MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ lãi suất tiền gửi USD, cần chờ xem hiệu ứng

18-12-2015 - 15:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa đã hạ lãi suất tiền gửi đồng USD xuống 0%/năm đối với các cá nhân, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với các doanh nghiệp ngày 28/9. Với nỗ lực này, NHNN được đánh giá là đang tận dụng mọi công cụ để ổn định tỷ giá vào thời điểm cuối năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
306 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với T.S Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, xung quanh việc NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD và ngân hàng trung ương Mỹ vừa tăng lãi suất.

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD đối với cả tổ chức và cá nhân xuống 0%. Ông đánh giá sao về tác động từ quyết định này?

-NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD của các nhân từ 0,25% xuống 0% với mục đích là chống việc người dân găm giữ đồng USD ở trong tài khoản của mình. Rất nhiều người đang giữ USD trong tài khoản ngân hàng và chờ khi nào tỷ giá trên thị trường tự do tăng thì rút ra để bán kiếm lời. Nếu bây giờ hạ lãi suất xuống bằng 0%, NHNN sẽ làm giảm động lực giữ USD trong tài khoản. Đây có lẽ là động thái phản ứng lại với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ngày hôm qua. Khi Fed tăng lãi suất, rõ ràng nhu cầu về USD sẽ tăng lên.

Động thái của NHNN có hợp lý không khi chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm?

-Hình như NHNN đang cố gắng tận dụng mọi công cụ mình có để ổn định tỷ giá, trong đó có việc đẩy lãi suất tiền gửi USD xuống bằng 0%, và thậm chí có thể còn đẩy xuống mức âm nữa. Có nhiều quốc gia đã làm như thế. Tức là họ hoàn toàn không khuyến khích người dân giữ USD trong tài khoản của ngân hàng.

Quyết định của NHNN hôm nay chứng tỏ NHNN đang tìm cách ổn định thị trường trước thời điểm cuối năm. Nhưng liệu nó có làm giảm nhiệt trên thị trường hay không thì có lẽ phải chờ xem. Và hình như ngoài kia thị trường tự do vẫn còn sôi động. Phải chờ xem hiệu ứng từ quyết định này.

Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn FDI và cả vốn FII nữa. Vậy quyết định của NHNN có tác động bất lợi đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam?

Về dòng vốn vào Việt Nam, có những dòng vốn vào thị trường chứng khoán thì họ trực tiếp quy đổi ra đồng VND để đầu tư vào chứng khoán, nhưng cũng có dòng vốn họ vào đây và chờ đợi điều kiện nào đó thuận lợi hơn và trong thời gian đó họ tạm gửi tại các ngân hàng. Nếu lãi suất tiền gửi về bằng 0% thế này, nó có thể làm chậm lại dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam bằng ngoại tệ.

Có nghĩa là sẽ bất lợi về lâu dài?

Chắc chắn là có bất lợi. Cái chủ đích của NHNN là không khuyến khích người dân cũng như doanh nghiệp găm giữ USD trên tài khoản và phải bán ra trên thị trường. Tại nhiều ngân hàng giao dịch giờ ngưng lại rồi vì tỷ giá đã lên mức kịch trần, nghĩa là người bán không thể bán hơn giá quy định nên không muốn bán, còn người mua cũng không thể mua được vì không có người bán. Để giải tỏa cái tình trạng này, động thái của NHNN hôm nay là làm cho người ta không găm giữ USD, tức là thay vì gửi ngân hàng thì bán ra thị trường, hoặc bán cho ngân hàng.

Thị trường sắp bước sang năm 2016. Theo ông, NHNN có thể làm gì để hóa giải tình trạng trên?

Chuyện phá giá chắc là hiển nhiên rồi. Mình không thể nào ngồi bất động trong khi giá trị đồng USD tăng lên. Kinh tế Mỹ đang đi lên trong khi Việt Nam là nước nước tiềm lực tài chính và khả năng kinh tế có hạn, thành ra thị trường họ chờ đợi đồng VND giảm giá, tức tỷ giá sẽ phải tăng lên. Nhưng tỷ giá đó lại bị chặn bởi mức trần, nên vấn đề là mình sẽ trụ được bao lâu. Thị trường ngoài kia biến động, còn chúng ta quy định tỷ giá ở mức tối đa 22.547 đồng/USD.

Trong năm tới, áp lực tỷ giá ngày càng lớn khi Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và mỗi lần tăng như thế áp lực lại dồn lên lãi suất đồng VND. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tạo lên rất nhiều khó khăn cho Việt Nam. Trung Quốc trong tháng này vẫn tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ, mà đồng Nhân dân tệ phá giá sẽ tạo áp lực rất lớn, nên Việt Nam sẽ chịu ít nhất 2 mũi dùi đó.

Với bối cảnh như thế, việc phá giá đồng VND là hiển nhiên. Cái đó không cần phải hỏi các chuyên gia mà bây giờ mấy bà ngoài chợ kia cũng nhìn nhận như vậy, là đồng VND không thể trụ ở mức hiện tại và sẽ phải phá giá. Nhưng phá giá mức bao nhiêu, đây là vấn đề. Và phá giá tại thời điểm nào cũng là một vấn đề. Theo tôi, phá giá càng sớm càng tốt. Và tôi đề nghị là nếu có phải điều chỉnh, thì Việt Nam nên điều chỉnh thường xuyên trong năm tới, chứ không phải tháng 3 nhảy lên 1%, rồi tháng 6 lại nhảy lên 1%, mỗi lần nhảy như thế là lại tạo ra sự biến động trên thị trường. Những người găm giữ USD họ cứ chờ, trước thời điểm đó là họ biết sắp sửa phá giá là mua USD vào, để khi phá giá 1 cái họ bán ra kiếm lời. Thành ra phá giá theo kiểu cứ dồn cục như thế là rất nguy hiểm. Phá giá ở mức độ nào đó là cơ quan quản lý quyết định, nhưng về tần xuất có lẽ phải thường xuyên hơn là 3-4 lần như năm vừa rồi.

Nhưng quay lại, vậy các nhà đầu tư nước ngoài họ lại ngại thì sao?

Đúng vậy. Đây là một bài toán khó giải. Theo tôi thì Việt Nam vẫn chủ chương 1 đồng tiền mạnh. Nhưng về thực chất, theo lý thuyết về sức mua tương tương, giá trị đồng VND lại thấp hơn so với giá trị hiện tại, có nghĩa là tỷ giá phải cao hơn so với tỷ giá hiện tại. Thành ra tỷ giá sẽ phải tiếp tục điều chỉnh để hướng tới giá thị trường. Giá thị trường ở mức nào thì mình chưa thể biết, vì đồng VND chưa bao giờ được thả nổi. Mình không biết được giá trị của đồng VND là 25.000, 28.000 hay 30.000 đồng đổi 1 USD. Nhưng hình như tỷ giá của mình đang hướng về cái giá thị trường đó và nó sẽ tiếp tục điều chỉnh.

NHNN có nên điều chỉnh một lần luôn không?

Có lẽ cũng không nên làm thế vì nếu điều chỉnh một lần rất mạnh biết đâu vẫn chưa “đủ đô”. Chúng ta đã thử một lần rồi đấy. Nên bây giờ có phá giá một lúc 10% cũng chưa biết có “đủ đô” không.

Nên hành động phải từ từ. Và các cơ quan chức năng phải linh hoạt nhiều hơn, thay vì neo tỷ giá vào mức nào đó rồi lại không giữ được cam kết. Trong năm tới NHNN đưa ra một định hướng, nhưng nên linh động và điều chỉnh tỷ giá thường xuyên hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên