người. Ngày hôm qua, chính tôi nghe sẽ có danh sách mới. Cuối chiều qua, tôi ra sân bay chưa nhận được đề nghị nào của Eximbank. Sáng nay, cổ đông bảo có văn bản 554 có chữ ký của anh Lê Hùng Dũng. Thực sự tôi chưa nhận được văn bản nào của Eximbank. Lúc vào đây, tôi mới nhận văn bản, tôi không thể xoay sở được trong khi đây mới chỉ là công văn của 1 ông chủ tịch thôi".

Bà Hòa nói thêm, cổ đông cần căn cứ quy định của pháp luật để suy xét cho công bằng.

Đến 14h30 đại hội bước vào phần bỏ phiếu và cho đến 15h30 vẫn chưa công bố kết quả

Sau gần 2 giờ làm việc, kết quả kiểm phiếu cuối cùng cũng được công bố.

Về Hội đồng quản trị, tỷ lệ phiếu bầu như sau

Ông Cao Xuân Ninh được 65,24%

Ông Lê Văn Quyết 62,26%

Ông Ngô Thanh Tùng 68,04%

Ông Naoki Nishizawa 65,66%

Ông Yasuhiro Saitoh 65,82%

Ông Hoàng Tuấn Khải 84,52%

Ông Nguyễn Quang Thông 83,61%

Ông Đặng Anh Mai 60,73%

Ông Lê Minh Quốc 58,11%

Như vậy tất cả các ứng cử đều được bầu làm Thành viên HĐQT, trong đó ông Lê Minh Quốc làm thành viên HĐQT độc lập.

 

HĐQT ra mắt
HĐQT ra mắt

 

Về Ban kiểm soát

Ông Trần Lê Quyết: 63,09%

Bà Phạm Thị Mai Phương: 66,64%

Ông Trần Ngọc Dũng: 65,66%

Ông Trịnh Bảo Quốc: 184,37%

Ông Đặng Hữu Tiến: 79,81%

 

Ban kiểm soát ra mắt
Ban kiểm soát ra mắt

 

16h30 đại hội kết thúc

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên