Dính bẫy tín dụng đen, vay 200 triệu mất luôn nhà 10 tỷ đồng
Thủ tục nhanh gọn, không cần hợp đồng, không cần thế chấp, không cần phương án sản xuất kinh doanh, tín dụng đen vì thế được nhiều người tiếp cận. Song, với lãi suất cho vay đến 150%/tháng, thậm chí cao gấp 128 lần so với ngân hàng, không ít người đã trở thành nạn nhân của bẫy tín dụng đen.
- 08-09-2015Mắc bẫy tín dụng đen: Nhiều người nghèo "bỗng dưng" mất nhà
- 07-09-2015Tín dụng đen "sống khoẻ" nhờ đứng ngoài luật
- 11-08-2015Tín dụng đen giăng bẫy khắp nơi
Mất nhà vì vay tín dụng đen
Nhà ông Vũ Duy Hà (Nghi Tàm, Hà Nội) có mảnh đất 50m² mặt phố Nghi Tàm do cha mẹ để lại, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Năm 2012, một người quen tên Sơn đã giới thiệu vợ chồng ông Hà vay 200 triệu để xây sửa lại nhà căn nhà cấp 4 đang dựng tạm trên mảnh đất đó để cho thuê kinh doanh. Lãi suất người này đưa ra chỉ 1,2%/tháng .
Dưới chỉ dẫn cò Sơn, ông Hà đã ký hợp đồng vay tiền với Nguyễn Thị Hồng Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm CFA. Để vay tiền, theo yêu cầu của Nhung, ông Hà phải đưa sổ đỏ để Nhung giữ “làm tin”.
Hằng tháng, ông Hà đều mang 2,4 triệu theo thỏa thuận đến trả lãi. Nhưng được 10 tháng, bỗng nhiên ngân hàng đến hỏi thăm, lúc đó ông Hà mới tá hỏa khi biết ngôi nhà ông đang ở đã bị Nguyễn Thị Hồng Nhung mang đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng cách đây 9 tháng.
Đến nay, Nhung không trả được nợ và bỏ trốn nên ngân hàng đến “xem xét tài sản thế chấp” để phát mãi. Ông Hà có nguy cơ mất trắng tài sản hơn 10 tỷ đồng.
Từ năm 2013, gia đình ông Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) đã tới Công ty CP Cát Nam Phong để vay tiền. Để vay được 300-500 triệu đồng, ông Tuấn buộc phải giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT và anh Hoàng Phúc Đường, Phó giám đốc công ty Cát Nam Phong, lãi suất tính theo ngày.
Theo giải thích của Yến, việc ký giấy tờ này chỉ nhằm đảm bảo gia đình ông Tuấn có nghĩa vụ trả nợ cả lãi lẫn gốc. Ông Tuấn cũng yên tâm vì không phải bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng.
Đến năm 2014, ông Tuấn mới tá hoả khi cán bộ ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi đất. Lúc này, ông mới phát hiện Yến đã sang tên đem thế chấp ngân hàng vay tiền. Không chỉ gia đình ông Tuấn mà nhiều hộ gia đình khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Vài năm trở lại đây, nhiều vụ việc liên quan tới tín dụng đen đã được phanh phui như vụ vỡ nợ 400 tỷ đồng do vợ chồng Quang - Quyên ở Đan Phượng, Hà Nội làm chủ vay lãi suất cao đầu tư bất động sản hay vụ 600 tỷ đồng tại Lạng Sơn, vụ 268 tỷ đồng vay nợ không có khả năng chi trả của cô hiệu trưởng trường Phương Nam tại Hà Nội.
Gần đây nhất, nhiều hộ dân tại Lâm Thao, Phú Thọ đã đặt sổ đỏ vay 700 triệu viết giấy vay nợ, đến thời hạn không thanh toán được thì bị xiết nợ, lấy nhà. Thậm chí, hộ dân tại Gia Lâm, Hà Nội vay 200 triệu đồng cũng bị mất nhà, vụ việc đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Dễ vay tiền, dễ bị “siết”
Đa số người dân khi được hỏi vì sao vay nặng lãi đều có chung câu trả lời: Thủ tục hoạt động tín dụng đen đơn giản, mà các tổ chức tín dụng khác có cải cách vài chục năm nữa cũng không theo kịp.
Các giao dịch được hoàn tất chỉ trong vài phút, thế chấp chỉ cần chứng minh thư, thẻ sinh viên,... Một bản photo không cần công chứng uỷ quyền về nhà, đất, thậm chí một lời hứa hay thoả thuận miệng cho các khách quen.
Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 49.000 vụ việc liên quan tới tội phạm “tín dụng đen”, trong đó có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan tới “tín dụng đen”. Tội phạm từ tín dụng đen có 5 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản, 92 vụ cưỡng đoạt tài sản.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico, đã thấy nghe nhiều, nói nhiều, viết nhiều về tín dụng đen nhưng về pháp lý thì không dễ gì khẳng định thế nào là tín dụng đen vì chưa có quy định hay giải thích về pháp luật.
Hiện tượng phổ biến của tín dụng đen là sự kết hợp cho vay bất hợp pháp đi đôi với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, với mức lãi suất tín dụng đen hiện nay cao gấp ngân hàng từ 3-9 lần, cá biệt có trường hợp cao gấp 10-20 lần nên có sức hút lớn với các đối tượng hám lợi.
Trong khi đó, với hệ thống pháp luật như hiện nay, chỉ có trường hợp phạm tội cho vay nặng lãi thì mới được gọi là tín dụng đen. Còn sai trái trong hầu hết các trường hợp khác khó có thể gọi là tín dụng đen và không hề bị xử phạt hành chính.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, trên thực tế chỉ xử lý hình sự dưới những tội danh khác như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng là những tội không phải tội cho vay nặng lãi, không đi vào bản chất của vấn đề, không có tác dụng ngăn ngừa tội phạm, thậm chí ông chủ tín dụng đen hầu như không bao giờ bị liên quan đến những tội phạm trên.
Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, đại diện Hiệp hội ngân hàng VN, do tín dụng đen hoạt động ở thị trường phi chính thức nên cả người đi vay và cho vay đều không muốn xuất hiện nên việc phát hiện và xử lý rất khó khăn.
Vì thế, phương án chủ yếu là biện pháp phòng chống, ngăn ngừa, đồng thời ưu tiên các giải pháp hạn chế tối đa phát sinh nhu cầu vay tín dụng đen như hệ thống tài chính vi mô.
Tiền phong